Đừng Bao Giờ Buông Dao – Tớ Biết! Phim Thì Qua Thế Quái Nào Được Sách Cơ Chứ!

Đừng Bao Giờ Buông Dao – Tớ Biết! Phim Thì Qua Thế Quái Nào Được Sách Cơ Chứ!

Có muôn vàn kiểu lý do dẫn tới quyết định tha một cuốn sách về bộ sưu tập của tớ. Thường thì tớ luôn ưu tiên chọn mua những cuốn sách có nội dung (nghe có vẻ) hợp gu, hay là phần sau của một series mình đang theo dõi. Nhưng đôi khi trên giá sách của tớ cũng sẽ xuất hiện những cuốn sách mà tớ chỉ mua vì cái bìa đẹp, vì cái tên hay, vì được bạn bè giới thiệu, vì muốn đổi gió sang thể loại mới hay chỉ vì quyển sách đang được sale rẻ như cơn mơ,….

Đừng bao giờ buông dao là một trường hợp tương tự, nếu không phải vì đam mê vẻ cute đáng yêu của Tom Holland – nam chính bản chuyển thể điện ảnh “Chaos walking” của cuốn sách này, còn khuya tớ mới nghía mắt tới một cuốn vừa dày vừa to vừa đắt, thể loại vừa chẳng hợp gu lại còn là tập một trong cái series mới toe chẳng biết có chết yểu hay không như Đừng bao giờ buông dao. Cơ mà, tình yêu đúng đắn nhất là tình yêu nước, đúng đắn nhì là tình yêu cái đẹp các bác ạ. Món đầu tư được sale 30% này đáng tiền lắm đó! Nói nhanh cho vuông!

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fhon-mang-1-dung-bao-gio-buong-dao-p81437618.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Tiki[/su_button]

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Fwww.fahasa.com%2Fhon-mang-1-dung-bao-gio-buong-dao.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Fahasa[/su_button]

Trước hết thì, dù hơi bị mê bạn Tôm Hà Lan, tớ vẫn phải thừa nhận rằng so với sách thì film chỉ là một bản parody hời hợt và dễ thương thôi. Trước khi đọc sách, film vẫn còn nằm lơ đãng giữa điểm 7 đầy giải trí và điểm 8 của nhan sắc (theo đánh giá nông cạn của tớ), còn sau khi đọc xong sách rồi, hơn bốn trăm chương của Đừng bao giờ buông dao đã rất ngang nhiên mà đá bay bộ film đi để chễm trệ chiếm lấy vị trí cao hơn trong lòng tớ, y như cách một em gái trà xanh chen chân vào cuộc tình đang hồi thắm nồng son rỗi của cặp đôi đũa lệch khốn khổ, hoặc một bà vợ cả bị lãng quên đội mồ sống dậy xử đẹp tiểu tam cướp chồng cướp của. Gì cũng được.

Tuy là cũng một thiết lập thế giới, cùng là những nhân vật ấy, nhưng rõ ràng cách mà hàng nguyên tác sử dụng chúng tốt hơn hàng chuyển thể rất nhiều. Những tình tiết được sắp xếp có lý hơn, hành động của nhân vật được cho một background đầy đủ hơn và vì thế, trở nên dễ đồng cảm hơn, không gây ức chế và cũng không khiến những đứa già đầu như tớ cảm thấy chán ngán (một điều mà tớ rất hay bắt gặp trong những tác phẩm YA. Ý tớ là, tớ quá tuổi để đọc về những đứa trẻ vị thành niên không hiểu chuyện và coi mình là trung tâm của vũ trụ rồi). Những câu hỏi còn bỏ ngỏ hay những plot hole bất hợp lý trong film đều được giải đáp phần nào trong sách (Tất nhiên, chỉ là phần nào thôi, chứ không thì tập hai và tập ba để làm gì cơ chứ)

Tuy là đặt trọng tâm khắc họa khác nhau, nhưng điều mà cả sách và phim đều gây ấn tượng với tớ chính là cách khắc họa bối cảnh “Tân Thế Giới”. Thị trấn biệt lập Prentiss nơi nam chính Todd Hewitt đang sống là một nơi u ám, tối tăm, ồn ào, điên loạn, không có hy vọng. Ở nơi ấy, việc không hề có lấy một người phụ nữ, và gần như tất cả những người đàn ông trong đó đều có thể nghe được suy nghĩ của nhau khiến con người dễ dàng phát điên, dễ dàng sa đọa hơn bao giờ hết (Trong sách gọi là “Tiếng Ồn”, trong film gọi là “Nhiễu”).

Tình huống truyện rất thú vị, nhưng nó cũng như một con ngựa bất kham vậy, khi chỉ cần lơ đễnh một chút thôi sẽ tuột khỏi con đường logic. Nếu mọi nam giới đọc được ý nghĩ của nhau rồi thì làm thế nào để có những âm mưu bí mật? Làm thế nào để một đứa bé mới mười ba tuổi, bị bưng bít khỏi mọi thứ chống lại được cả một phe phản diện lão luyện thâm độc khi cậu ta chẳng hề có bàn tay vàng hay bất cứ lợi thế nào? Và làm sao để tận dụng cái chi tiết “tiếng ồn” đó thật hợp lý?

