An nhiên mà sống – An yên giữa đời

An nhiên mà sống – An yên giữa đời

Tôi gặp cuốn sách này trong khoảng thời gian rơi vào khủng hoảng trầm trọng: mất niềm tin, mất tình yêu, mất việc,…và vô số những điều kinh khủng khác. Tôi trượt dài trong những ngày tháng như thế … Cho đến khi An nhiên mà sống của Lê Đỗ Quỳnh Hương đến với tôi. Đây là món quà của một người bạn. Ấn tượng đầu tiên, đó là một cuốn sách mỏng, nhẹ. Hình bìa là một cười phụ nữ mỉm cười – rất an nhiên. Tôi bị thu hút bởi nụ cười và ánh nhìn trìu mến ấy. Và tôi đọc.

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Fwww.fahasa.com%2Fan-nhien-ma-song-tai-ban-2020.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Fahasa[/su_button]

An nhiên mà sống – Đi qua nỗi đau

Nếu nói một cuốn sách giúp tôi quên đi nỗi đau đớn của bản thân lúc ấy, cũng không hẳn. Nhưng cách viết dung dị, nhẹ nhàng, nhiều lúc pha chút tếu táo của chị giúp tôi tự cật vấn mình để có câu trả lời đích xác, để có thể mỉm cười, để có thể chấp nhận, để có thể thứ tha,…Cuốn sách như một liều thuốc an thần để tôi có thể quên đi những tổn thương trong lòng mình lúc ấy.

Vì sao ư?

Vì cuốn sách cho tôi hiểu: chúng ta có thể an nhiên mà sống, chỉ cần suy nghĩ tích cực.

Cuốn sách thuyết phục tôi bởi “triết lí” ly bơ – một ly bơ chỉ còn một nửa. Thay vì nói: “Buồn quá, mình còn có nửa ly bơ hà”, chị sẽ nói “Hay quá, mình còn tới nửa ly bơ”. Điều đó có nghĩa là gì, mỗi chúng ta đều có thể vượt qua những thất vọng, những buồn bã đang gặm nhấm mình hàng ngày. Bởi lẽ, khi chúng ta nghĩ tích cực, cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ an nhiên hơn.

Vì con người vô nhân thập toàn. Là con người không ai có thể hoàn hảo cả. Thuyết lí 7/3 của chị cho tôi hiểu rằng, có thể họ tốt, chẳng qua là tôi đã chạm vào 3 phần xấu của họ mà thôi. Vì thế, tất nhiên tôi phải bỏ qua, tôi phải tha thứ.

Vì chuyện gì cũng có thể vượt qua, dù đó là chuyện khó khăn đến mấy. Tôi cứ nhớ phương châm hài hước mà thấu tình của chị:

“Khó quá…bỏ qua

Cái gì rồi cũng sẽ qua.”

…Cái gì rồi cũng sẽ qua thật. Bạn tin đi”

Và vì  chúng ta cần tiến về phía trước. Chị nói:

“Trong con người bạn có nhiều bộ phận để giữ cho bạn tiếp tục tiến về phía trước. Nếu không tránh khỏi những thương tổn, mỏi mệt đâu đó,…hãy cho bộ phận ấy nghỉ ngơi, nhưng những bộ phận khác vẫn có thể choàng gánh. Miễn sao ta vẫn giữ mình tiến tới”.

Điều đó có nghĩa là mỗi khi bạn nản chí, mệt nhoài,…hãy cố gắng tiến về phía trước…Đừng dừng lại. Bởi lẽ, nếu dừng lại, chúng ta sẽ không có cơ hội để làm bất kì điều gì nữa. Dừng lại, nghĩa là chúng ta đầu hàng chính bản thân mình. Điều đó chẳng phải rất tệ ư?

