Bảy Bước Tới Mùa Hè: Tách Trà Chiều Ôn Lại Một Chuyện Tình Tuổi Thơ

Bảy Bước Tới Mùa Hè: Tách Trà Chiều Ôn Lại Một Chuyện Tình Tuổi Thơ

*( Lưu ý trước khi đọc: những phần chữ in đậm đặt trong dấu” “ là trích dẫn từ tác phẩm hoặc từ những nhận xét của các nhà báo, nhà thơ và những nhà phê bình văn học. Xin cảm ơn những lời nhận xét về tác phẩm Bảy bước tới mùa hè của nhà báo Jason Beerman, nhà thơ Ý Nhi đã giúp mình hoàn thiện bài review này.)

“Nếu các chân lí phổ quát còn tồn tại, còn nơi nào tốt đẹp hơn để tìm thấy chúng ngoài những kí ức tuổi thơ? Ở đó, không bị phai mờ vì đánh mất sự ngây thơ và những nhọc nhằn của tuổi trưởng thành, cuộc sống – ngay cả khi nhìn lại – vẫn là một cuộc phiêu lưu vô tận.”

 – Nhà báo JASON BEERMAN

Hội chứng sợ thời gian trôi, có tên khoa học là Chronophobia, một căn bệnh xuất phát từ sự lo lắng trong khoảng thời gian trôi qua. Hội chứng này đặc biệt phổ biến với những người đang trong độ tuổi xế chiều, hay ở người đang gặp căng thẳng cường độ cao. Khi thời gian là thứ xa xỉ, thì sự tiếc nuối và kỉ niệm như là một cuốn phim lặp đi lặp lại trong đầu, dấy lên khao khát tìm lại chút hồn nhiên và bình yên nơi tuổi trẻ.

Bằng một cách thần kì nào đó, với “Bảy bước tới mùa hè” , nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã cho ta “liều thuốc” chữa lành căn bệnh tâm lí này; và lại một lần nữa được bước lên chuyến tàu lửa quay trở về với tuổi thơ !

Bảy Bước Tới Mùa Hè: Tách Trà Chiều Ôn Lại Một Chuyện Tình Tuổi Thơ

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fbay-buoc-toi-mua-he-p425284.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Tiki[/su_button]

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Fwww.fahasa.com%2Fbay-buoc-toi-mua-he-tai-ban-2019.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Fahasa[/su_button]

Nguyễn Nhật Ánh – “Sứ giả” đến từ chân trời tuổi thơ

Nhiều người nhận xét Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn chuyên viết sách cho trẻ em. Điều này đúng nhưng có vẻ chưa đủ! Theo quan điểm của cá nhân mình, ông không chỉ viết sách cho  trẻ em, mà còn cho các bạn nhỏ mấp mé cái tuổi người lớn, và hơn hết, là cho những ai đã từng là một đứa trẻ. Theo khảo sát nho nhỏ của mình khi làm nhân viên của một quán café sách, thì hơn 2/3 số người tìm đến sách của Nguyễn Nhật Ánh đang trong độ tuổi từ 21-40, và họ xem sách của ông như một liều thuốc tâm hồn đầy hiệu quả trong cái nhịp sống vội vã của những con người đã lớn. Quả vậy, với cái thiên phú trời cho là khả năng “Thấu hiểu sự quyến rũ của tuổi thơ”, “Bảy bước tới mùa hè” đã thổn thức bao con tim về một thời đã qua như thế ! 

Bảy bước tới mùa hè – Bản tình ca mùa hạ của những chú bé mới lớn

Lấy bối cảnh vào một mùa hè ở làng quê yên bình, câu chuyện theo chân cậu bé Khoa, 15 tuổi, về quê ngoại chơi như bao mùa hè khác. Thế nhưng, mùa hè ấy không còn bình thường khi Khoa nhận ra mình đã phải lòng cô bé Trang hàng xóm, cô bé mà ngày xưa cậu luôn tìm cách trêu chọc rồi ăn hiếp không thương tiếc; và kéo sau đó là không biết bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười. Xoay quanh những cô cậu tuổi dậy thì là Khoa, Mừng, Trang, Đào, Bông,…  “Bảy bước tới mùa hè” như một thoáng mưa rào của những xúc cảm đầu đời, lột tả thật bình dị một tình yêu vừa con nít mà vừa người lớn, tuy nhẹ nhàng nhưng lại lắng đọng trong lòng người đọc.

