Đại Dương Đen – Hé Lộ Bí Mật Đau Thương Đằng Sau Hai Chữ “Trầm cảm”

Đại Dương Đen – Hé Lộ Bí Mật Đau Thương Đằng Sau Hai Chữ “Trầm cảm”

“Bất kể mình có hoàn thành được gì ngày hôm nay hay không, mình vẫn có giá trị, không ai có thể lấy nó ra khỏi mình. Mình không phải kẻ thù của chính mình, mình xứng đáng được trân trọng và yêu thương” (Đại Dương Đen – Đặng Hoàng Giang)

Trầm cảm có thể có ở bất cứ đâu, ở bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào 

Không biết từ bao giờ hai từ trầm cảm được sử dụng rộng rãi đến mức khiến cho con người ta quên mất bản chất thật của nó. Người ta luôn cho rằng buồn là trầm cảm, stress cũng là trầm cảm, bực tức bí bách thậm chí khó chịu một chút thôi cũng có thể than vãn rằng “Tôi trầm cảm lắm”. Nhưng mấy ai thật sự hiểu trầm cảm là gì và càng rất ít ai có thể nhìn nhận nó như một thứ bệnh lý, họ chỉ cho rằng những người thật sự trầm cảm chỉ đang làm trò, làm quá lên mà thôi. 

Tuy nhiên nếu bạn đã thử tìm đọc Đại Dương Đen, tôi dám chắc rằng bạn sẽ không bao giờ nói về trầm cảm một cách tuỳ tiện như vậy nữa. Trước khi đưa cho độc giả hàng tá những kiến thức hàn lâm về trầm cảm thì tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho chúng ta cơ hội được đối diện với những nhân vật, mảnh đời đáng thương đang vật vã chiến đấu với trầm cảm. Đối mặt với họ, lắng nghe câu chuyện của họ mới khiến tôi nhận ra rằng: “Trầm cảm có thể có ở bất cứ đâu, ở bất kỳ ai và trong bất kỳ hoàn cảnh nào”. Và điều đáng sợ hơn là nó đến không một lời báo trước, trầm cảm cứ thế lặng lẽ xâm nhập và phá huỷ cuộc sống của một con người. 

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fdai-duong-den-p117254517.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Tiki[/su_button]

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Fwww.fahasa.com%2Fdai-duong-den.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Fahasa[/su_button] 

Trầm cảm không có khả năng phân biệt để lựa chọn số phận mà nó sẽ phá huỷ, chính vì thế trầm cảm là một bệnh lý khó có thể phòng ngừa. Ở đâu đó trên cuộc đời này bạn có thể gặp một người như anh Thành- một ông bố 32 tuổi, cái độ tuổi mà đáng lý ra phải sung sức làm việc kiếm tiền nuôi vợ con thì chỉ vì trầm cảm mà anh phải dừng lại mọi thứ, quay về sống như một đứa trẻ. Và biết đâu bạn sẽ quen một ai đó như Bảo Anh- cô sinh viên tài năng 23 tuổi, đã từng có một quá khứ được vi vu nơi đất khách nhưng giờ đây tất cả đã là quá khứ. Bảo Anh vẫn tài giỏi nhưng cô bé đã từng muốn chết nhiều lần.

Tuy nhiên, trầm cảm đâu buông tha cho bất kỳ ai, trầm cảm có thể xuất hiện khi bạn đã đi quá nửa đời người, bước qua phía bên kia con dốc của sự sống. Giống như ông Thạch, trầm cảm ghé thăm ông ở độ tuổi 83. Hơn thế nữa, bạn tưởng rằng sinh ra trong một gia đình giàu có, hiểu biết về tâm lý thì sẽ tránh được trầm cảm sao ? Vậy thì bạn chưa gặp Thuỳ Dương, cô sinh viên ngành tâm lý tài năng, biết rõ về trầm cảm nhưng không đủ sức để chống lại nó. 

Khi thật tâm đối diện với mười hai nhân vật với mười hai hoàn cảnh khác nhau nhưng đều đang cùng lạc trôi giữa một đại dương đen kịt thì tôi mới nhận ra việc đánh giá nỗi đau của một người dựa trên hoàn cảnh, thân phận của họ là điều hoàn toàn sai lầm. Một người luôn hạnh phúc không có nghĩa là họ không có nỗi buồn, một người giàu có về vật chất không có nghĩa là họ giàu có về tinh thần.

