Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi Và Câu Chuyện Về Người Chiến Sĩ Trẻ!

Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi Và Câu Chuyện Về Người Chiến Sĩ Trẻ!

Người ta viết nhiều về tuổi trẻ và cuộc đời, ắt hẳn đây là một chủ đề đã quá quen thuộc với chúng ta. Tùy vào trải nghiệm của mỗi người, ta thấy được rất nhiều điều của cuộc sống từ những góc nhìn đa dạng. Tôi đặc biệt thích những tác phẩm viết về cuộc sống qua con mắt của những người trẻ, có lẽ chính vì cái nhiệt huyết, hoài bão cũng như cái non nớt chưa trải hết sự đời được thả vào từng câu văn đã nhóm lên ngọn lửa trong mỗi người cũng như sự đồng cảm khi dường như bản thân mình là nhân vật chính trong câu chuyện. Và, Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi – Tập nhật ký của Liệt sĩ Nguyễn Văn ThạcCuốn sách đầu tiên và cũng là cuốn sách tâm đắc nhất tôi từng đọc – Thực sự là một cuốn sách đáng đọc cho những người trẻ, nó cho ta thấy cách nhìn nhận khác về cuộc sống, để người trẻ thời nay biết được cuộc sống trân quý biết bao nhiêu.

Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi

Sự đặc biệt của cuốn sách không chỉ là nội dung trong đó mà còn là tác giả của nó. Nhân vật này có lẽ cũng không xa lạ gì với nhiều người Việt Nam ta ở mọi lứa tuổi. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Nguyễn Văn Thạc, con người ở một thời mà đến được với mọi thời, tấm gương sáng trong muôn triệu tấm gương của thế hệ trẻ Việt Nam cả trong thời chiến lẫn thời bình. Nói về Nguyễn Văn Thạc, người ta nhớ tới một chàng thanh niên Hà Nội thông minh, học giỏi và chịu khó. Nhắc đến Nguyễn Văn Thạc, người ta nhớ tới anh lính binh nhì tràn đầy lý tưởng sống cao đẹp, giản dị và cao cả. Anh đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972, khi chưa đầy 10 tháng tuổi quân và 20 năm tuổi đời. Anh đã viết nên tập nhật kí này không phải dưới tư cách là một nhà văn mà là một anh lính trẻ, một con người trẻ viết nên những dòng tự sự của chính cuộc đời mình.

Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi hay là chuyện đời bi tráng của chàng trai giỏi văn nhất miền Bắc một thời” (Lời tựa của nhà thơ Đặng Vương Hưng).

Cuộc đời của anh Nguyễn Văn Thạc dần dần được hé mở qua những trang nhật ký. Tôi thực sự ấn tượng bởi từng lời tự sự của anh. Anh viết về cuộc đời theo một cách rất gần gũi cũng rất chân thực. Mà cũng không có gì để nghi ngờ về độ chân thực của nó vì đây vốn là nhật ký – nơi gửi gắm những suy nghĩ thực nhất của con người. Với những ai có thói quen viết nhật ký, Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi sẽ đem đến cho mọi người những quan niệm sâu sắc của Nguyễn Văn Thạc về việc ghi nhật ký:

“Nếu như người viết nhật ký là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn nhật ký đó sẽ chân thực nhất, sẽ bề bộn và sầm uất nhất – Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đây những suy nghĩ tồi tệ nhất mà họ thực sự có. Nhưng nếu nhật ký mà có thể có người xem nữa thì nó sẽ rất khác và khác nhiều. Họ không dám nói thật, nói đúng bản chất sự kiện…người viết tự lừa dối ngòi bút của mình, lừa dối lương tâm của mình” (Trang 226)

Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi là những ghi chép về những điều mắt thấy tai nghe, những điều Nguyễn Văn Thạc cảm nhận được về cuộc sống trong quân ngũ. Anh viết nhiều và qua từng câu nhật ký của anh, ta có thể biết thêm được về tình hình và suy nghĩ của người trẻ lúc bấy giờ của đất nước, khoảng thời gian mà cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn mới, chiến trường miền Nam ngày càng gay go và ác liệt.

