Britt-Marie Đã Ở Đây – Một Ngày Chợt Thấy Mình Chẳng Là Ai!

Britt-Marie Đã Ở Đây – Một Ngày Chợt Thấy Mình Chẳng Là Ai!

Britt-Marie Đã Ở Đây – Tớ đến với quyển này sau khi đã chén xong “Người đàn ông mang tên Ove” của cùng tác giả. Phải nói là một lần nữa, Fredrik Backman không khiến tớ thất vọng. Dù cá nhân tớ vẫn thích câu chuyện của ông Ove hơn, nhưng theo dõi cuộc hành trình của bà Britt-marie cũng là một trải nghiệm cực kì đáng nhớ. Tớ cũng thấy khá may mắn vì đã chọn đọc quyển này trước cuốn “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” của cùng tác giả, vì trong cuốn sách đó nhân vật Britt – Marie đã không thể nào chiếm được đủ tình cảm cũng như sự quan tâm của tớ. Nếu đã đọc “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” rồi thì chắc tớ sẽ bỏ qua “Britt-Marie đã ở đây” ngay trong một nốt nhạc mà chẳng thèm để tâm đến cái bìa sách cực kì đáng yêu kia.

Britt-Marie Đã Ở Đây

[button-red url=”https://fast.accesstrade.com.vn/deep_link/5195934950528504980/4839282299983657250?url=https%3A%2F%2Fwww.fahasa.com%2Fbritt-marie-da-o-day.html” target=”_blank” position=”center”]MUA SÁCH TRÊN FAHASA [/button-red]

Có nhiều điểm chung khi ta nói về ông Ove và bà Britt-marie, họ đều là những nhân vật không hề hoàn hảo, những khuyết điểm thậm chí còn lồ lộ ra ngoài, gần như che lấp hết những điểm tốt đẹp mà họ có. Họ có kiểu xuất hiện lần đầu khá khó chịu, và trong phần lớn trường hợp sẽ là những người ta luôn mong tránh né càng xa càng tốt. Họ luôn tự đặt ra những nguyên tắc cho bản thân và người khác để rồi bị ám ảnh bởi những nguyên tắc ấy đến mức kì quặc. Giống như cách bà Britt-Marie luôn bị ám ảnh bởi việc phải sắp xếp gọn gàng sạch sẽ cho nơi mình sống. Hay những điều về ông chồng cũ của bà. Britt-Marie trong những chương đầu chỉ đơn giản là một người phụ nữ lớn tuổi bảo thủ, đầy những nguyên tắc tủn mủn, hay cáu bẳn và lắm khi còn vô lý đùng đùng nữa. Cách bà suy nghĩ, cư xử trong có thể khiến chúng ta bật cười trong tức tối, hoặc tức tối trong lúc cười ngặt nghẽo, hoặc cả hai luôn.

Nhưng nếu cậu đang lo lắng rằng chỉ có những nhân vật chính quá khó ưa như vậy thì liệu có thể đồng hành tiếp cùng họ trong vài trăm trang sách được không. Thì xin hãy yên tâm ở tài kể chuyện tài tình của Fredrick Backman. Ông sẽ luôn biết cách để khiến chúng ta dần dần có cảm tình với những nhân vật mà lúc đầu khi lé mắt ngó sang, ta cứ đinh ninh trăm phần trăm rằng đây là kiểu nhân vật mình ghét. Ông đã từng làm được điều đó với ông Ove, và chẳng có lý do gì mà ông không làm điều tương tự với bà Britt-Marie

Bìa tiếng Anh của cuốn sách

Dần dần, lần giở lại những trang cuộc đời mấy chục năm của bà Britt-Marie, tớ đã hiểu thêm về con người bà ấy, về những nỗi đau và những thứ đã biến bà trở thành một con người kì quặc như ngày nay. Hóa ra chẳng có ai vừa sinh ra đã tự lựa chọn để trở thành người khó ưa như vậy, mọi thứ đều là một quá trình dài và sứt sẹo, đều bắt nguồn từ sự tự ti to lớn được xây dựng lên từ sự tốt đẹp cũng như cái chết của người chị gái, sự bỏ bê, đay nghiến đến vô lý của người mẹ, và vô vàn những định kiến, những sự xem nhẹ đến từ thế giới xung quanh.

Tớ hiểu được rằng sâu bên trong, bà cũng đang phải tự vật lộn với chính mình. Sau tất cả những hành động lời nói gây khó chịu ấy, Britt-Marie cũng chỉ là một người phụ nữ đã phải một mình chống chọi lại với cuộc đời này quá lâu. Thậm chí tớ còn tìm thấy chút gì đó mình trong những tổn thương của bà ấy nữa. Chi tiết nói về niềm yêu thích của bà với những tấm bản đồ đã thật sự chạm vào cảm xúc của tớ, cũng lấy đi của tớ vài gam nỗi buồn nữa.

Bên cạnh việc khắc họa một cuộc đời đang ở buổi xế chiều, tình cảm giữa người với người vẫn luôn là điểm sáng trong tác phẩm Britt-Marie Đã Ở Đây. Những tương tác của Britt-marie với những con người ở Borg, với cô nhân viên trung tâm giới thiệu việc làm, và với cả người chồng cũ Kent của mình nữa, đã được miêu tả rất nhẹ nhàng và thú vị. Nó đem tới cho tác phẩm Britt-Marie Đã Ở Đây bầu không khí vui tươi hài hước, khác hẳn sự nặng nề ta có thể cảm nhận được từ quá khứ của bà Britt-Marie.

Tác giả đã cho thấy cái tình mà những con người ở vùng đất đã bị bỏ rơi Borg dành cho nhau. Từng con người trên mảnh đất này đều có chút gì giống với bà Britt-Marie, đều mang những vết thương sâu hoắm từ quá khứ và đều phải vật lộn để tồn tại. Cũng chính vì vậy mà cách họ đối xử với nhau thoạt nhìn thì tưởng như xấu xí, xù xì nhưng hóa ra lại vô cùng đáng yêu và đáng trân trọng.

Vì đã yêu sẵn khu phố nhỏ của ông Ove trong “Người đàn ông mang tên Ove”, tớ cũng rất nhanh chóng yêu mến cách mà những người ở Borg liên tục tới làm phiền bà Britt-Marie theo đủ cách cách khác nhau, cách bà chăm sóc lũ trẻ hay rung động trước lòng tốt và sự quan tâm từ những người xa lạ.

Tớ yêu cách mà bà và những con người ở Borg đã từ từ thay đổi lần nhau, để hướng đến một Borg tốt đẹp hơn, và cả một Britt-marie tốt đẹp hơn. Sau khi tháo bỏ sự xấu xí bên ngoài, mọi điều tớ nhìn thấy đều nhẹ nhàng và xinh đẹp lạ lùng. Mà tiện nhắc đến cái kết, đó không hoàn toàn là cái kết tớ chờ đợi, nhưng nó hợp lý và cũng đủ tốt đẹp. Tớ muốn tin rằng sau tất cả, Borg và bà Britt-Marie vẫn là những điều tuyệt với nhất của nhau.

Poster của bộ phim chuyển thể

Britt-Marie Đã Ở Đây – Một câu chuyện về nỗi đau, sự phản bội và những điều bị lãng quên như cuốn sách này đáng lẽ sẽ phải thật buồn. Nhưng qua giọng kể bằng sự hài hước nhẹ nhàng của tác giả, tất cả chỉ dịu dàng ấm nóng như một tách cà phê sữa thôi. Sau một “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” hơi lan man, tớ giờ đang khá hài lòng với quyển sách này.

Leave a Reply

error: Content is protected !!