Tác phẩm Bà Bovary – Sự mâu thuẫn và va chạm giữa ước mơ và đời thực

Tác phẩm Bà Bovary – Sự mâu thuẫn và va chạm giữa ước mơ và đời thực

Sự xuất hiện của những khuynh hướng, trào lưu văn học mới đã khiến cho văn đàn Pháp vào thế kỉ XIX trở nên vô cùng phong phú, đa dạng. Bên cạnh trào lưu lãng mạn thì trào lưu hiện thực là một trong những trào lưu không thể không nhắc đến, bởi những đóng góp to lớn của nó cho nền văn học Pháp. Gustave Flaubert cùng với tác phẩm “Bà Bovary” là một minh chứng vô cùng tiêu biểu.

Tác phẩm Bà Bovary - Sự mâu thuẫn và va chạm giữa ước mơ và đời thực

Tác phẩm “ Bà Boravy ” có số phận không hề yên ả. Khi vừa mới xuất bản đã bị cho là vướng “màu sắc dâm dật”, xúc phạm luân lý công cộng và tôn giáo, và Gustave Flaubert cũng đã bị kiện ra tòa, nhưng sau đó ông được tuyên vô can. Từ đó, “ Bà Boravy ” trở thành cuốn sách vô cùng nổi tiếng.

Trên cái nền hiện thực của xã hội Pháp lúc bấy giờ, nhân vật Emma được Flaubert phác họa với hàng loạt những hành động, tư tưởng, tính cách cũng như suy nghĩ đi ngược với luân thường đạo lý, với cái mà người ta cho là chuẩn mực, là đạo đức, là phẩm hạnh của một người phụ nữ, để rồi cuối cùng cái mà nàng nhận được lại chính là cái chết trong đau khổ. Không có gì là đơn thuần khi mà Flaubert đã vẽ nên một nàng Emma với những hành động, suy nghĩ “đi lệch” với xã hội, cái mà Flaubert hướng tới không chỉ là vạch trần bộ mặt giả dối, thối nát của xã hội tư sản mà còn để lên án sự tha hoá và xuống cấp về đạo đức của những con người sống trong cái xã hội ấy.

Emma – từ một cô gái mơ mộng, lãng mạn đến một người phụ nữ phóng đãng, hư hỏng và cuối cùng trở thành nạn nhân đáng thương của xã hội tư sản lúc bấy giờ. Ngay từ những con chữ đầu khi miêu tả về Emma thì Flaubert đã gắn cho nàng cái mác say mê tiểu thuyết trữ tình. Vì say mê nên nàng càng ngày càng chìm đắm vào trong thế giới của những lãng mạn, ngọt ngào. Nàng luôn mong chờ về “một chàng kị sĩ áo lông trắng, cưỡi ngựa đen, phi từ cánh đồng xa thẳm tới”.

Rồi khi trải nghiệm cuộc sống hôn nhân với Charles Bovary , Emma đã liên tiếp bị đẩy vào “những cơn vỡ mộng” khi mà cuộc sống hôn nhân của nàng không hề ngọt ngào hay lãng mạn như nàng tưởng, cũng chẳng có một chàng kị sĩ nào vì “chuyện trò với Charles thì tẻ nhạt như vỉa hè ngoài phố” hay “hắn chẳng biết bơi, chẳng biết múa kiếm, chẳng biết bắn súng”. Nàng chính là không cam tâm, rồi từ sự không cam tâm đó đã dẫn đến những hành động táo bạo, nàng ngoại tình với chàng luật sư trẻ tuổi Léo Dupuis và gã Rodolphe. Nàng cho rằng đó chính là con đường duy nhất để thỏa mãn khát vọng của bản thân.

[su_button url=”https://fast.accesstrade.com.vn/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Fwww.fahasa.com%2Fba-bovary.html” target=”blank” style=”flat” background=”#ef2d30″ size=”6″ rel=”nofollow”]MUA SÁCH TRÊN FAHASA[/su_button]

Nếu quy chiếu hành động của nàng theo một cái nhìn đa chiều, đa diện thì Emma chính là một người phụ nữ dũng cảm, tức là, nàng biết được bản thân mình muốn gì, cần gì. Nàng muốn yêu và khao khát được yêu, như thể dòng máu nóng trong người nàng lúc nào cũng sục sôi vì “thèm khát” tình yêu. Nàng thành thực, nàng yêu bản thân mình và nàng muốn vùng dậy, muốn thoát khỏi cái nơi nghèo nàn, ngột ngạt đang giam cầm nàng.

