Bị Thiêu Sống – Khi Sự Sống Bắt Đầu Từ Cái Chết

Bị Thiêu Sống – Khi Sự Sống Bắt Đầu Từ Cái Chết

Sẽ thế nào khi phải sinh ra và lớn lên ở nơi mà phụ nữ không được xem trọng, thậm chí thua cả một con vật?

Sẽ thế nào khi phải làm việc quần quật, bị đánh đập không thương tiếc, bị nhục mạ và kìm hãm?

Sẽ thế nào khi mạng sống luôn bị đe doạ, và sẽ bị giết chết bởi chính những thân trong gia đình nếu lỡ phạm sai lầm?

Đó là tất cả những gì mà Souad, một phụ nữ sinh ra tại Cisjordanie, Ả Rập, đã trải qua. Cô đã sống trong đau khổ, tuyệt vọng, là nạn nhân của “tội ác bảo toàn danh dự”. Cô đã từng sống trong sợ hãi, trốn chạy, mai danh ẩn tích vì sợ rằng mình sẽ lại bị giết. Nhưng giờ đây, với một sự dũng cảm và nghị lực phi thường, Souad đã lên tiếng. Cô lên tiếng vì những người phụ nữ đã và đang phải chịu nỗi thống khổ như cô đã từng. Cô lên tiếng vì những chị em từng là nạn nhân của “tội ác bảo toàn danh dự”. Và cô lên tiếng vì chính cô. Bị Thiêu Sống là cách mà Souad đưa sự thật ra thế giới, là niềm hi vọng mãnh liệt của cô, rằng một lúc nào đó, nam giới ý thức được tính chất tàn bạo của hủ tục “tội ác vì danh dự”, để rồi không một phụ nữ nào còn bị đàn áp.

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Fwww.fahasa.com%2Fbi-thieu-song.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Fahasa[/su_button]

Cuộc đời thứ nhất ở Cisjordanie

Người ta thường nói rằng không ai có thể chọn nơi mà ta được sinh ra. Souad cũng vậy. Cô sinh ra tại một ngôi làng nhỏ thuộc Cisjordanie. Nơi đây, phụ nữ không có tiếng nói, không có giá trị, không có tự do, và không có cả “bản thân”. 

Ở nơi này, sinh ra làm phụ nữ là một điều bất hạnh. Người ta chỉ cần con gái để chúng làm việc nhà, trông nom gia súc, hầu hạ phục vụ những người đàn ông trong gia đình. Nếu lỡ làm sai một chút thôi, thì tất cả những cơn thịnh nộ của người đàn ông đứng đầu trong nhà sẽ trút tất lên đứa con gái ấy. Chỉ cần dắt cừu về chuồng muộn vài phút thôi là sẽ được ăn một trận đòn chí tử bằng thắt lưng da. Chỉ cần một lỗi nhỏ vụn vặt cũng đủ khiến cho đàn bà con gái nơi đây bị đánh thừa sống thiếu chết.

“ Ngày nào chúng tôi cũng bị đánh. Một ngày không bị đánh là một ngày không bình thường.

Lần ấy hình như ông (cha của Souad) đã trói cả hai chúng tôi lại. Chị Kainat và tôi bị trói giật khuỷu tay, hai chân cũng bị trói, với một chiếc khăn phu-la nhét vào mồm để ngăn không cho chúng tôi kêu. Chúng tôi bị trói như thế suốt đêm, bị trói chặt vào hàng rào trong chuồng cừu, cùng với những con vật nhưng còn tệ hại hơn những con vật.”

Những dòng chữ đầy xót xa, đầy đau đớn ấy tuôn chảy trên từng trang giấy, tố cáo tội ác man rợ của những người đàn ông. Đàn ông là người nắm giữ quyền lực tối cao. Họ có thể quyết định sự sống chết của phụ nữ. Đó là cách mà Souad và rất nhiều phụ nữ đã phải sống, hay nói đúng hơn, đã phải tồn tại. Họ không thực sự sống, mà chỉ tồn tại cho qua ngày, không suy nghĩ, không mơ ước. Đối với Souad, cánh cổng nhà là sự giam cầm, và cha cô là “biểu tượng của một chế độ nô lệ được xem là bình thường mà tôi phải cúi đầu chấp nhận.”.

Bị thiêu sống

Ở Cisjordanie, nếu một đứa con gái tự đi ra ngoài mà không có ai đi kèm, không dắt cừu, không đội bó rơm, hoặc nếu bị bắt gặp đang nhìn một người đàn ông khác trong lúc bước đi, thì sẽ bị gọi là “charmuta”, nghĩa là đồ lăng loàn, đĩ điếm.

Ở Cisjordanie, con gái có chồng mà trở về nhà cha đẻ là một điều sỉ nhục, ngay cả khi bị chồng đánh đập. Gia đình người con gái có nghĩa vụ đưa con gái trở lại nhà chồng. Vậy nhưng, trong

 tâm thức của Souad, “có được một tấm chồng là cái may. Tôi vẫn mơ ước được như thế.” Với Souad, có chồng nghĩa là không cần sống chung với cha cô nữa, không phải chịu bị ông đánh đập hành hạ nữa. Nhưng có chồng không có nghĩa là nỗi thống khổ của phụ nữ sẽ chấm dứt. Nó chỉ đơn giản là kết thúc nỗi thống khổ ở nhà mình để bắt đầu nỗi thống khổ ở nhà khác.

