Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông – Cuộc Gặp Gỡ Của Những Tâm Hồn

Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông – Cuộc Gặp Gỡ Của Những Tâm Hồn

Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông – Tôi gọi cuốn sách của nhà văn Sabahattin Ali là cuộc gặp gỡ của những tâm hồn, bởi lẽ cuốn sách giúp tôi có cái nhìn sâu sắc về tình bạn, về tình yêu, về mối quan hệ giữa con người với con người trong đó. Và điều chi phối tất cả các mối quan hệ ấy không phải là tiền bạc, không phải là danh vọng,…chỉ có một điều duy nhất: đó là tâm hồn.

ĐỨC MẸ MẶC ÁO CHOÀNG LÔNG – CÂU CHUYỆN VỀ TÌNH BẠN

Ở những trang sách đầu tiên của Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông, tôi bước vào một câu chuyện khá đặc biệt về tình bạn. Khi người ta mải mê trốn trong chiếc vỏ cô đơn, người ta hiểu như thế nào về tình bạn?

Câu chuyện Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông mở ra bởi hai mối quan hệ – tình bạn. Trong lúc thất nghiệp, trong lúc rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhân vật “tôi” đã tình cờ gặp người bạn cũ của mình là Hamdi. Anh được người bạn này giúp đỡ vượt qua những ngày tháng khủng hoảng khi bản thân đang thất nghiệp. Thế nhưng, trong mối quan hệ bạn bè ấy, anh không được tôn trọng. Điều khiến Hamdi giúp đỡ anh là bởi sự thương hại, là bởi muốn khoe khoang:

“Ai mà chẳng thích khi có dịp được khoe khoang những thành đạt của mình trước bạn cũ và nhất là đối với những kẻ không may…”

“Về bản chất có thể anh ta là người không đến nỗi tồi, nhưng cũng cần phải hiểu rằng việc nhận tôi vào làm có thể cũng là vì lợi ích của công việc”.

Một tình bạn xuất phát từ một trái tim không chân thành liệu có thể tồn tại?

Nhưng ngay sau đó, anh đã giúp chúng ta có một câu trả lời chính xác về tình bạn, một tình bạn khiến anh xúc động sâu sa:

“Cho đến nay, trong số tất cả những bạn bè quen biết, người ấy đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất. Năm tháng trôi quan nhưng có bao giờ tôi quên được nỗi xúc động đã trải qua khi ấy. Chỉ cần ngồi lại một mình là lập tức trước mắt tôi lại hiện lên khuôn mặt chất phác của Raip – Efendi cùng với ánh mắt đăm chiêu, tư lự và nụ cười rụt rè, ngượng ngập”

Đó là tình bạn đặc biệt với Raip – Efendi. Tình bạn ấy không bắt nguồn từ những lợi ích cá nhân, từ tiền bạc hay danh vọng. Tình bạn ấy bắt nguồn từ sự thấu hiểu và chân thành.

Raip – Efendi là đồng nghiệp của anh- một người đồng nghiệp khá dị biệt. Ông luôn trốn trong chiếc vỏ bọc cô đơn của mình, không có nhu cầu giao tiếp, không được mọi người tôn trọng. Ông như một chiếc bóng nhạt nhòa trong cơ quan cũng như trong gia đình của chính mình. Người ta đối xử với ông một cách thô bạo, bất công, nhưng không bao giờ ông cảm thấy phiền, không bao giờ ông kêu ca, ca than bất kì điều gì. Tất cả những điều đó khiến ông trở thành người dị biệt trong mắt mọi người.

