Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp – Bài học ý nghĩa từ loài ốc sên

Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp – Bài học ý nghĩa từ loài ốc sên

Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp là một câu chuyện ngụ ngôn được viết bởi nhà văn người Chile- Luis Sepúlveda. Cũng là tác giả của cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay– câu chuyện đã nổi tiếng trên khắp thế giới và chắc chắn đã rất thân thuộc với các độc giả Việt Nam.

Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp kể về chuyến hành trình của một con ốc sên khác biệt- một con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp và muốn có một cái tên. Là câu chuyện ngụ ngôn chỉ dài vỏn vẹn 78 trang sách và viết ra để trả lời cho câu hỏi của một đứa trẻ. Nhưng Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp không phải là cuốn sách dành riêng cho thiếu nhi. Đó là một lời thức tỉnh dành cho tất cả những người lớn luôn vội vã. Dành cho tôi và có thể là dành cho cả bạn nữa.

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fchuyen-con-oc-sen-muon-biet-tai-sao-no-cham-chap-p444497.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Tiki[/su_button]

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Fwww.fahasa.com%2Fchuyen-con-oc-sen-muon-biet-tai-sao-no-cham-chap-tai-ban-2018.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Fahasa[/su_button]

Bài học từ sự chậm chạp

Xã hội càng phát triển, con người càng vội vã. Họ vội vã để tìm chỗ đứng cho bản thân. Họ vội vã bởi vì xã hội đặt quá nhiều kỳ vọng vào họ. Nhưng thử hỏi, bao nhiêu phần trăm trong cái “kỳ vọng” đó là thật lòng? Mạng xã hội phát triển, facebook, youtube … người ta phơi bày cuộc sống tươi đẹp nhất, hào nhoáng nhất của bản thân lên đó. Người ta cạnh tranh, đố kị với những người mà họ chỉ thấy trên màn hình. Soi mói đời tư của họ, so sánh mình với chính họ. Và dần dần con người trở nên đố kị và tự ti. Bởi vì chúng ta đang so sánh với thứ họ muốn ta thấy chứ không phải với con người thực của họ.Con người vội vã đuổi theo cái thế giới ảo đó, những kỳ vọng ảo đó mà quên mất bản thân thật sự cần gì và mong muốn điều gì.

Con người chúng ta luôn được nhắc rằng hãy chậm lại, phải chậm lại. Còn loài ốc sên vốn đã chậm chạp lại muốn biết tại sao nó chậm chạp. Đến cuối cùng đó vẫn là câu hỏi: Tại sao phải sống chậm chạp như thế?

Đối với con ốc sên, “giả dụ nó không phải là một con ốc sên chậm, thật chậm, mà nếu như, thay vì chậm chạp, nó lại bay nhanh như diều hâu, nhảy phăm phăm những bước dài như châu chấu, hay khéo léo thoắt đậu thoắt bay mà không ai kịp nhìn thấy như ông vò vẽ, thì có lẽ cuộc gặp gỡ giữa hai kẻ vô cùng chậm chạp như ốc sên và rùa đã chẳng bao giờ xảy ra.”

Những cuộc gặp gỡ luôn cần một cái duyên trong đời. Nhưng chúng ta có giành đủ thời gian để đón nhận cái duyên đó không lại là một chuyện khác. Con ốc sên khiến tôi nhớ đến một thời sinh viên của mình. Đại học- đó là cánh cửa mà ba mẹ đã rất tự hào, kỳ vọng ở tôi, là thành tích mà rất nhiều bạn bè tỏ ra ngưỡng mộ tôi.

Hai năm đầu tôi nỗ lực học tập, thi đua từng điểm số với bạn bè. Cảm thấy áp lực vì những lời hỏi thăm về thành tích học tập từ bố mẹ, người thân. Ngày ấy, tôi luôn cố chạy thật nhanh và cuối cùng cũng đến lúc tôi quá mệt mỏi, tôi thực sự muốn bỏ học, không còn chăm chỉ lên Giảng đường, giành nhiều thời gian cho phim ảnh và những trò game. Khi ấy tôi thấy bản thân mình thật vô dụng và nhạt nhẽo.

Quãng thời gian ấy kết thúc khi người bạn thân lôi tôi ra đường, nhét vào tay tôi những túi quần áo cũ nặng trịch. Tôi cùng những người bạn trong câu lạc bộ từ thiện của cô ấy đến thăm các em nhỏ mồ côi ở chùa Bồ Đề. Những đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi lọt lòng, không cha không mẹ, sống một cuộc đời không thể gọi là đủ đầy. Nhưng chúng vẫn có thể cười hạnh phúc đến thế chỉ vì nhận được những tấm áo cũ từ chúng tôi, chúng đang tận hưởng cuộc sống từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Sợ hãi và dũng khí

Con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp khác với tất cả những con ốc sên trong “gia trang ô rô” của nó. Những con ốc sên khác chấp nhận sự chậm chạp, chấp nhận việc chúng không có những cái tên riêng dù điều đó gây ra rất nhiều bất tiện cho chính cuộc sống hằng ngày của chúng. Những con ốc sên chấp nhận một cuộc sống như vậy có lẽ cũng là một điều dễ hiểu. Bởi làm sao biết chắc được rằng nếu phá vỡ cái trật tự yên bình đó điều gì sẽ đến. Nếu điều sẽ đến tốt đẹp thì chẳng sao. Nhưng nếu điều đó tồi tệ?

