Những tiểu thư hồi giáo – “Một trong những cuốn sách có sức mạnh làm rung chuyển cả một xã hội thủ cựu”

Những tiểu thư hồi giáo – “Một trong những cuốn sách có sức mạnh làm rung chuyển cả một xã hội thủ cựu”

“Một trong những cuốn sách có sức mạnh làm rung chuyển cả một xã hội thủ cựu” (Los Angeles Times).

Chúng ta thường biết đến Ả Rập Xê Út qua những câu chuyện rất lãng mạn, nhiều yếu tố thần thoại và giàu tính nhân văn trong Nghìn lẻ một đêm. Hay qua những bản tin thời sự nhuộm màu chính trị về một nơi đã sinh ra Bin Laden và những kẻ khủng bố nguy hiểm khác. Nơi phụ nữ mặc những bộ Abaya chỉ một màu đen và trùm kín người, chỉ để lộ cặp mắt, bàn tay và bàn chân. Một đất nước giàu có mà gần như nhà nào cũng có một giếng dầu ngay trong sân nhà mình.

Rajaa Alsanea- Một nữ nhà văn trẻ sinh năm 1981, lớn lên tại thủ đô Riyadh (Ả Rập Xê Út) trong một gia đình bác sĩ. Cô tốt nghiệp đại học King Saul rồi theo học cao học tại Mỹ. Rajaa Alsanea sẽ tiết lộ một mặt khác của đời sống Ả Rập Xê Út.

Một xã hội đáng kinh ngạc, nơi những cuộc hôn nhân bị sắp đặt như thời Trung cổ, nơi vào ngày Valentine các cửa hàng nếu bán bất cứ loại hoa nào màu đỏ sẽ bị xử phạt, nơi mà một cô gái có thể bị bắt giam bởi vì Cảnh sát tôn giáo bắt gặp cô đang trò chuyện với một chàng trai trên phố… Tất cả những câu chuyện gây xửng sốt ấy sẽ được kể thông qua những câu chuyện của bốn cô gái Gamrah, Michelle, Sadeem và Lamees- Những tiểu thư Hồi giáo.

[su_button url=”https://fast.accesstrade.com.vn/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fnhung-tieu-thu-hoi-giao-p429490.html” target=”blank” style=”flat” background=”#ef2d30″ size=”6″ rel=”nofollow”]MUA SÁCH TRÊN TIKI[/su_button]

 

Vị thế của phụ nữ và đàn ông trong xã hội Ả Rập Xê Út.

 

Những người phụ nữ ở đất nước này, “họ đều sống dưới cái bóng của một người đàn ông, hoặc một bức tường, hoặc một người đàn ông là bức tường”. Mỗi phụ nữ đều phải có một người giám hộ là nam giới. Những người cha không chỉ là trụ cột trong gia đình mà còn là người giám hộ của con gái họ cho tới khi chúng kết hôn. Chính vì điều đó, phụ nữ gần như không được làm chủ cuộc sống của chính mình. 

Câu chuyện của Sadeem và Waleed- câu chuyện tình điển hình trong đời sống Ả Rập Xê Út chính là bức tranh khắc họa rõ nhất sự khác biệt vị thế giữa đàn ông và phụ nữ. Trong bản hôn ước của họ, chỉ Waleed được ký tên, còn Sadeem không được phép, “Đạo trưởng đã nói phải là dấu vân tay chứ không phải là chữ ký. chỉ đàn ông mới được ký tên thôi.”.

Mỗi người sinh ra đã được tạo hóa “chỉ định” một hình dáng dấu vân tay. Nhưng chữ ký lại là thứ mỗi người tự tạo ra cho chính mình, là cách họ thể hiện cá tính riêng, là một phần bản ngã con người họ. Việc chỉ cho phép phụ nữ được đóng dấu vân tay vào hôn ước như cách mà xã hội Ả Rập Xê Út phủ quyết mọi quan điểm và ý kiến của người phụ nữ trong chính cuộc hôn nhân của mình. Là cách gián tiếp mà xã hội và pháp luật thừa nhận đàn ông chính là kẻ chi phối cuộc đời một người phụ nữ sau khi kết hôn.

Sadeem và Waleed chưa thực hiện hôn lễ trên nghi thức. Nhưng họ đã ký hôn ước, tức là về mặt pháp luật, Sadeem đã là vợ Waleed. Waleed cũng đã từng phê phán Sadeem khi cô ngăn lại trước khi họ “đi quá giới hạn”, anh ta nói rằng “Cô đã là vợ anh theo giáo lý của Đức Allah và nhà tiên tri của người”.

Vậy mà khi Sadeem cho phép anh ta làm điều mà anh ta luôn thúc đẩy cô, thứ cô nhận lại được là bản ly hôn với không một lời giải thích. “Tại sao anh ta khuyến khích cô làm một việc sai trái để rồi sau đó bỏ rơi cô?”. Sau cuộc hôn nhân chóng vánh nhưng nhiều nước mắt, đau khổ và bàng hoàng đó, cuối cùng Sadeem mới nhận ra, “anh ta tin rằng mọi cô gái đều tội lỗi cho tới khi họ được chứng minh là trong sạch”.

Phẩm giá của một cô gái không được đánh giá qua học thức, qua cách ứng xử của cô ấy. Mà nó được đánh giá qua sự cả tin và trót tin tưởng mà trao cái ngàn vàng cho người đàn ông thậm chí đã là chồng của cô trên mặt pháp luật. Cái “người chồng” ấy muốn nhìn thấy không phải là tình yêu của cô dành cho anh ta mà là cô có vượt qua được “bài kiểm tra” phẩm giá từ thứ tư tưởng, giáo lý cổ hủ của anh ta không.