Nhưng khi có điều kiện tiếp xúc với Raip – Efendi, một tình bạn chân thành đã nảy sinh. Câu chuyện bắt nguồn từ một bức vẽ Hamdi khi hắn nổi nóng với Raip – Efendi, nhưng bức vẽ ấy đã khiến anh có một cái nhìn khác về Raip – Efendi:

“Tính nghệ thuật của bức kí họa không cho phép tôi nghĩ rằng đó chỉ là một tài năng nghiệp dư mà thôi. Bức biếm họa ấy chỉ có thể do một người có khả năng quan sát tinh tế, khả năng diễn đạt sâu sắc và một kinh nghiệm phong phú mới có thể vẽ nổi”

Lần đầu tiên, anh nhìn vào tâm hồn của Raip – Efendi. Và sau này mỗi bước anh xích lại gần Raip – Efendi càng cho anh hiểu được vẻ đẹp cũng như đời sống nội tâm của con người này. Tình bạn của anh với Raip – Efendi đã được xây dựng trên cơ sở của sự đồng cảm, thấu hiểu. Đó là một tình bạn chân thành, xuất phát tự trái tim của những tâm hồn đồng điệu. Anh đã dành thời gian cho ông, anh đã luôn bên cạnh ông trong lúc ốm đau. Và điều quan trọng nhất là anh và Raip – Efendi đã luôn tin tưởng nhau, trân trọng nhau. Đó cũng chính là lí do sau này, khi Raip – Efendi sắp rời xa cuộc đời, anh đã được ông tin cẩn trao cho cuốn nhật kí – đời sống tâm hồn của ông để anh có thể khám phá những bí ẩn trong cuộc đời của Raip – Efendi.

Câu chuyện về tình bạn của anh với Hamdi chỉ là một bức phông nền để tô điểm cho tình bạn sâu sắc và chân thành của anh với Raip – Efendi.  Tình bạn ấy là mình chứng cho việc lấy hồn tôi để hiểu hồn người. Một tình bạn chỉ thực sự đẹp khi bắt nguồn từ sự đồng cảm sâu sắc giữa những tâm hồn.

CÂU CHUYỆN VỀ TÌNH YÊU

Cuốn sách Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông còn đặc biệt cuốn hút người đọc bởi câu chuyện về tình yêu: một tình yêu vô cùng đẹp đẽ, lãng mạn nhưng có một kết thúc buồn. Đó là câu chuyện của Raip – Efendi với Maria – “đức mẹ mặc áo choàng lông”

Cuộc gặp gỡ của họ bắt nguồn từ một bức tranh trong phòng triển lãm, một bức tranh khiến Raip – Efendi không đủ sức rời đi:

“Cho đến giờ, mặc dù nhiều năm đã trôi qua nhưng tôi khó diễn tả nổi cảm xúc của mình khi ấy. Tôi chỉ còn nhớ mình đã đứng chôn trân trước một thiếu nữ trong chiếc áo choàng bằng lông thú”.

Bức tranh ấy đã mang đến cho Raip – Efendi một cảm xúc đặt biệt, kéo anh trở lại phòng triển lãm nhiều lần, và lần nào cũng một niềm say mê như thế.

Anh đã nhìn thấy một hình ảnh đẹp về người phụ nữ trong tranh, cảm giác như có thể nhìn thấu đời sống tâm hồn của “đức mẹ’ trong tranh ấy. Anh si mê bức tranh không chỉ bởi sự thấu hiểu về hội họa. Bức tranh ấy chính là tâm hồn, là cuộc đời, là vẻ đẹp của một người phụ nữ mà anh khát khao.

“Bức chân dung thiếu nữ trong chiếc áo choàng lông ở phòng triển lãm thật sự làm tôi rung động. Tôi không dám mơ tưởng đến tình yêu của nười thiếu nữ tuyệt với đó, và cũng không thể nghĩ rằng có thể ặp được nàng và ngồi cạnh nàng trong giây lát như ngồi cạnh một người bạn thân”.