Chiến tranh có lẽ là thứ mà không ai mong muốn, nó đem tới cảm giác nặng nề, đau thương và chết chóc. Nhưng trong Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi, hiếm khi ta thấy Nguyễn Văn Thạc viết về điều này. Anh viết với một tâm thế lạc quan, sẵn sàng ra trận bảo vệ Tổ quốc, có những cái nhìn tích cực về cuộc đời.

Có đôi khi anh rơi vào trạng thái chán nản nhưng đây chỉ là tâm trạng bình thường của một người trẻ, ai chẳng có những lúc cảm thấy bế tắc, ai chẳng có những ngày tưởng chừng như cả trời đất chìm trong mây đen xám xịt. Nếu anh cứ viết mãi với những dòng nhật ký vui tươi, lúc đó, liệu đây có phải là điều bình thường, liệu đây có còn đúng với quan niệm viết nhật ký của anh?

Chắc nhiều người sẽ tưởng rằng Nhật ký sẽ rất nhàm chán, khi mới nhận được cuốn sách, tôi cũng nghĩ vậy, cuộc đời của một anh bộ đội với những sự việc ngày này qua tháng khác trong quân ngũ thì có gì thú vị chứ? Nhưng không, Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi sẽ làm mọi người thay đổi hoàn toàn cái nhìn về thể loại nhật ký cũng như cuộc sống trong quân ngũ.

Khi cuộc đời anh Nguyễn Văn Thạc được hé mở, ta sẽ thấy được những điều lôi cuốn người đọc, khiến ta không nỡ bỏ đi một trang nào. Sự lôi cuốn ấy một phần cũng nhờ những khung bậc cảm xúc được lột tả chân thực của anh Nguyễn Văn Thạc. Là một học sinh giỏi văn và đã từng đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc lớp 10 ( năm 1969- 1970), Nguyễn Văn Thạc đã viết lại cuộc đời mình như một tác phẩm nghệ thuật. Anh viết nhật ký như viết văn với những dòng chân thực mà gần gũi.

Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi

Một vài điều thú vị cũng đã được nhắc đến ở phần đầu cuốn sách. Kể đến là nhân vật thường xuyên xuất hiện trong những dòng nhật kí của Nguyễn Văn Thạc – Như Anh – người con gái anh thường nhớ tới. Tình yêu chưa bao giờ dễ dàng và đặc biệt là trong hoàn cảnh chia cắt của chiến tranh, có người ra đi và cả những người ở lại. Qua Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi, tôi còn thấy được tình yêu của những người trẻ, nồng cháy, da diết, nhung nhớ, ngây thơ, những cung bậc cảm xúc của người trẻ khi yêu. 

“Có lẽ nhắc Như Anh ra khỏi nhật ký thôi, bởi vì nỗi nhớ  Như Anh là chuyện hằng ngày, không cần phải nhắc nhở nhiều mà nhàm” (Trang 137).

Cứ nói vậy, nhưng trang nào mà anh chẳng nói đến Như Anh, lấy cô làm động lực hành quân. Tôi thực sự cảm phục tình yêu của những người trẻ thời bấy giờ, chia xa và những hy sinh cao cả, dành tình yêu của mình hòa vào tình yêu chung với Tổ quốc. Những áng văn anh viết tặng cô chẳng khác chi câu chuyện ngôn tình.

Một điều khá thú vị được nhắc đến trong Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi nữa là những lời tiên tri của Nguyễn Văn Thạc và sự kiện ngày 30.4.1975. Anh có những linh cảm về ngày này tận 4 năm trước:

“Bất kì một sự vinh quang nào cũng cần phải trả bằng một giá. Và khó khăn gian khổ ngày càng nhiều, sự vinh quang đó càng trở nên rực rỡ. Chúng ta đừng đi tìm những chân lý sâu xa đơn thuần qua những áng văn, bài thơ và bài toán. 30-4-1975, T. sẽ trả lời P. câu Hạnh phúc là gì?”

Nếu chỉ một lần, tôi chỉ xem như đó là trùng hợp, nhưng không, anh cứ như biết trước được tương lai, luôn nhắc Như Anh để trả lời Hạnh phúc là gì vào ngày 30.4.1975.