Vậy nên tôi nghĩ rằng không ai trên thế giới này xứng đáng phải nghe những lời đàm tiếu đánh giá về việc bản thân vô dụng, lười biếng và chỉ biết nghĩ tiêu cực. Thậm chí là tệ hơn phải nghe những câu như: “Bạn mà cũng trầm cảm á? Sướng quá hoá rồ? Con nhà giàu dẫm phải gai mùng tơi ”. Bởi bạn biết không những người trầm cảm không chọn bị trầm cảm và trầm cảm không đơn thuần chỉ là nỗi buồn, nó là nỗi đau vô hình vô tận. Hơn thế nữa, sự thật bạn nhìn thấy luôn chỉ là một nửa sự thật mà thôi, không ai có thể sống hộ cuộc đời ai để biết rõ lý do vì sao trầm cảm tìm đến họ. 

Trầm cảm là bệnh lý duy nhất đến và đi không cần một lý do.

Có một thứ được gọi là Depression Episode (chu kỳ trầm cảm)  

Trước khi đọc Đại Dương Đen thì tôi luôn cho rằng trầm cảm sẽ kết thúc vòng đời của nó khi thân chủ thay đổi suy nghĩ, tìm lại được ước mơ và hy vọng sống cho chính mình. Nhưng khi nghe câu chuyện của Thuỳ Dương thì tôi mới biết có một thứ được gọi là: “Depression Episode” chu kỳ trầm cảm.  

Ở phần hai của tác phẩm tiến sĩ Đặng Hoàng Giang có viết rõ hơn về chu kỳ trầm cảm như một phần của căn bệnh trầm cảm. Chu kỳ trầm cảm là khoảng thời gian mà trầm cảm đến thăm và chi phối cuộc sống của người trầm cảm mạnh mẽ nhất, họ sẽ mất hết năng lượng, mục đích sống, não họ sẽ bao phủ chỉ toàn là những suy nghĩ tiêu cực, họ không còn muốn làm điều gì kể cả việc thở. Tùy vào thể trạng và hoàn cảnh mỗi người sẽ quyết định thời gian của chu kỳ trầm cảm, có thể là hai tuần, ba tháng hoặc có thể kéo dài tới một vài năm. Sau khoảng thời gian ấy, người bệnh sẽ quay về trạng thái bình thường, họ sẽ lại cảm thấy mình tràn đầy sức sống giống như thể họ được tái sinh, sống lại thêm một lần nữa.   

Tuy nhiên chu kỳ trầm cảm sẽ để lại một hậu quả vô cùng nặng nề, chỉ trong cần trải qua một chu kỳ thôi người trầm cảm có thể sẽ mất đi tất cả những gì mà họ đã kỳ công gây dựng. Nhìn vào câu chuyện của Thuỳ Dương bạn sẽ thấy rõ điều đó.

Trong nhật ký của Thuỳ Dương, cô bạn có viết: “Ai đó hãy cứu tôi ra khỏi cái episode này” và “ Lạy giời, cuối cùng episode cũng hết”. Thuỳ Dương là một sinh viên ngành tâm lý, cô biết rõ về từng chu kỳ trầm cảm của mình nhưng lại bất lực trước sự hiện diện của nó. Khi chu kỳ đến thì đến cả việc với tay lấy chai nước cũng khiến cô cảm thấy khó khăn, cô hoàn toàn không thể đứng dậy, đi lại như một người bình thường và đã có lúc việc ngồi dậy mỗi ngày trở thành mục tiêu lớn cô cần phải hoàn thành. Tuy nhiên khi chu kỳ qua đi thì Thuỳ Dương lại trở lại bình thường, cô trở lại thành cô sinh viên hoạt bát năng nổ, theo đuổi ước mơ của riêng cô, nhưng trước gì cô xây dựng trước kia giờ chỉ còn là dĩ vãng. 