Dù vậy, nàng vẫn sai, sai trong cái cách mà nàng tự cứu lấy bản thân mình. Nàng đã chọn cho mình một con đường mà càng cố vươn lên thì nó lại càng nhấn nàng xuống. Bởi vì , chính nàng đã quá mù quáng, chính những ước mơ, dục vọng của bản thân đã giết chết nàng. Flaubert đã đồng cảm với nàng, chính vì cái cuộc sống tẻ nhạt, chật hẹp đã xiềng xích nàng, cái cuộc sống mà nàng đã ghét cay ghét đắng kia cũng chính là cuộc sống mà Flaubert nguyền rủa và muốn vạch trần. Cho đến khi chết đi, cho dù nàng đã phạm phải bao nhiêu sai lầm thì bên cạnh nàng luôn có một Charles với trái tim vô cùng chân thành, có lẽ, đây như là một niềm an ủi, thương cảm của Flaubert dành cho nàng.

Như cái cách mà Flaubert phác họa Emma đã thành công phản ảnh một hiện thực rất ư hiện thực, theo đó, bản thân Emma chính là một hiện thực, nàng không chỉ là một, mà là một đại diện tiêu biểu cho cả một tập thể phụ nữ trong xã hội tư sản đương thời, mà chính con mắt hiện thực của Flaubert đã nhận rõ khi ông thốt lên: “nàng Bovary tội nghiệp của tôi, trong giờ phút này, đang đau khổ và khóc lóc ở hai mươi làng của nước Pháp”. Chính bởi quá yêu bản thân, chìm đắm quá sâu vào trong những đam mê xác thịt, ái tình Emma đã bỏ quên đi Charles – người chồng hết mực yêu thương nàng, rồi ngay cả trách nhiệm của một người mẹ đối với con mình, nàng cũng chẳng thiết bận tâm.

Tác phẩm Bà Bovary - Sự mâu thuẫn và va chạm giữa ước mơ và đời thực

Cho đến cuối tác phẩm, Flaubert đã để cho nàng tự tử khi phát hiện bản thân bị nhân tình lừa dối, lại còn mắc nợ vì lối ăn chơi phóng túng, sa đọa, lối thoát duy nhất của nàng chỉ có thể là cái chết. Có vẻ đó là cách duy nhất để nàng tự giải thoát bản thân và cũng tự kết thúc tấn bi kịch của chính nàng bởi vì “trong cuốn sách không có lấy một nhân vật nào có thể kết án được nàng” và chỉ duy nàng là người duy nhất “có lý, ngự trị, chế ngự”. Có lẽ, thái độ răn đe có phần mỉa mai mà Flaubert dành cho Emma được thể hiện qua việc ông đã để cho nàng ra đi một cách đau đớn và xấu xí.

Vốn bị ảnh hưởng bởi tiểu thuyết lãng mạn, rõ ràng Emma luôn hướng tới những thứ hoàn mĩ, những thứ đẹp đẽ, và có lẽ nàng cũng từng nghĩ, cũng từng ước ao, rằng cái chết của mình cũng sẽ thật nên thơ và đẹp đẽ. Cái chết của Emma đã vạch trần một cách không khoan nhượng những bộ mặt đê hèn, giả dối của xã hội tư sản Pháp, khi mà L’heureux , kẻ đã lừa gạt và ép nàng vào con đường nợ nần, khi nghe tin Emma tự sát, vẫn thốt lên: “tội nghiệp cái bà ấy!”

Emma được xem như một hình tượng điển hình cho “bi kịch vỡ mộng” trong văn học Pháp lúc bấy giờ. Flaubert, với một ngòi bút sắc sảo, bằng cách đẩy  Emma vào tấn bi kịch của ái tình, của ảo mộng, ông đã chân chính lên án cái thối nát và đạo đức giả của cả một xã hội quý tộc – tư sản, nơi mà giá trị của đồng tiền là cao hơn cả, nơi diễn ra những âm mưu, lọc lừa lẫn nhau chỉ bởi vì tình, vì tiền. Qua đó, Flaubert đã nhận định “con người luôn bị lừa dối hoặc tự lừa dối, luôn luôn thất bại và vỡ mộng. Mọi khát vọng chỉ là ảo tưởng. Con người sống tốt đẹp hay sống xấu xa thì cũng cùng chung một kết thúc mà thôi.”     

Bài Review được đóng góp bởi Cộng Tác Viên Lê Trang Kiều

Leave a Reply

error: Content is protected !!