Tùy vào mỗi người mà cảm nhận về cuốn sách lại khác nhau. Còn nhiều điều thú vị nữa mà chắc hẳn mọi người sẽ tìm thấy được khi đọc Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi.

“Ngày mai, ngày kia…Phải để lại tất cả đằng sau. Tôi không thể cho ai đọc những dòng suy nghĩ này. Trừ khi tôi không còn sống mà gìn giữ nữa” 

“Kẻ thù không cho tôi ở lại – Phải đi – Tôi sẽ gửi về cuốn Nhật ký này, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt…”

Anh không muốn ai đọc được những dòng nhật ký này trừ khi anh không còn nữa và cũng hy vọng sẽ có ngày trở về để viết tiếp. Nhưng ngày đó đã không đến, anh ra đi để lại những dòng dang dở. Mà có lẽ, chính sự dang dở này đã tạo nên sự đặc biệt của của sách. Những dòng nhật ký cuối cùng có lẽ là những dòng khiến tôi thấy hụt hẫng nhất, cứ như xem phần một bộ phim dài tập và nhân vật tôi yêu thích sẽ không còn xuất hiện nữa.

“Ask not what country can do for you, ask what you can do for country”.

Tạm dịch: “Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc” là một trong những câu nói nổi tiếng của vị tổng thống Mỹ trẻ tuổi nhất – John F. Kennedy.

Đọc Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi, tôi chợt nhớ tới câu nói này. Chúng ta đang sống trong thời kì hòa bình, không chiến tranh, không bom đạn, vậy mà nhiều người trẻ cứ than vãn, đổ lỗi, ngụy biện cho cuộc sống vô nghĩa của mình. Không chiến tranh vất vả như cuộc sống của anh Nguyễn Văn Thạc, nhiệm vụ hàng đầu mà người trẻ thời nay nên làm là ra sức học tập, phấn đấu cống hiến cho xã hội, đất nước hay chỉ đơn giản là sống sao cho có ích, đừng để tuổi thanh xuân trôi qua vô nghĩa. Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi có lẽ sẽ là một sự lựa chọn cho những người đang cảm thấy bế tắc với cuộc sống, cần động lực sống tốt hơn, càng thêm quý trọng từng giây của cuộc sống.

“Ừ, nếu như tôi không trở lại – Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này”.

Là những con người Việt Nam của thế hệ sau, đặc biệt là những người trẻ, hãy viết tiếp trang lịch sử hào hùng của dân tộc, viết tiếp những dòng dang dở của anh Nguyễn Văn Thạc.                                 

Nguyễn Văn Thạc xem tập nhật ký này là “một mớ tùm lum, xám xịt như căn bếp bỏ hoang”, tôi thì không, tôi xem đây là một tác phẩm nghệ thuật. Anh viết văn như lời kể gần gũi, thân quen, viết nhật ký như những tác phẩm văn học.

Anh lính binh nhì đã khép lại cuốn nhật ký của đời mình. Cảm xúc đọng lại sau cùng của tôi có lẽ là cảm giác tiếc nuối, cứ như đã đi qua một đời người. Anh còn quá trẻ, còn bao nhiêu ước mơ, hoài bão,…và còn cả Như Anh, anh vẫn chưa kịp chào tạm biệt. Có lẽ những điều này mãi mãi còn lại ở tuổi hai mươi – cái tuổi đẹp nhất của đời người.

Mãi Mãi Tuổi Hai Mươi đích thực là một tác phẩm, tuy dang dở mà trọn vẹn. Tôi phải cảm ơn anh – người chiến sĩ trẻ, cảm ơn anh đã cho tôi thấy một thế hệ thanh niên kiên cường, dũng cảm. Những con người đã làm nên chiến thắng hào hùng, vẻ vang của dân tộc, cho tôi thấy sự sẵn sàng hy sinh anh dũng của những người chiến sĩ vì sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc. Cảm ơn anh đã truyền động lực, tinh thần cho thế hệ trẻ, anh sẽ mãi là tấm gương sáng rọi cho thế hệ thanh niên Việt Nam.

Leave a Reply

error: Content is protected !!