Vì mình còn có nghĩa cho ai đó. Khi nhận ra mình còn ý nghĩa cho ai đó, đó là cảm giác tuyệt vời nhất. Đó là cảm giác khi mình được tin tưởng, khi mình được truyền hơi ấm cho người khác. Đó là khi mình nhận ra bản thân mình không vô nghĩa. Mình có thể ở bên cạnh ai đó, an ủi khi họ buồn, sẻ chia những nỗi niềm, giúp đỡ họ dù là điều nhỏ nhất. Có nghĩa mình luôn có giá trị riêng của mình!

“KHÔNG CÓ GÌ TỒN TẠI MÃI MÃI, KỂ CẢ NHỮNG NỖI BUỒN, NỖI SẦU, NỖI PHIỀN MUỘN, NIỀM ĐAU…CỦA BẠN”. Vậy hà cớ gì ta cứ phải giữ nó bên mình cơ chứ. Hãy vượt qua nó, hãy gạt nỗi buồn, hãy đi qua những phiền muộn, hãy bước qua niềm đau,…mà chọn cuộc sống an nhiên đi chứ.

Bấy nhiêu thôi, bây nhiêu lí do có mặt trong những câu chuyện thủ thỉ của chị mà khiến tôi có thể vực dậy khỏi những khủng hoảng tinh thần đang bủa vây, đang giằng xé lấy mình. Tôi đã đứng dậy, đã hít một hơi thật sâu, đã mỉm cười, và tôi đã AN NHIÊN MÀ SỐNG, thanh thản và bình yên!

An nhiên mà sống – Truyền năng lượng sống tích cực

Tôi cứ ngấm dần, ngấm dần những câu chuyện của chị, những thông điệp đằng sau lớp ngôn từ giản dị, sau giọng văn nhẹ nhàng, ấm áp, sau một ngòi bút tinh tế và không kém phần dí dỏm. Tôi không đọc hết cuốn sách ngay một lúc. Tôi không đọc ngấu nghiến nó, mà cứ vừa đọc vừa ngẫm, đọc đến mấy tháng mới hết cuốn sách hơn 200 trang. Cuốn sách không chỉ là liều thuốc an thần, sau này tôi mới nhận ra “An nhiên mà sống” truyền cho tôi một năng lượng sống tích cực.

Tôi hiểu rằng, mình hãy sống hết mình cho ngày hôm nay:

“Sống như mỗi phút giây trôi qua đều thực đáng để sống, để ai biết được giữa thế gian bất định và đầy bất trắc này một ngày nào đó cuộc đời sẽ khép lại một vòng đầy đặn. Thưởng thức đủ, yêu thương đủ, trải nghiệm đủ. Có luyến tiếc nhưng sẽ không là nuối tiếc.”

Đúng, đó là những gì tôi cần. Chỉ cần còn được sống trên cuộc đời này, chả việc gì ta phải ôm khư khư những buồn đau. Hãy làm những điều mình thích, hãy yêu thương nhiều hơn, hãy tận hưởng hết mình…Tự bản thân những điều đó sẽ mang đến cho chúng ta một nguồn năng lượng sống dồi dào, và tất nhiên chúng ta sẽ trân quý cuộc sống của mình hơn bao giờ hết. Nếu như bản thân mình không yêu cuộc sống của mình, thì ai có thể yêu thương mình nữa, đúng không?

Tôi nhận ra, mỗi chúng ta đều phải nỗ lực hết mình:

“Khi mọi thứ dường như đều chống lại bạn, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh ngược chiều gió cứ không phải xuôi chiều”

Đây là câu trích dẫn trong cuốn sách của chị. Tôi thích câu trích dẫn này. Bởi lẽ, nếu cuộc đời chúng ta cứ thuận chiều gió thổi, chắc chắn không bao giờ chúng ta phát hiện ra sức mạnh trong chính bản thân mình. Bởi thế, những khó khăn đang ở trước mắt kia, tôi nghĩ mình sẽ vượt qua. Tôi sẽ như một chiếc máy bay ưỡn ngực, vượt qua giông bão của cuộc đời. Còn nếu gió to quá, thì bay cùng gió, đến đâu thì đến “Hoy, cứ kệ pà nó ih”. Thế cho an nhiên!