Vậy nhưng Souad vẫn hi vọng. Sống trong những ngày tháng vất vả, đớn đau và mệt mỏi, hi vọng và khao khát tình yêu thương vẫn luôn âm ỉ trong cô. Bắt đầu từ lúc cô nghe nói có người đến hỏi cưới mình, niềm khao khát ấy đã trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Ở tuổi mười bảy, Souad, xét cho cùng, vẫn là một thiếu nữ mộng mơ, ôm trong mình nhiều ý niệm tươi đẹp về một tình yêu lãng mạn và một cuộc hôn nhân êm ấm. Souad ban đầu đã bị vẻ ngoài lịch lãm của Faiez thu hút, bởi “anh có một chiếc ô tô, mặc âu phục, tay lúc nào cũng xách cái cặp nhỏ đựng giấy tờ và anh làm việc ngoài thành phố, một công việc khá tốt vì anh không bao giờ ăn mặc như công nhân mà luôn luôn chỉnh tề, sang trọng”. Những chi tiết nhỏ bé ấy đã khiến trái tim non nớt của cô rung động.

Sự tưởng tượng của phụ nữ diễn ra rất nhanh chóng; nó nhảy từ thán phục sang tình yêu, rồi từ tình yêu sang hôn nhân chỉ trong khoảnh khắc.” (Jane Austen)

Souad hi vọng, để rồi tuyệt vọng. Bi kịch lớn nhất cuộc đời cô đã bắt đầu từ khi cô ôm ấp hình bóng Faiez trong lòng. Tình yêu cô dành cho Faiez lớn đến nỗi thúc giục cô cả gan làm những điều cấm kị, như việc cô lén nhìn anh khi làm việc trên sân thượng, hay việc cô “ dềnh dàng ôm bó rơm đứng lại một phút trên đường để lôi kéo sự chú ý của Faiez”. Cô thậm chí bạo gan đến nỗi nghĩ đến việc “làm bất cứ điều gì để được lén lút gặp anh và nói chuyện với anh. Tôi nhất định liều một phen, dù biết rằng nếu bị bắt gặp, tôi có thể sẽ bị ném đá hoặc đánh bằng gậy cho đến chết.

Và rồi, sau hai lần gặp riêng ở đồng cỏ, Faiez đã thật sự đến gặp cha của Souad. Để rồi đến lần gặp thứ ba, hắn đã thể hiện bản chất thật của mình khi ép Souad trao mình cho hắn. Faiez đã “trở nên dữ tợn” và yêu cầu Souad cứ để hắn làm điều hắn muốn. Faiez hẳn biết rất rõ tục lệ của Cisjordanie, hiểu rõ những gì sẽ xảy ra đối với đứa con gái thất thân, thế nhưng hắn mặc kệ tất cả, kể cả những giọt nước mắt đau đớn của Souad, và chỉ tiếp tục làm việc của mình.

Cơn đau đến với tôi đột ngột. Tôi không ngờ lại đau đến thế nhưng không phải vì đau mà tôi khóc. Anh không nói gì, cả trước lẫn sau, anh không hỏi tại sao tôi khóc (…) Faiez đã làm cái anh muốn, trong im lặng, cho đến lúc tôi chảy máu và lúc ấy, anh có vẻ ngạc nhiên, như thể đó là việc anh không ngờ tới.”

Tình yêu của Souad không có lỗi, lỗi chỉ ở việc cô đã yêu và tin nhầm người. Faiez là một tên hèn hạ đã lợi dụng nỗi sợ hãi bị bỏ rơi của Souad để ép cô nhượng bộ trong khi hắn biết rõ cô sẽ phải hứng chịu những gì. Lần đầu tiên thiêng liêng của con gái nay lại diễn ra một cách lén lút, bẩn thỉu vì “không có nước để rửa, chỉ lấy cỏ chùi tạm rồi về nhà với chiếc quần bẩn”.

Faiez, rất hiển nhiên, đã không còn kế hoạch xin cưới Souad, vẫn điềm nhiên hẹn gặp Souad thêm ba lần nữa trong suốt mười lăm ngày sau đó. Souad đã không ngờ rằng, một sinh linh bé nhỏ đã dần thành hình trong bụng cô. Đến khi biết mình có thai, cô tuyệt vọng đến mức làm mọi cách để phá cái thai đó mà không cho ai hay biết. Thậm chí cô còn dùng một hòn đá to tự đập vào bụng để mong có kinh trở lại. Nhưng vô ích. Cái thai vẫn lớn dần trong cô, còn Faiez thì đã bỏ trốn trong đêm.

Thế là hết thật rồi. Không còn hi vọng gì để sống và tôi đã hiểu. Faiez đã lợi dụng tôi, đối với anh, đó là một trò vui. Nhưng với tôi thì khác.”

