Bụi Sao – “Truyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn” Phiên Bản Không Phải Của Nguyễn Nhật Ánh Và Thực Sự Dành Cho Người Lớn

Bụi Sao – “Truyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn” Phiên Bản Không Phải Của Nguyễn Nhật Ánh Và Thực Sự Dành Cho Người Lớn

Tớ đã đọc “Truyện cổ tích dành cho người lớn” của bác Nguyễn Nhật Ánh nhà mình từ thời tóc còn để chỏm và dám lấy cái máy tính tớ đang dùng để gõ những dòng này ra mà đảm bảo rằng tác phẩm ấy vô cùng thân thiện cho mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Nhưng tớ lại chẳng thể nói điều tương tự với tác phẩm của Neil Gaiman. Khuyến cáo nho nhỏ thân mật của tớ này. Nếu như cậu chưa đủ ít nhất là mười sáu tuổi, tớ sẽ không đề xuất Bụi sao cho cậu đâu.

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fbui-sao-p892653.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Fahasa[/su_button]

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fbui-sao-p892653.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Tiki[/su_button]

Những lời giới thiệu về Bụi sao nghe mới thật thơ mộng và đậm chất Disney làm sao. Chúng ta có Tristan – một chàng trai có thân thế bí ẩn, tính cách tốt bụng và quả tim si tình (dẫu quả tim ấy vẫn có những phút giây hành nghề bán bánh tráng hơi điêu luyện).

Trong cơn say tình của thời còn là tấm chiếu mới, anh đã mạnh miệng hứa rằng sẽ đem về cho cô gái mình thương một ngôi sao vừa rơi xuống. Tréo ngoe thay, ngôi sao ấy rơi trúng xứ Tiên – một xứ sở nằm phía sau bức tường đá của làng anh từ bao đời. Nhưng với một kẻ đang chìm trong men say tình ái thì một bức tường có là gì.

Tristan mang theo sự hăng hái cùng niềm tin cao ngất của mình tiến vào xứ tiên, đi tìm ngôi sao rơi. Anh cứ hồn nhiên mà đi, chẳng mảy may biết rằng mình không phải kẻ duy nhất kiếm tìm ngôi sao này. Những thế lực khác, những kẻ không hề điên tình và tất nhiên chẳng mấy tốt đẹp, cũng đang ráo riết săn lùng ngôi sao kia cho những mục đích xấu xa của mình.

Từ hồi đọc “Coraline” – cũng của Neil Gaiman, tớ đã mang máng cảm nhận rằng những tác phẩm của ông chỉ có chiếc áo ngoài là văn học thiếu nhi mà thôi. Lột đồ tắt đèn thì thiếu nhi sẽ đột nhiên lắc mình biến thành thiếu niên như “Đại dương cuối đường làng”, “Câu chuyện nghĩa địa”, hay thậm chí là một cô gái có vài đường cong thật sự nóng bỏng như Bụi sao.

Phút ban đầu, tớ đã bị đánh lừa bởi cái bìa rất xinh đẹp, bởi lối viết mơ màng đậm màu cổ tích và cái thế giới huyền ảo nơi có sự tồn tải của loài Tiên trong Bụi sao. Tớ cứ chắc mẩm rằng ủ ôi, sau một “Người đẹp ngủ và con thoi mà thuật” có chút trời ơi đất hỡi thì mình đã vớ được một tác phẩm thiệt ấm áp nhẹ nhàng, thật xinh đẹp trong sáng. Tớ cứ nghĩ thế, cho đến khi cảnh cấm nhi đồng đầu tiên đập vào mắt, rất đột ngột và vô cùng tự nhiên.

Tuy tác giả vẫn dùng một lối hành văn đậm màu cổ tích, và cảnh đó thực ra cũng chẳng xi nhê gì với đứa già đầu như tớ, nhưng nó đã khiến cho cách nhìn nhận của tớ về Bụi sao mãi mãi thay đổi. Tớ không nghĩ cảnh đó là thật sự cần thiết, nhưng có lẽ tác giả lại có một quan điểm khác chăng?

Từ sau khoảnh khắc đó, những tình tiết xảy ra trong câu chuyện đã đi theo một hướng khác, đen tối và gai góc hơn, dù nhạc nền vẫn đang chạy theme cổ tích mộng mơ. Ta có một chàng trai si tình đang đồng hành cùng một ngôi sao bướng bỉnh trên hành trình kỳ quặc, có những hoàng tử chém nhau giết nhau để giành ngôi báu từ lão cha vừa chết rũ, có những phù thủy với đủ các loại bùa phép và ma thuật hắc ám ếm bùa nhau loạn xạ, và vô vàn những thứ đặc sản cổ tích khác thay nhau thoát y chui vào.

Các nhân vật trong Bụi sao thì không có nhiều điều để nói lắm, vì họ khá điển hình và một chiều, điểm khác biệt chỉ là họ được đặt vào những mâu thuẫn rất thú vị mà thôi. Ở đó, mọi thứ quyện vào nhau, có lúc tưởng như chúng chẳng liên quan gì đến nhau mà tới sau hóa ra lại liên quan đến không tưởng.