“Trên chiếc chổi bay này tôi nhớ em

Giữa cơn gió lạnh tê người này tôi nhớ em”

Chàng phù thủy Khoa mở đầu câu chuyện bằng một câu hát vu vơ như thế. Với cái cung cách “đong đưa trong gió như một con diều” của cậu, kết hợp cùng chiếc chổi bay và giọng hát đang thét gào một bài tình ca cũng rất ra trò, thì ta có thể chắc mẩm rằng cậu chàng phù thủy này đang yêu mất rồi. Ai trong chúng ta chắc hẳn cũng đã từng đong đưa và lắc lư như thế trong lúc ngân nga vài câu hát vu vơ khi nghĩ về người mình yêu. Mà cũng vì mến, vì yêu nhỏ Trang, mà cái mùa hè gàn dở đó đã hành Khoa tơi tả không khác gì bờ mông của cậu sau những trận đòn roi của ba. Nào là lừa dì Liên lấy tiền đi học thêm chỉ để ngồi gần Trang, lên rừng làm cướp rồi bị thầy Tám phát hiện, còn phải tốn mấy ổ bánh mì vô bụng  Bông nữa chứ! Tình yêu khiến ta làm những điều ngu ngốc. Và càng ngu ngốc hơn khi ta là một đứa trẻ đang yêu! Nguyễn Nhật Ánh là một bậc thầy trong việc miêu tả tính cách và diễn biến nội tâm nhân vật, điều đó là không phải bàn cãi. Và với Khoa, tác giả đã khắc họa một câu bé thông minh ( khi nói dối đong đỏng mà không chớp mắt ), không chỉ vậy mà còn rất si tình. Chàng phù thủy nhỏ của chúng ta chứng tỏ mình quá là lãng mạn bằng bài hát vu vơ mở đầu câu chuyện, hay như mưu kế nhìn thẳng vào Trang và thấy như “bừng sáng vì có ngàn tia nắng chiếu vào”.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều lúc Khoa ngồi thẩn thờ và vẩn vơ, suy tư không biết con bé đó nghĩ gì về mình, rồi rối bời khi nghe Trang nói mình “lăng nhăng”. Thế nhưng, dù tình yêu đầu đời trẻ con là thế, cậu vẫn hết mình vì người tình trong mộng, dám can đảm liều mạng để bảo vệ “công nương” mà cậu “nguyện bảo bọc suốt đời”. Để rồi khi nhận ra bản thân sắp phải xa Trang, trở về với cuộc sống thường nhật trên thị trấn, Khoa mới thấu được nỗi buồn của sự chia ly nó day dứt như thế nào. Vẫn như bao chàng trai mới lớn khác, Khoa năm nay đã biết đau đớn vì tình là thế nào rồi…

Còn với Mừng, chàng “Hiệp sĩ rừng xanh” đầy bản lĩnh và tinh quái, nhưng ẩn sau lớp mặt nạ ấy là một cậu bé – tuy nghịch ngợm và lém lỉnh – nhưng lại hiền lành tốt bụng, đôi khi hay ngại ngùng. Khác với Khoa, Mừng ban đầu xem cậu bạn thân là một “kẻ phản bội“, thế nhưng ngay khi những ngượng ngùng xuất hiện vào lúc cậu gặp Đào, cậu đã biết rằng mình yêu mất rồi; không giống như cảm giác ngờ ngợ rồi sau đó mới nhận ra của Khoa. Lòng tốt và sự chân thành của Mừng được hun đúc từ những quyển truyện tranh võ hiệp; cậu xem những vị anh hùng, tuy mang danh tướng cướp, nhưng lại hành hiệp trượng nghĩa như là một tấm gương sáng. Có lẽ vì thế mà cậu bạn thân của Khoa, theo mình là nhân vật sâu sắc hơn cả trong toàn bộ câu chuyện.

Diễn biến tâm trạng của Mừng có sự thay đổi rất mạnh mẽ. Từ một cậu bé lêu lỏng suốt ngày phá làng phá xóm, Mừng bắt đầu cho thấy bản chất là một đứa bé ngoan khi gặp ông Mười – ông ngoại của Đào. Chàng trai lém lỉnh này nảy ra ý tưởng dẫn ông Mười đi dạo cốt để lấy lòng nhỏ Đào; nhưng dần dà, Mừng lấy đó làm thói quen, bởi lẽ nhờ tấm chân tình của ông Mười đã cảm hóa được trái tim cậu bé, mà từ đó khơi gợi cho người đọc sự chất phác và tốt bụng trong Mừng. Những trải lòng của chàng trai đáng thương này sau khi ông Mười mất đã khiến bao người xót xa, để rồi phải tự mình dành ra một nốt trầm ngẫm nghĩ về hiện thực. Có thể nói, Mừng không chỉ là bạn chí cốt của Khoa, mà câu chuyện của Mừng như là chất xúc tác để Khoa quyết định viết tiếp chuyện tình của mình.