Film đã nhiều lần trật đường ray, thậm chí còn cố biến tiếng ồn thành một khả năng quá OP để xứ lý cho những tình huống cuối phim, nhưng truyện thì làm việc đó tốt hơn nhiều. Đừng bao giờ buông dao khắc họa tiếng ồn như một điều khủng khiếp, khủng khiếp đến nỗi nó đã góp phần khiến chữ Y trong cụm YA trở nên mờ nhạt như mây cuối trời, khi mà người ta hầu như chẳng thế giấu khỏi nhau bất cứ điều gì, dù là những góc xấu xa nhất, những điều kinh tởm nhất, tựa như trần truồng giữa biển dao. Không có nơi nào để lẩn trốn, không thể tránh được những điều xấu xa đang nhuốm len người. Một thế giới có tiếng ồn là một thế giới quá sức phù hợp cho sự xấu xa của loài người. Chính nhờ có một thế giới sống động như vậy làm phông nền, chuyến hành trình của hai nhân vật trở nên gay cấn hơn, nguy hiểm hơn và đáng ngóng trông hơn, những mất mát họ trải qua cũng trở nên ác liệt và có sức nặng hơn. Đôi khi, sự tàn khốc của Tân Thế Giới còn khiến tớ quên mất rằng hai nhân vật chính của chúng ta vẫn chỉ là hai đứa bé.

Lại nói về nhân vật, những con người trong cuốn sách, đặc biệt là hai nhân vật chính Todd và Viola tất nhiên đã được cho nhiều không gian để phát triển hơn là phiên bản đẹp trai xinh gái của họ trên màn ảnh rộng. Họ được cho một cá tính rõ ràng và hành động đúng như thiết lập ban đầu của mình, họ có quá trình phát triển rõ ràng và cũng có những hành trình riêng phải vượt qua. Nhờ có những trang sách, tớ thông cảm hơn với những hành động của Todd, thích thú hơn với sự chín chắn Viola và yêu mến hơn mỗi tương tác giữa họ.

Nếu ai xem phim rồi mà không thích quá trình bị đốn ngã quá nhanh trước sắc đẹp của Todd thì cứ yên tâm mà đọc truyện đi nhé, vì trong truyện thì mối quan hệ giữa cậu bé cứng đầu chưa từng thấy phụ nữ và cô bé từ trên trời rớt xuống này được mô tả có lý hơn hẳn, đầy đủ các quá trình từ ghét bỏ, hoài nghi đến gắn bó, tin tưởng, đặc biệt những cảnh thân mật hầu như không đó, đỡ đi một phần sướt mướt ngại ngùng, cũng khá phù hợp với độ tuổi của Todd và Viola trong truyện (em nó còn nhỏ các bác tha cho em nó đi). Tiếc là những tương tác đó không được mang lên film, vì tớ biết chắc chắn Tom Holland và Daisy Ripley sẽ diễn rất tốt những phân cảnh này.

Ngoài ra, tuyến phản diện trong truyện cũng được xây dựng khá tốt, nhất là phản diện chính. Ông ta thật sự nguy hiểm, ông ta dai dẳng, có cả đầu óc, tầm ảnh hưởng và sức mạnh. Phe của ông này bá đạo đến nỗi tớ thậm chí chưa thấy được một cơ may chiến thành nào của phe chính diện, khi tất cả những gì chúng ta có là hai đứa bé đơn độc. Nhưng cũng chính vì họ bá đạo quá, nên tớ lại đâm ra thắc mắc rằng những người như thế thật ra đâu cần phí thời gian quan tâm đến nam chính nhỉ? Họ hoàn toàn có thể bóp phát chết queo cả hai đứa bé của chúng ta mà, sao cứ dây dưa để tụi nó sống qua hết bốn trăm trang thế? Todd và Viola thì có vai trò sống còn gì trong kế hoạch điên rồ của phản diện chính? Sách có giải thích lý do, nhưng tớ vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục, hy vọng mọi thứ sẽ sáng tỏ hơn ở những tập sau.

Tớ bắt đầu cuốn sách Đừng bao giờ buông dao này chỉ vì tò mò, và vì anh đẹp trai nữa, nhưng rồi vẻ đẹp tâm hồn của nó mới là thứ giữ tớ tiếp tục cuộc hành trình, dẫu là cuộc hành trình không quá dễ chịu, dẫu là vẫn còn khá nhiều băn khoăn. Tập một kết thúc ngay khúc plot twist đang lật tung trời, để lại cả nùi nút thắt chưa được mở và những vấn đề chỉ mới vừa được sờ đến. Lúc này, tớ chẳng còn biết làm gì khác ngoài bó gối há mỏ đợi tập hai tập ba được dịch tiếp trong đau thương mà thôi. May mà Nhã Nam đã nói sẽ không để series này chết yểu, nên tớ vẫn còn chưa vật vã lắm, mong sao tập một nhà tớ sẽ sớm ngày đoàn tụ với hai đứa em nó, mang tới cho tớ một cái kết thỏa mãn.

Leave a Reply

error: Content is protected !!