Tôi hiểu, mỗi người đều có những giá trị riêng, và hãy không ngừng tạo lập giá trị riêng của chính mình:

“Mỗi người đều có những giá trị của riêng mình. Ai ý thức được điều đó, họ sẽ tự tin, rồi từ tự tin họ sẽ làm được nhiều việc mà…không bị thiên hạ ghét vì dựa hơi lên mặt mà vô dụng”.

Thế đó, giá trị nằm ở chính việc ta làm, ở ý nghĩa cuộc sống của ta. Cứ tạo lập, cứ cố gắng hết mình, cứ khẳng định bản thân mình thôi, đâu cần quan tâm đến những lời nói của thiên hạ nữa. Gạt hết những thứ không quan trọng ra khỏi cuộc sống của mình ấy, đó là điều cần thiết. Cứ cố gắng thật nhiều bởi “Cố gắng hết mình, chả cần được vinh danh hay thưởng thiếc gì cả, chỉ cần những người mình thương yêu ghi nhận thôi”. Đó đã là điều tuyệt vời lắm rồi.

Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất, để tạo năng lượng sống cho mình. Nhỏ như thế nào ư? Một câu “Cảm ơn!”, một lời “Xin lỗi” cũng có thể mang đến cảm xúc tích cực cho người khác đấy. Bạn tin không? Lời cảm ơn không mất tiền mua đâu, mà người khác thấy được tôn trọng và trân trọng. Thế nên cứ “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Bạn cũng đừng tiếc lời khen, lời động viên, khuyến khích nhé. Hãy bắt đầu từ những điều dung dị ấy, học cho thấu đáo để biến nó trở thành một phương tiện ngôn ngữ kì diệu, mang đến niềm vui cho người khác.

Và nữa, chúng ta hãy không ngừng hình thành kĩ năng sống cho mình. Sẽ tốt hơn nhiều đấy. Chẳng hạn, cậu bé – con chị Quỳnh hương có hỏi chị: “Tại sao người ta cần giỏi văn hả mẹ?

Chị trả lời: “Người ta cần nắm vững ngôn ngữ để diễn đạt lưu loát những gì mình đang nghĩ hay muốn nói, để tránh bị hiểu nhầm hay hiểu sai; hoặc để không phải lệ thuộc vào sự diễn giải của người khác. Mặt khác, cho dẫu con không theo ngành nghề chuyên về “văn”, sức mạnh của ngôn ngữ cũng khiến con có lợi thế và có nhiều thành công hơn hẳn”

Tôi cho rằng điều này là đúng. Sử dụng ngôn ngữ thành thạo là lợi thế. Học văn tốt cũng là một lợi thế. Tôi lại nhớ đến câu chuyện học văn của mình. Những ngày đầu tiên đến với văn chương, thấy tâm hồn được bồi dưỡng, thấy cuộc sống là màu hồng, an yên, phơi phới, nhiệt huyết, đam mê…Gấp những trang sách lại, mang lí thuyết trong sách ra cuộc đời, bị đời đập cho tơi bời không thương tiếc. Gấp sách lại, khóc. Rồi vẫn quyết theo đuổi, vẫn làm bạn với văn chương, và dần dần lấy lại niềm tin, thấy mình có thêm sức mạnh. Điều quan trọng là mình đủ tỉnh táo, thế thôi!

Hình thành kĩ năng cũng giống như câu chuyện cần học tốt văn vậy. Hãy bình tĩnh, hãy kiên trì,…bởi chính những kĩ năng ấy sẽ là chìa khóa để bạn thành công.

Nhưng quan trọng nhất, hãy làm người tử tế, bởi:

“Bạn chỉ sống một lần trong đời. Vì thế, hãy biết sống cho đầy”

Sống tử tế không khó, chỉ cần chúng ta biết quan tâm giúp đỡ những người khác trong những khoảnh khắc bình thường nhất của đời sống, chỉ cần làm những việc trong khả năng của mình như nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang bầu, đi qua đám ma biết im giọng không cười,…Hãy tử tế từ những việc đơn giản nhất và nhất định chúng ta phải sống tử tế. Bởi “làm người tử tế, nó đẹp lắm. […] ý thức làm người tử tuế nó sẽ khiến cho con người mình đẹp hơn nhiều […] tự nhiên mình thấy đời mình vui lên nhiều”. Vậy, hà cớ gì ta không sống cho tử tế?