Nhưng “đức mẹ mặc áo choàng lông” ấy đã bước ra ngoài đời thực vì đó là bức tranh tự họa của Maria- tác giả của bức tranh. Raip – Efendi đã luôn khắc ghi khuôn mặt của “đức mẹ’ trong tranh và khi người phụ nữ ấy bước ra cuộc đời thì ngay lập tức anh đã nhận ra trong nỗi xúc động sâu sắc:

“Trống ngực tôi đánh thình thịch vì nỗi xúc động không giải thích nổi…Đó chính là nàng! Khuôn mặt người thiếu nữ lướt qua trong một giây ngắn ngủi và từ trong tiềm thức mê muội, một tia chớp bỗng lóe lên, những ý nghĩa trở nên sang rõ. Đó chính là người thiếu nưc có cặp mắt màu đen trong chiếc áo choàng lông báo sang trọng – “Đức mẹ”

Và Raip – Efendi đã đi tìm “đức mẹ” của mình…

Rồi tình yêu của họ đã nảy sinh ở những lần gặp gỡ tiếp theo như một định mệnh không thể tránh khỏi.

Trong tình yêu ấy, người đọc sẽ vô cùng xúc động trước những rung động trái tim mà Raip – Efendi dành cho Maria – “đức mẹ mặc áo choàng lông”.

“Trong lòng tôi, một ước muốn kì lạ chợt xuất hiện. Tôi muốn ôm lấy tấm thân xinh đẹp và hôn lên khuôn mặt của nàng. Tôi không nhớ đã có lần nào mình cảm thấy hạnh phúc như thế chưa.”

Đó là sự thổn thức của trái tim. Trước cô gái ấy, Raip – Efendi luôn cảm thấy mỗi giờ phút trôi đi thật đặc biệt. Tuy nhiên, tình yêu của họ không đến một cách chóng vánh. Họ đã phải trải qua thử thách của lòng tin. Và điều tất nhiên, Raip – Efendi đã phải cất giấu những cảm xúc của mình trước Maria. Anh tôn trọng cô, và anh chấp nhận là bạn – một người bạn giản dị, chân thành. Và anh sẵn sàng hi sinh cái tôi cá nhân của mình để được ở bên cô:

“Thật là sung sướng khi cuộc sống của anh đầy những ý nghĩ chân thành, tốt đẹp, khi anh biết rằng trên trái đất này có một người để anh giãi bày tất cả những ý nghĩ từ đáy lòng mình. Trên đời liệu có hạnh phúc nào hơn thế nữa không?”

Anh đã đến bên cô bằng sự đồng điệu của trái tim:

“Một điều lí thú là chúng tôi cùng suy nghĩ và cảm nhận giống nhau. Sự gần gũi trong tâm hồn chúng tôi không phải cả hai đều có một quan điểm về một số vấn đề nào đó. Ý nghĩ của người này nói ra liền được người kia hưởng ứng như chính ý nghĩ của mình. Sẵn sàng chấp nhận ý kiến của nhau – đó cũng là một trong những biểu hiện của sự hòa hợp tâm hồn”.

Và anh đã yêu cô bằng một tình yêu trung thành, chân thành và sâu sắc:

“Tôi rất yêu Maria. Tôi có cảm tưởng như tình yêu của tôi có thể đủ cho cả loài người và tôi thấy vô cùng hạnh phúc vì trên đời này có một người để tôi san sẻ tình yêu ấy.”

Còn Maria, một cô gái đã trải qua nhiều thăng trầm, một cô gái “trải đời” và trưởng thành khá sớm. Cô yêu Raip – Efendi nhưng cô không dám thành thật lòng mình. Cô quá hiểu tình yêu, quá hiểu bản chất của đàn ông nên cô không dám đặt niềm tin vào bất kì người đàn ông nào. Cô chọn một mối quan hệ không ràng buộc, cô không muốn mình phụ thuộc vào bất cứ ai dù biết rằng Raip – Efendi là một chàng trai rất tuyệt.

