Bí quyết thành công dành cho tuổi Teen – Cuốn sách đầu tiên của Adam Khoo mà tôi thấy nhiều điểm bất cập.

Bí quyết thành công dành cho tuổi Teen – Cuốn sách đầu tiên của Adam Khoo mà tôi thấy nhiều điểm bất cập.

Tôi yêu những khoảnh khắc yên bình, một mình một góc, nhâm nhi ly cafe đen không đường, và “tập thể dục” cho não bộ bằng những cuốn sách mới lùng được. Rồi hì hụi chắt lọc lại kiến thức hữu ích phục vụ cho bản thân, và ghi chép lại những trích đoạn hay để chia sẻ cho học sinh của mình nghe.

Bí quyết thành công dành cho tuổi Teen – Cuốn sách này thực sự không hấp dẫn tôi ở tựa đề, vì mấy dòng chữ tóm gọn ngoài bìa ” Đặc biệt hữu ích với các bạn học sinh, sinh viên”. Nhưng tôi lại thích Adam Khoo. Vậy là đọc. Nhưng lần này đọc xong, tôi quyết định review theo kiểu “phản biện” – bới lông tìm vết những điều mà tôi thấy không hợp lý, và tự khen mình đã biết tìm cái mới trong việc review sách, để độc giả của tôi sẽ có thêm sự đa chiều trong việc tham khảo trước khi quyết định có nên mua nó hay không.

Tóm lại cuốn sách vẫn theo một môtip cũ: Đồng cảm với đối tượng độc giả ( Tuổi teen) từ ví dụ bản thân tác giả – Khơi gợi sự tự tin, yêu thương chính mình – Từ đó hoà hợp, yêu thương những người xung quanh – Học tập để thành công. Kể từ lúc xuất bản, cuốn sách đã lọt vào top những cuốn sách truyển động lực bán chạy nhất trong những năm 2009-2011, nhưng tôi nghĩ có lẽ tại thời điểm đó sự cạnh tranh chưa có nhiều cộng với tác giả đang có đà xuất bản tập 1 và chương trình đào tạo ăn theo : Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, nên tập 2: Bí quyết thành công dành cho tuổi Teen cũng được nhiều phụ huynh và học sinh tin tưởng đón nhận. Thời điểm này đọc tôi cho rằng hầu như 80% cuốn sách Self-help nào cũng đề cập đến những vấn đề tương tự như cuốn sách này.

Bí quyết thành công dành cho tuổi Teen có 9 chương, chương đầu tác giả chỉ nêu lên những vấn đề của bản thân (thỉnh thoảng chèn mấy dòng chữ quảng cáo cho tập 1), nhằm tạo sự đồng cảm từ các bạn học sinh. Chương 2 nghe tên có vẻ to tát “Bạn có một sức mạnh phi thường”, nhưng thật ra sức mạnh phi thường ấy là thay đổi thái độ khi đối mặt với những vấn đề không như mình mong đợi. Đọc xong tôi lại thấy nó hao hao giống cuốn : Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi – Andrews Matthews‎. Chương 3 đề cập đến sức mạnh của niềm tin và cách xoá bỏ, cắt đứt những niềm tin “xiềng xích” tiềm năng của bản thân. Những ví dụ được nêu lên đều là những ví dụ tôi đã được đọc rồi nhưng không nhớ trong cuốn sách nào, về nội dung thì hao hao với NLP Lập trình ngôn ngữ tư duy, kiểu như lập trình cho não bộ những tư duy mới. Chương 4 thì tôi thực sự không có ấn tượng từ cái tên :“Tôi có phải yêu thương bản thân mình không”. Tôi nghĩ ai cũng sẽ trả lời “Có chứ!”. Vấn đề là YÊU THƯƠNG BẢN THÂN NHƯ THẾ NÀO MỚI LÀ ĐÚNG CÁCH? (Theo tôi tác giải đổi tên chương 4 này như vậy có lẽ đúng hơn), vì tuổi Teen thường gặp nhiều vấn đề sai lầm khi chưa thực sự biết cách yêu thương bản thân. Tôi ấn tượng cách giải thích của tác giả về lý do tại sao cần yêu thương bản thân, hay và dễ hiểu:

Hãy tưởng tượng có một người mà bạn phải trải qua hết cuộc đời với họ. Bạn phải ở bên cạnh người này từng phút từng giây, từ ngày này sang ngày khác. Đó là người mà bạn nhìn thấy đầu tiên khi thức giấc vào buổi sáng, và là người cuối cùng bạn nhìn thấy khi chìm vào giấc ngủ.