Mặc dù biết rằng, chu kỳ trầm cảm sẽ phần nào khiến con người ta trở nên yếu đuối hơn, đau đớn và khổ sở hơn, nhưng khi bước ra được giai đoạn đó rồi chúng ta sẽ ý thức về trầm cảm được rõ hơn. Nếu may mắn thì những chu kỳ trầm cảm sau sẽ nhẹ nhàng hơn những chu kỳ trước nhưng vẫn có trường hợp nó ngày một trở nên nặng hơn qua từng chu kỳ. Tôi nghĩ rằng mức độ của từng chu kỳ trầm cảm sẽ phụ thuộc vào việc bạn hồi phục được bao nhiêu qua từng giai đoạn. Giống như Thuỳ Dương, chu kỳ trầm cảm đã giúp cô rời bỏ được những kỳ vọng vô nghĩa, cô nhận ra điều tốt nhất cho chính bản thân mình là gì. Nói cách khác, chu kỳ trầm cảm sẽ khiến bạn tốt hơn nếu bạn chịu chấp nhận và đủ can đảm, kiên nhẫn để thoát khỏi nó.

Người trầm cảm không biến chất, họ chỉ không ổn mà thôi

Có một câu hỏi vang lên và khắc khoải xuyên suốt mười hai câu chuyện về mười hai nhân vật mà khiến cho người đọc phải thổn thức, bất lực: “Tại sao tôi lại trở nên như thế này”. Người trầm cảm khi trầm cảm họ không thể lý giải được điều gì khiến cho họ thay đổi, biến chất trở thành phiên bản tồi tệ nhất của bản thân.

Có những người khi bình thường họ rất vui vẻ, hoạt bát thậm chí là tự tin xông xáo trong công việc (chúng ta có thể thấy điều này ở Bảo Anh, Hiển, Uyên hay Dũng) nhưng khi trầm cảm thì họ lại chìm trong nỗi buồn, sự tự ti và xấu hổ vô tận, hay như chị Quỳnh – tình yêu thương con vô bờ bến của chị là không thể phủ nhận nhưng khi trầm cảm đến chị chỉ muốn “Bóp chết con”.  Tuy nhiên trầm cảm không khiến họ biến chất mà sự thay đổi ấy là một tiếng chuông báo động của cơ thể rằng họ đang thật sự không ổn mà thôi.  

Vì thế người trầm cảm cần được yêu thương và lắng nghe thay vì chì chiết và đánh giá sự thay đổi theo hướng xấu đi của họ. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang từng chia sẻ quá trình viết “Đại Dương Đen” là quá trình của sự nhẫn nại của tác giả cùng với người trầm cảm, lắng nghe không phán xét là điều mà tiến sĩ đã làm được khi cố gắng bước vào thế giới trong đường hầm của họ. Thấu hiểu mà không định kiến, kì thị cũng là điều mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc bởi bản chất sống trong xã hội đầy định kiến thì chính người trầm cảm cũng đang tự kỳ thị căn bệnh của họ, họ đẩy mình ra xa mọi người và muốn trốn thoát khỏi xã hội. Vì vậy muốn giữ người trầm cảm lại với xã hội thì điều cần làm là không phán xét, không định kiến và không kỳ thị. Người trầm cảm không thể tốt hơn nếu bản thân họ không tự cố gắng nhưng sự công nhận của xã hội cũng là điều cần thiết để họ tự tin đối diện với chính bản thân mình.  

Đại Dương Đen và đường dây nóng Ngày Mai 

Tác phẩm Đại Dương Đen ra đời như một món quà trân quý mà tác giả muốn gửi đến những người trầm cảm, tác phẩm là tiếng nói chia sẻ hiếm hoi với thế giới của người trầm cảm, là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội. Đi cùng Đại Dương Đen là đường dây nóng Ngày mai – hotline hỗ trợ người trầm cảm. Ngày mai muốn nhắn nhủ tới bạn:

“Nếu bạn đang chơi vơi trong đại dương đen của mình, hãy gọi tới Ngày Mai để được lắng nghe và an ủi”.

Với Ngày Mai, với Đại Dương Đen và với tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thì hoàn cảnh của ai cũng xứng đáng được quan tâm, câu chuyện của ai cũng xứng đáng được lắng nghe. 

Đại Dương Đen – “Tặng người trầm cảm, bạn xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp” 

Hotline Ngày Mai: 0963061414

Leave a Reply

error: Content is protected !!