Bối cảnh và những câu chuyện bên lề nâng tầm giá trị cho tác phẩm

Chắc chắn câu chuyện về ông Mười khòm đã khiến chúng ta phải rơi nước mắt. Tấm chân tình của ông lão dành cho cậu bé Mừng khiến ta cảm thấy thật thương và xúc động.Ở cái tuổi gần đất xa trời mà ông vẫn cố gắng nuôi heo để lo cho Mừng được ăn học như bao đứa trẻ khác. Lời khuyên của ông dành cho Mừng khiến ta không thể nguôi ngoai, rồi tự hỏi xem liệu ngoài kia còn bao đứa trẻ tốt dạ như Mừng, nhưng vì hoàn cảnh mà không được đến trường? Sự ra đi của ông Mười cũng là một màu buồn thường thấy ở một vài tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Một nỗi đau chỉ được kể thoáng qua nhưng lại tạo khoảng lặng cho người đọc; một sự mất mát mở ra nhiều nút thắt, cho ta bài học lớn nằm trong những câu chuyện nhỏ. Không chỉ đưa ta quay về tuổi thơ, chuyến tàu của Nguyễn Nhật Ánh còn dạy cho ta nhiều triết lí nhân sinh theo một cách nhẹ nhàng; mà ở đây chính là tình thương của ông Mười dành cho Mừng, và có lẽ cũng là niềm vui cuối đời của ông lão đáng thương này.

Một cú twist nho nhỏ cũng rất hay là câu chuyện giữa thầy Tám và dì Liên. Chính nhờ tin thầy Tám và dì Liên sắp đám cưới đã cho ta sự ngây ngô trong suy nghĩ trẻ tuổi: “Người lớn họ thích nhau và cưới nhau. Còn trẻ con tụi mình thích nhau rồi ráng lớn nhanh nhanh để thành người lớn mày ạ! “.  Điều mà Khoa vừa thốt lên ấy, lại khiến ta nhớ lại cái quá trình “nhanh nhanh để thành người lớn”  chênh vênh thế nào! Bao bồng bột, cuồng nhiệt; bao ưu tư, phiền não; bao trăn trở và những nỗi thầm kín của cái gọi là tình yêu người lớn làm ta thêm trân trọng cơn mưa nước mắt của mối tình đầu vụng dại thuở 15, 16 tuổi ấy. 

Hình ảnh luôn gợi lên những câu chuyện. Và bối cảnh luôn được xem là nền tảng của bất cứ một cuốn sách hay bộ phim nào. Là người con xứ Quảng, có thể dễ dàng nhận ra chất trữ tình trong các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đều bắt nguồn từ nơi đây. Với mẫu số chung là sự dịu dàng, nhẹ nhàng và xanh mướt của thôn quê miền Trung, “Bảy bước tới mùa hè” mở ra những thước phim đẹp một cách bình dị, từ giậu mông tơi chia ngang nhà chàng với nhà nàng, cho tới con đường đi ngang rừng bạch đàng xuống xóm Gà. Sinh hoạt thường ngày của thôn quê như lặt rau vo gạo, hay những lần dắt bộ xe đạp về nhà như thước phim đã cũ về một thời bình yên trong trí nhớ của những đứa con tha hương. 

“Đã bao lần, qua những trang sách của mình, Nguyễn Nhật Ánh đã làm cho những ngõ xóm, nhưng khu chợ, những ngọn đồi, những vòm cây, thậm chí một góc nhỏ trong ngôi nhà…. thành một xứ sở thần tiên”  

– Nhà thơ Ý NHI

Khoảng lặng cần thiết cho những kẻ trưởng thành

 “Bạn cũng biết rồi đó, kí ức là một ngôi nhà kho quý báu, nơi cất giữ những gì đã xảy ra trong cuộc đời của mỗi người. Nói cách khác, kí ức cất giữ những kỉ niệm. Nhưng không phải những gì xảy ra trong cuộc đời đều hóa thành kỉ niệm. Chẳng hạn cách đây mười lăm năm, bạn từng khóc vì bụi bay vào mắt. Kí ức của bạn sẽ không lưu giữ trận khóc tầm thường đó. Nhưng nếu cách đây mười lăm năm bạn khóc vì chia tay mối tình đầu vụng dại, cơn mưa nước mắt ấy sẽ hóa thành cơn mưa kỉ niệm” 

Guồng quay của cuộc sống hiện đại khiến tình yêu thời nay rất khác so với các thế hệ trước. Con người trưởng thành bây giờ đây phải lao đầu vào những núi công việc, thế nên trong cái thời đại kim tiền này, thì không chỉ thời gian, mà đôi khi tình cảm cũng là cái gì đó rất xa xỉ. Nhằm tìm lại bản chất thật sự của tình yêu, hãy để “cơn mưa kỉ niệm” ấy ôn lại bao kí ức đẹp đẽ trong tiềm thức và trí nhớ, cùng ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánhtạm thời xa rời những trang văn chứa nhiều chiêm nghiệm của người lớn”, mà trở lại vỗ về những đứa trẻ trong thể xác trưởng thành. Rồi lại phải thốt lên: “Trò chuyện với đứa con gái mình thích, sao khó ghê mày ha?”

Thời gian sẽ mãi trôi qua. Thời gian sẽ chẳng đợi ai. Thôi thì, thay vì chạy đua với chúng, thay vì ám ảnh về những tiếc nuối đã bỏ lỡ, sao không ngồi lại thư giãn với Bảy bước tới mùa hè như một tách trà chiều?

Bài viết chia sẻ từ Cộng tác viên Phạm Quốc Việt

Leave a Reply

error: Content is protected !!