Người này ở bên cạnh bạn trong tất cả những dịp đặc biệt, cả trong lúc thịnh lẫn lúc suy. Khi bạn buồn thì chỉ có người này là có thể khiến bạn cười lên được. 

Khi bạn ngã, chỉ có người này nâng bạn đứng dậy được. Khi bạn đề ra một mục tiêu, chỉ có người này mới mang lại nguồn động lực và sự tự tin cho bạn để bạn đạt được nó. Người này không bao giờ rời bỏ bạn, và là người duy nhất mà bạn có thể tin cậy hoàn toàn.

Nếu bạn không thích người này thi cuộc đời bạn thật là bất hạnh, đúng không nào? Bạn sẽ mãi mãi dình chặt với một người mà bạn không ưa. Bạn sẽ không làm bất cứ điều gì để thay đổi điều đó. Tôi chắc bây giờ bạn đã đoán ra được rồi, người này chính là BẠN.

Nhưng tôi hoàn toàn không đồng tình với tác giả, khi nói rằng Những người yêu thương và tự hào về bản thân mình là những người có LÒNG TỰ TRỌNG CAOMột người mà luôn đề cao cái tôi cá nhân, lòng tự trọng cao thì rất dễ tự ái, giận dỗi nếu gặp phải vấn đề không theo ý mình. Theo tôi TỰ TRỌNG nên thay bằng TỰ CHỦ sẽ chính xác hơn. Một người tự chủ là một người hiểu rõ giá trị bản thân, mình là ai, mình mạnh điểm nào, mình yếu điểm nào. Khi gặp những tác động từ bên ngoài, một người tự chủ sẽ bình tĩnh đối mặt và thản nhiên khi đối mặt với những điều tiếng không hay khi người khác nói về mình. Còn một người có lòng tự trọng cao sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi đối mặt với những tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Trang 78 có một ví dụ khá “buồn cười” nói về tấm gương về một người biết cách yêu thương bản thân mình là William Hung, thí sinh tham dự tài năng âm nhạc ở Mỹ – mùa giải thứ 3. William là một người Hoa có dáng vẻ ngờ ngệch với chiếc răng thỏ. Anh trình bày bài hát nổi tiếng của Ricky Martin “She Bangs” trước hàng triệu người xem đài trên toàn Thế giới (bạn có thể tìm clip của anh trên www.youtube.com). (Đọc đến đây tôi cứ nghĩ sẽ nhìn thấy một William chắc thất bại vài lần nhưng vẫn nỗ lực vươn lên cho đến khi được giới mộ điệu công nhận tài năng của mình nhưng hoá ra không phải…:)))

Giọng hát lạc điệu cùng những động tác nhảy cứng nhắc như con người của anh khiến những người xem anh hát phải bật cười. Chẳng có gì ngạc nhiên khi vị giám khảo nổi tiếng ác mồm ác miệng của American Idol là Simon Cowell đã hỏi William một câu:” Anh không hát được, anh không nhảy được, vậy anh muốn tôi nói gì đây?”

Thay vì cảm thấy giận dữ và phẫn uất, William đã trả lời một câu tự tin :” Tôi đã cố gắng hết sức và tôi chẳng có gì phải hối tiếc”. Thế nên nhiều khán giả ấn tượng trước thái độ tích cực của anh đến mức họ lập ra mộ trang web để ủng hộ anh, và có tới 4 triệu lượt truy cập ngay trong tuần đầu tiên. Anh chàng vô danh tiểu tốt William trong một đêm đã vụt sáng, trở nên nổi tiếng khắp thế giới ( Đến đây thì tôi tin là ca sĩ Lệ Rơi và Chi Pu cũng đọc cuốn sách này chăng???)