Lẽ dĩ nhiên, cha mẹ cô đã nhận thấy những biểu hiện bất thường của con gái, và họ biết cô đã thất thân và có thai. Anh rể của Souad được chỉ định làm người trực tiếp giết cô, để bảo toàn danh dự cho cả nhà.

“Bất thình lình, tôi cảm thấy có cái gì lạnh ngắt đang chảy trên đầu tôi. Và ngay sau đó, người tôi bốc cháy. (…) Tôi đập hay tay lên tóc, tôi gào thét thật to (…) Hình như có hai người phụ nữ, họ cố dập tắt ngọn lửa trên người tôi. Họ dẫn tôi ra con suối của làng và nước đổ ào lên người tôi giữa lúc tôi tiếp tục kêu thét vì kinh sợ.”

Bằng một phép màu kì diệu, Souad vẫn sống, dù rằng giờ đây cô bị bỏng toàn thân, cằm dính vào ngực, hai tay không thể cử động. Thế nhưng, gia đình vẫn chưa thể buông tha cô, vì cô chưa chết. Mẹ cô thậm chí đã đến tận bệnh viện, ép cô uống thuốc độc. Nhưng Souad vẫn sống. Trong màn đêm đau đớn tận cùng ấy, Souad đã sinh một bé trai kháu khỉnh, một sinh mệnh được ra đời ngay trong thời khắc cận kề cái chết của người mẹ. Souad vẫn sống.

Tái sinh – Cuộc đời thứ hai ở châu Âu

Vận mệnh đã cho Souad gặp Jacqueline, người sáng lập của tổ chức nhân đạo Surgir, và được Jacqueline cứu giúp. Trải qua vô vàn khó khăn, Jacqueline đã thành công đưa hai mẹ con Souad rời khỏi quê nhà và bay đến Thuỵ Sĩ. Souad đã trải qua vô số ca phẫu thuật nhằm tái tạo lại cơ thể mình. Cô cũng phải tập hồi phục lại các chức năng vận động của tay chân, đồng thời cố gắng tiếp thu những điều mới mẻ xung quanh. Với cô, đó là một cuộc hành trình gian nan thật sự. Cô không thể hiểu được vì sao các cô gái cô thấy ở đây lại có màu tóc và da khác cô; tại sao họ có thể trang điểm, mặc đồ hở tay chân, cười nói với đàn ông, mà vẫn…không bị giết. Những suy nghĩ rất buồn cười và ngây thơ của Souad càng tô đậm thêm việc cuộc sống trước kia của cô khổ sở và đáng thương đến thế nào. 

Souad đã nỗ lực sống cuộc sống mới mà ông trời ban cho mình. Cô học đọc, học viết, thậm chí xin đi làm trong nhà xưởng, học sử dụng những món đồ hiện đại mà trước giờ cô chưa từng biết; và quan trọng nhất, cô học cách chấp nhận con người hiện tại của mình. Cơ thể cô không còn lành lặn, nhưng tâm trí cô thì có. 

Và điều tốt đẹp nhất, they ý cô, là đã có một người đàn ông tốt yêu thương cô thật sự. Antonio, chồng của Souad, biết tất cả về cuộc đời cô, về những vết sẹo trên người cô, về đứa con riêng của cô (cô đã để Marouan được nhận nuôi vì muốn con có cuộc sống tốt hơn), và đã chấp nhận cô. Souad đã có một người chồng yêu thương cô cùng hai cô con gái đáng yêu. Cô thậm chí đã có thể nhận lại con trai mình. Mọi thứ đã diễn ra theo cách tuyệt vời nhất và khó tin nhất, nhưng hoàn toàn xứng đáng.

Lời kết

“Nơi nào có tình yêu, nơi đó có sự sống” (Gandhi). 

Bị Thiêu Sống không đơn giản là một câu chuyện. Quyển sách là một lời gióng nhằm thức tỉnh lương tâm của những người đàn ông xem chế độ nô lệ là đương nhiên, đồng thời là lời kêu gọi giúp đỡ những người phụ nữ bị áp bức trên toàn thế giới. Dẫu có đau thương, có chết chóc, nhưng xuyên suốt quyển sách, đọc giả vẫn sẽ thấy được những giá trị nhân văn, tình cảm cao đẹp giữa người với người. Dù rằng vẫn còn đó những con người hung bạo, thế giới này cũng có rất nhiều những con người sống vì chính nghĩa.

Cuộc đời Souad đã bắt đầu bằng bi kịch, nhưng cô đã dũng cảm, mạnh mẽ vượt lên số phận và làm được những điều phi thường. Và Souad sẽ không ngừng nói, cô sẽ nói đến tận hơi thở cuối cùng, để phụ nữ không còn bị đàn áp, để không còn ai là nạn nhân của hủ tục “tội ác vì danh dự”, và để không còn ai “Bị Thiêu Sống”.

Bài viết chia sẻ từ Cộng tác viên Lê Thanh Hà

Leave a Reply

error: Content is protected !!