Thế nhưng, chính tình yêu chân thành, sự tôn trọng đối phương ở Raip – Efendi đã khiến trái tim Maria lỗi nhịp. Cô dần chấp nhận anh, để anh đặt chân vào cuộc sống của mình. Cô chia sẻ với anh mọi điều trong cuộc sống. Và cô đã không thể giấu diếm tình cảm của mình:

“Em…em…yêu anh…Yêu tha thiết. Anh không thể biết được em yêu anh đến như thế nào đâu! Anh ngạc nhiên à?…Làm sao có thể khác được? Em đã hiểu, anh yêu em lắm, yêu tha thiết. Anh đừng nghi ngờ gì nữa, em cũng yêu anh, yêu tha thiết như thế…”

Nhưng rồi chính cô lại cự tuyệt tình cảm của anh khi anh bước qua giới hạn tình bạn với cô. Trong những ngày tháng ấy, Raip – Efendi đã đau khổ và chắc chắn Maria cũng không tránh khỏi những đau đớn, trăn trở. Có điều, một lần nữa Raip – Efendi đã chinh phục trái tim cô, để một lần nữa cô tin vào tình yêu:

“Em đã đánh mất lòng tin đối với con người. Chính anh đã trả lại cho em niềm tin ấy. Em yêu anh! Em yêu anh với tất cả lòng mình và hoàn toàn nhận thức rõ rang điều đó…Anh chính là người mà em mong ước nhất trên đời này…”

Và vì tình yêu ấy, cô sẵn sàng chờ đợi anh.

Chỉ có điều, tình yêu của họ đã không có một kết thúc đẹp. Nhưng điều quan trọng nhất, họ đã đến với nhau bằng trái tim chân thành. Câu chuyện tình yêu của họ có kết thúc buồn, nhưng người đọc vẫn tin họ sẽ ở bên nhau mãi mãi.

[su_button url=”https://fast.accesstrade.com.vn/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fnhung-tac-pham-van-hoc-kinh-dien-noi-tieng-the-gioi-duc-me-mac-ao-choang-long-p475133.html” target=”blank” style=”flat” background=”#ef2d30″ size=”6″ rel=”nofollow”]MUA SÁCH TRÊN TIKI[/su_button]

ĐỨC MẸ MẶC ÁO CHOÀNG LÔNG – CÂU CHUYỆN VỀ NIỀM TIN

Tôi đã nói về hai câu chuyện trong cuốn sách Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông, một câu chuyện về tình bạn, một câu chuyện về tình yêu. Trong cả hai câu chuyện ấy, tôi đều muốn nói để sự đồng điệu về tâm hồn, về sự đồng cảm, lấy hồn tôi để hiểu hồn người. Đó là điệu tuyệt vời mà trong cuộc đời này không phải ai cũng có được. Sự gặp gỡ của tâm hồn là điều quý giá nhất mà chúng ta phải trân trọng, nâng niu.

Nhưng, còn một câu chuyện nữa trong cuốn sách mà tôi đặc biệt chú ý. Đó là câu chuyện về niềm tin. Trong tình bạn, niềm tin được xây dựng từ sự quan tâm, thấu hiểu và chân thành. Chính niềm tin đã giúp Raip – Efendi có thể giãi bày nỗi niềm tâm sự của mình. Niềm tin đã phá vỡ bức tường thành cô đơn để nhân vật “tôi” có thể hiểu hơn về người bạn của mình. Niềm tin là yếu tố duy nhất để Raip – Efendi trao cuốn sổ quý giá của cuộc đời cho người bạn của mình. Niềm tin là điều quý giá để con người bước tới bên nhau.

Niềm tin cũng tạo nên sức mạnh trong tình yêu. Chính niềm tin đã giúp Maria bước qua ranh giới do chính mình tạo ra để đến bên Raip – Efendi. Chính niềm tin đã giúp cô vượt qua khoảng cách, vượt qua sự cô đơn để kiên tâm chờ đợi người đàn ông của đời mình. Niềm tin luôn mang sức mạnh gắn kết những trái tim yêu.

Đức Mẹ Mặc Áo Choàng Lông của Sabahattin Ali là một cuốn sách giàu giá trị nhân văn. Cuốn sách không chỉ gieo niềm tin vào con người, hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà hơn nữa, cuốn sách còn mang đến cho người đọc những cái nhìn thấu cảm về cuộc đời, về con người,… Đó là một cuốn sách buồn, cảm động, thấm thía…và luôn hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc đời.

One Response

  1. Phạm Thúy Hằng

Leave a Reply

error: Content is protected !!