Đó là những năng lượng sống mà tôi tự rút ra từ những câu chuyện của chị. Còn nhiều, nhiều lắm những thông điệp ý nghĩa đằng sau những trang văn hồn hậu, dung dị mà không kém phần sâu sắc. Hãy tiếp tục lật giở, từng trang, từng trang,…

An nhiên mà sống – Hãy yêu thương nhiều hơn

Tôi thích cách mà chị nói về yêu thương:

“Khi người ta yêu thương một người khác thật lòng, chẳng có cái gì đáng gọi là hi sinh hay phiền phức khi ta được góp thêm niềm vui cho người đó cả”.

Tôi thích cách thể hiện yêu thương của chị. Tôi thích cái cách mà mà chị lao về với cha để được tám chuyện tỉ tê cho đã đời. Một buổi sáng thức dậy, cảm thấy nhớ cha vô cùng, nhớ cha không chịu nổi “Thế là chị rủ em, em rủ cháu, một lũ nheo nhóc con gái cháu gái rong ruổi vượt…46 cây số ngắn ngủn, một tiếng sau đã có mặt ở nhà cha”. Một hành động được thôi thúc từ con tim, ấm áp tình cảm ruột thịt. Có nề hà chi đoạn đường xa lắc, chỉ cần được chở về, được nhìn thấy cha, được nói chuyện tỉ tê cùng người mình thương yêu, thế là đã mãn nguyện vô cùng.

Hay cách mà chị chăm sóc con mình cũng khiến người ta phải ngưỡng mộ. Người mẹ tinh tế, nhẹ nhàng và thấu hiểu ấy đã luôn dành thời gian cho con. Chị tỉ tê với con chuyện to chuyện nhỏ, chị lồng những bài học sống và mỗi câu chuyện bình dị của hai mẹ con, chị dạy con biết cách yêu thương và thể hiện yêu thương…Và tôi nghĩ, đó chính là cách mà chị yêu thương đứa con trai bé bỏng của mình. Tình yêu thương có thể khởi phát tự trong lòng, nhưng nó cần được vun vén để ươm mầm cho cả những thế hệ mai sau. Những câu chuyện nhỏ to, thầm thì của chị trong căn nhà nhỏ với cậu con trai đã luôn khiến tôi cảm thấy ấm áp.

Vì thế, tôi thích câu nói của chị: “Hãy thương nhau, khi còn có thể…”

Đời người hữu hạn, thời gian không nhiều, không phải lúc nào cũng gặp được  người ta thương yêu…vì thế, hãy sống với nhau bằng tình yêu, hãy đối đãi với nhau bằng tình thương và luôn nhớ “Hãy thương nhau khi còn có thể”.

Nói thực, tôi thích phong cách của Lê Đỗ Quỳnh Hương trong An nhiên mà sống. Cuốn sách là tiếng nói của một người phụ nữ từng trải, đi qua những thăng trầm của cuộc đời nhưng đủ bình tâm để nhìn lại, đủ sức mạnh để bước tiếp, đủ tinh tế để nhìn nhận, và đủ yêu thương để ươm mầm cho những điều tốt đẹp trong cuộc đời này. Cảm ơn chị, cảm ơn An nhiên mà sống đã truyền sức mạnh cho tôi, để tôi có thể an nhiên giữa cõi đời thênh thang này!

Đừng bỏ qua : Luật Hấp Dẫn Của Nụ Cười – Bí quyết khiến bạn hấp dẫn hơn

3 Comments

  1. Hường Minh Tuyền
    • Mỹ Linh
    • Yến Nguyễn

Leave a Reply

error: Content is protected !!