Điều đáng ngạc nhiên là sau đó, anh được một hãng thu âm trả trước 25 ngàn đô để thu những bài hát của anh. Kết quả là anh lần lượt cho ra đời ba album còn chạy hơn cả một trong những người thắng cuộc trong cuộc thi American Idol. Anh thậm chí còn xuất hiện trên bốn chương trình truyền hình và một bộ phim, mang về cho anh hàng trăm ngàn đô. Dẫu cho cả thế giới có cười nhạo trước giọng hát xoàng xinh và điệu nhảy lóng ngóng vụng về của anh thì William Hung vẫn không cho đó là điều đáng quan tâm. Anh cứ việc biểu diễn hết sức mình và giờ đây anh mới chính là người cười mãn nguyện với gia tài của mình. (Chắc chắn cuốn sách này đã củng cố thêm niềm tin và tạo động lực to lớn cho các hotgirl, hotboy trong làng giải trí Việt hiện nay)

Tôi vẫn cứ băn khoăn về cách thể hiện bản thân kiểu này, là yêu bản thân hay là chạy theo thương mại và thiếu đi sự tôn trọng với những người xung quanh??????

Chương 5 trả lời cho câu hỏi “Việc học có thật sự quan trọng không?”. Tôi thích cách tác giả giải thích phần :” Tại sao tôi phải học những thứ mà tôi không bao giờ dùng đến?”. Vì không chỉ tuổi Teen, có rất nhiều người lớn chắc vẫn chưa thể giải thích được câu này một cách thoả đáng. Khi học một môn nào đó, nội dung của nó không nhất thiết là thứ quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất chính là cách mà não bộ được huấn luyện để suy nghĩ trong QUÁ TRÌNH học môn đó. Nói cách khác, nó giúp cho đầu óc của bạn trở nên sắc bén hơn và giúp bạn suy nghĩ nhanh hơn, có sức tiếp thu tốt hơn. Điều này rất đúng với tôi.

Trang 108-109 của cuốn sách này tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm của tác giả, khi ông nói rằng Là một học sinh, thứ duy nhất có thể mang lại cho bạn nhiều tự do chính là ĐIỂM CAONếu mục tiêu là ĐIỂM CAO thì học sinh sẽ tìm mọi cách để có được điểm, đôi khi sẽ là sự đối phó mang tính hình thức, chứ không phải là biến những thứ mình học được thành kiến thức của mình. Với tôi, có tiền chưa chắc đã vui nhưng có kiến thức thì chắc chắn sẽ hạnh phúc, kiến thức là thứ con người nên theo đuổi cả đời. Tôi chắc chắn sẽ giáo dục con gái mình như vậy.

Khi bạn bắt đầu đi làm, thứ mang lại cho bạn tự do chính là TIỀN. Phát biểu này có lẽ sẽ làm lệch lạc suy nghĩ cả một thế hệ, bằng mọi cách phải kiếm được Tiền, bất kể là công việc gì, dù là mình không thật sự yêu thích. Với tôi sự Tự do chính là được làm công việc mình yêu thích, đam mê gắn liền công việc và công việc chính là đam mê. Đó thực sự là sự Tự do bất tận, là cảm giác bình yên và hạnh phúc bền vững. Chính bởi suy nghĩ ấy, tôi nhận lại được nhiều giá trị khác nhau mà Tiền là một trong những thứ quan trọng mà tôi có được. Tôi thích câu nói của Abraham:

Bạn có nhiều cách để đo thành công của mình. Trong xã hội của các bạn,TIỀN là một thước đo thành công; phần thưởng là một thước đo thành công, nhưng từ cách nhìn của chúng tôi, sự hiện hữu của cảm xúc tích cực bên trong bạn là thước đo thành công tốt nhất.

Nội dung chương 6, chương 7 không có gì đặc biệt, tất cả đều được cuốn Làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh đề cập đến, không rõ là cuốn nào ra đời trước cuốn nào.

Chương 8, chương 9 với tôi là một sự đề cập hữu hạn và hơi ít so với cách tạo dựng mối quan hệ với những người quan trọng xung quanh mình như bố mẹ, người thân, bạn bè.

Lời khuyên của tôi là bạn nên đọc cuốn Làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh cùng với cuốn Cha mẹ là số phận của con cái để có cái nhìn tổng quan và đa chiều về cách lập trình lại tư duy của chính mình, thiết lập mục tiêu gắn liền với điểm mạnh của bản thân, xây dựng các mối quan hệ bền vững và tránh xung đột với những người quan trọng trong cuộc đời của bạn.

 

One Response

Leave a Reply

error: Content is protected !!