Tớ có hơi rối một tý ở mấy khúc truyện ban đầu khi tác giả thiết lập thế giới (Tớ bị Déjà vu đúng không? Hình như tớ nói câu này ở quyển nào đó rồi thì phải). Nhưng cứ từ từ mà đọc, rồi tớ cũng sẽ nhận ra được sự logic tuyệt vời của tác giả, khi mối quan hệ nhân quả của các tình tiết sẽ càng lúc càng rõ rang, những cái được gái cắm từ đầu truyện đến một lúc nào đó sẽ đột nhiên trở lên vô cùng có nghĩa, những chiếc chìa khóa vẫn kêu leng keng từ đầu truyện đều sẽ tìm được ổ khóa của mình. Tớ không thể nói tớ thích như vậy hay không, nhưng phải công nhận là nghĩ đi nghĩ lại cũng chẳng thấy điểm nào bất hợp lý cả. Và, nếu không phải sự đen tối đậm màu cổ tích ấy thì đã chẳng phải Neil Gaiman mà tớ quen, có lẽ ban đầu chính tớ mới là đứa dở hơi khi nghĩ rằng mình đang đọc một câu chuyện cổ tích ấm áp.

Nói như thế không có nghĩa là tớ ghét câu chuyện này. Phải có lý do gì đó thì tớ mới mày mò gặm nhấm nhiều tác phẩm của Neil Gaiman chứ nhỉ? Tớ yêu cách tác giả này dẫn dắt câu chuyện, yêu giọng văn hài hước và giàu hình ảnh của tác giả này. Nó khiến tớ có cảm giác như tác giả không phải đang viết một cuốn sách, mà đang ghi lại những lời kể chuyện của mình, những lời mà một người hát rong chốn làng quê sẽ nghêu ngao kể lại cho dân chúng xung quanh, cùng với cây đàn của anh ta.

Nhân nói đến đây, tớ cũng phải dành lời khen cho bản dịch của tác phẩm này. Tớ chưa có cơ hội được đọc bản gốc, nhưng tớ vẫn đánh giá cao những câu văn dù hài hước và mang nhiều thông tin nhưng vẫn gọn gàng dễ hiểu. Bản dịch không hề mang cảm giác mất tự nhiên mà mượt mà tựa như bản nhạc vui vậy. Là một đứa mắc tật dông dài, tớ phục sát đất kiểu đạt câu và cách dung từ đầy hiệu quả của dịch giả. Nếu không phải biết rõ đây là tác phẩm của Neil Gaiman, tớ có thể sẽ nghĩ đây là một tác phẩm thuần Việt ấy chứ.

Tất nhiên, tác phẩm dù hay đến thế nào thì vẫn sẽ ít nhiều có chỗ khiến tớ không vừa ý. Với Bụi sao thì phần trúc trắc ấy nằm ở cái kết. Khách quan mà nói thì đây là một cái kết vừa có sự điển hình của một câu chuyện cổ tích, lại vừa có những nét chấm phá mới lạ khiến độc giả bất ngờ dù thích hay không. Nhưng, cá nhân tớ cảm thấy cái kết của “Bụi sao” quá nhanh, giống như một người lưng dài chân ngắn vậy.

Diễn biến tâm lý của nhân vật có hơi chóng vánh (kiểu như đột nhiên một vài người bỗng trở thành là cao thủ lật bánh tráng nướng vậy đó), những nút thắt cũng được cởi ra hơi vội vàng, thậm chí một vài khó khăn còn được tháo gỡ chỉ bằng hào quang của nhân vật chính (Tức là dựa chủ yếu vào ăn may, tớ nói thật đấy! vì có một số nhân vật mà tớ chẳng biết từ đâu nhảy ra, chỉ để làm một nhiệm vụ duy nhất là giải cứu nhân vật chính).

Tớ cứ có cảm giác là khi viết đến đoạn kết này, tác giả đã viết trong tâm thế bị deadline dí đến mông và phải đối phó hết sức vội vàng. Điều này thật đáng tiếc vì nó đã phần nào làm hỏng mất những điều rất tuyệt vời đã được xây dựng ở phía trước, khiến câu chuyện bị đầu voi đuôi chuột, và khiến tớ có chút hụt hẫng. Nhưng tất nhiên thì đây cũng chỉ là suy nghĩ của cá nhân tớ mà thôi, biết đâu với những người khác, với những tâm hồn sâu sắc hơn, các cậu sẽ có những cảm nhận khác chăng?

Tóm lại thì Bụi sao vẫn là một cuốn sách đáng đọc, nếu cậu đang muốn tìm kiếm một tác phẩm đậm màu cổ tích mà lại không quá trẻ con. Không khí của câu chuyện này sẽ có chút lành lạnh, cực kỳ phù hợp cho mùa đông này. Nếu cậu đang rảnh rỗi và muốn thử chút gì đó mộng mơ, tại sao cậu lại không thử đọc câu chuyện này bên một ly sữa ấm nhỉ? Tớ cá là trải nghiệm này sẽ không tệ chút nào đâu.

Leave a Reply

error: Content is protected !!