Chính loài người chúng ta cũng giống như loài ốc sên. Chúng ta luôn cảm thấy thanh thản hơn khi được biết trước tương lai, đi một con đường đã biết rõ đích đến. Tôi cũng từng là một con người như vậy, một kẻ an phận và sợ hãi quá nhiều. Tôi từng chẳng dám đi du lịch xa một mình, từng không dám chọn một trường Đại học xa gia đình, xa sự đùm bọc của bố mẹ. Nhưng câu chuyện về chú ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp đã giúp tôi hiểu một định nghĩa khác về sự dũng cảm hay chính là “dũng khí” trong mỗi con người.

Một người có dũng khí không phải là một người không biết sợ hãi. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có những nỗi sợ rất riêng, thậm chí là vô cùng nhỏ nhặt. Nhưng phản xạ tự nhiên là chúng ta thường che giấu nó, thường cảm thấy xấu hổ và tin rằng sợ hãi tức là hèn nhát. Đó là một định nghĩa hoàn toàn sai lầm. Sự thật là: “Một người có dũng khí thực sự là người cảm nhận được nỗi sợ, nhưng biết chế ngực nó”– Đó là lời mà bác rùa mang tên Trí nhớ đã nói với ốc sên. Bác đã đặt cho chú ốc sên đặc biệt đó cái tên “Dũng Khí”. Vì bác ta tin rằng, việc muốn biết tại sao nó chậm chạp, việc đòi hỏi một cái tên không phải là sự nổi loạn. Đó là Dũng khí- dũng khí để dám trở nên khác biệt.

Một chú ốc sên mang tên Dũng Khí không có nghĩa là chú không biết sợ hãi điều gì. Dũng Khí đã sợ hãi khi thấy những dải nhựa đen ngòm con người tạo ra, phá hoại dần những cánh đồng cỏ. Dũng khí sợ hãi khi nghĩ về tương lai của loài sên khi vẫn tiếp tục sống ở Gia trang ô rô. Dũng Khí sợ hãi khi nghĩ rằng, nếu những con ốc sên khác không tin tưởng và đi theo mình thì sao? Và ngay cả khi đồng loại đã tin tưởng, đi theo mình để tìm một xứ sở Bồ công anh khác, Dũng Khí cũng lại có một nỗi sợ khác, nỗi sợ mang tên “trách nhiệm”:

“Khi ngoảnh đầu nhìn lại, nó thấy tất cả đám ốc sên đều bò theo. Nó không hề thấy kiêu hãnh, cũng chẳng vui sướng. Nó mong lẽ ra bọn chúng đừng đi theo nó vì như vậy nó chỉ cần có trách nhiệm với riêng số phận của mình. Đám ốc sên tin tưởng nó và chính điều đó khiến nó rất sợ …”

Nỗi sợ luôn khiến chúng ta không dám hành động, không dám làm rất nhiều điều. Bản thân tôi trước khi quyết định làm điều gì đó thường suy tính rất tỉ mẩn, phải xem xét và chờ đợi có đủ tất cả các điều kiện tốt nhất mới thực hiện. Nhưng thực tế cho thấy rằng, thường thì chúng ta luôn chẳng bao giờ có tất cả. Thành công không bao giờ được đảm bảo. Điều tốt nhất có thể là hãy cứ làm đi! Nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra, chúng ta sẽ điều chỉnh dần trong quá trình thực hiện.

Chú ốc sên mang tên Dũng Khí cũng vậy, chú ta không thực sự biết chắc chắn rằng trên đường đi có gặp những mối nguy lớn không? Liệu tất cả có thể cùng tới đích không? Nhưng Dũng Khí có thể chắc chắn một điều rằng, “Xứ sở Bồ công anh mới ở phía trước chúng ta chứ không phải sau lưng.”

Nếu tôi muốn bắt đầu một tình bạn, tôi sẽ mỉm cười. Nếu tôi muốn bắt đầu một chuyến đi, tôi cứ đi thôi … Kết quả thì rất đa dạng, có thể những gì sắp tới không khó khăn như tôi nghĩ. Và biết đâu tôi sẽ khám phá thêm được những kỹ năng mới của bản thân. Tôi cũng có thể tài giỏi hơn mức tôi nghĩ nữa chứ! Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp chắc chắn sẽ khiến mỗi người muốn bản thân mình chậm lại, sống không vội vã, sống một cách nhiệt thành và tận hưởng. Nhưng cũng là một chú ốc sên có dũng khí để dám đương đầu, dám khác biệt.

Leave a Reply

error: Content is protected !!