 

Tình yêu bị đối xử như một vị khách không mời mà đến.

 

Yêu thương là quyền tự do của con người trong mối liên hệ với yếu tố nhân quyền trên cơ sở tình yêu. Vào ngày Valentine- ngày lễ để mỗi người được bày tỏ tình yêu với người họ cảm mến.  Thì tại Ả Rập Xê Út ngày này bị cấm, “pháp luật quy định án phạt và mức phạt đối với các chủ cửa hàng hoa, nếu bán hoa hồng, ngay cả khi họ chỉ bán cho khách VIP theo những cách thức rối rắm và loằng ngoằng nhất như thể chúng là hàng cấm.”, “tình yêu bị đối xử như một vị khách không mời mà tới”.

Tại các trường học vào ngày Valentine các học sinh nữ cũng bị kiểm tra nghiêm ngặt để tránh họ mặc quần áo màu đỏ đến trường, họ thậm chí sẽ bị trả về nhà ngay khi có “dấu hiệu dù nhỏ nhặt nhất của Tội ác màu đỏ ở trên người, dù chỉ là một cái dây buộc tóc”.

Ả Rập Xê Út là một trong số ít những nước có “Cảnh sát tôn giáo” họ tuần tra trên đường phố “chỉ thị điều thiện và trừng trị điều ác” bằng cách buộc người dân tuân thủ luật về trang phục, tham dự cầu nguyện 5 lần mỗi ngày và phân tách nghiêm ngặt nam giới và nữ giới … Lamees cô sinh viên Y khoa năm cuối một lần ngồi trong quán cà phê cùng anh chàng Ali ngọt ngào mà cô cảm mến, hai người đã bị một toán Cảnh sát tôn giáo ập tới và giải thẳng tới trụ sở của tổ chức này để thẩm vấn. “Họ dùng những lời lẽ tục tĩu và bắt cô phải nghe nhưng từ làm cô phát ngượng ngay cả với đám bạn gái thân thiết nhất”. Tình yêu mới chớm nở của cô gái trẻ bị dập tắt bởi một cú sốc mà có lẽ Lamees sẽ mãi bị ám ảnh.

 “Với rất nhiều cặp đôi yêu nhau ở đất nước này, điện thoại dường như là phương tiện duy nhất để họ bày tỏ tình yêu. Đường dây điện thoại ở Ả Rập Xê Út  chắc hẳn phải dày và nhiều hơn bất cứ nơi đâu, vì chúng phải tải tất cả những lời than thở mà các đôi tình nhân trao cho nhau, những tiếng thở dài, những lời than vãn và những nụ hôn mà họ không thể thực hiện trong thế giới thực- hoặc do họ không muốn thực hiện bởi những giới hạn của phong tục và tôn giáo mà một số người thực sự tôn trọng và đề cao.”

Một xã hội “thù địch” với tình yêu một cách công khai, không hề che đậy. Chính vì có một nền tảng như vậy sự sắp đặt hôn nhân, giống như một câu chuyện rất thường nhật của đất nước này. Trong một đám cưới, theo tục lệ sẽ có một bàn riêng dành cho những cô gái trẻ độc thân và “trở thành cục nam châm hút các cặp mắt liên láo của các bậc mệnh phụ, mẹ của những anh chàng đang ở tuổi cập kê”.

Chỉ một cảnh nhỏ như vậy thôi, cũng đủ thấy, phụ nữ chỉ giống như một món hàng được hết gia đình này, tới gia đình kia tuyển chọn. Như những điều mà Michelle nhận ra sau khi chứng kiến tình yêu của mình nắm tay một người phụ nữ khác trong lễ cưới của anh ấy: “Đằng sau nụ cười, nhiều cô dâu chú rể đang che giấu khao khát và trái tim đau buồn vì bị ngăn cản lựa chọn bạn đời”

 

Đàn ông có phải là những kẻ có quyền lực chi phối sau cùng?

 

Dường như tất cả những tinh hoa hiện đại và tiến bộ đều phải lùi bước trước một “xã hội thủ cựu” như xã hội Ả Rập Xê Út. Điều gì đã khiến một tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài, học rộng hiểu sâu như Firas- Người mà ai cũng những tưởng rằng, anh ta đủ khả năng để quyết định mọi điều trong cuộc sống của mình lại có một lựa chọn hèn nhát là từ bỏ người con gái đã cùng anh ta gắn bó 4 năm thanh xuân để phục tùng ý muốn bảo thủ, lạc hậu của gia đình?

Waleed- người chồng trên danh nghĩa pháp luật của Sadeem- một Kỹ sư thông tin, công chức bậc bảy, con trai ông trùm địa ốc trong nước … – Một người trưởng thành trong môi trường học thức như vậy, nhưng anh ta lại đánh giá phẩm hạnh của một cô gái dưới con mắt của một kẻ sùng đạo và cực đoan, anh ta đã khuyến khích Sadeem hiến dâng cho anh ta. Nhưng khi cô đồng ý thì anh ta nghĩ cô là một người dễ dãi, không xứng đáng với anh ta, cuối cùng là bỏ rơi cô.

“Liệu có phải đường ranh giới mà tôn giáo của họ xác định cũng trùng với các ranh giới trong đầu người đàn ông Najd bảo thủ đó không?”. Cuối cùng thì học thức của người đàn ông kia chỉ khẳng định địa vị của anh ta trong xã hội, anh ta cuối cùng vẫn chỉ là con rối dưới bàn tay một xã hội bảo thủ, mê muội.

Trong xã hội Ả Rập Xê Út, những gã đàn ông chúng ta tưởng rằng họ nắm giữ sợi dây cương trên cổ người phụ nữ. Nhưng thực ra, họ cũng chỉ là con ngựa bị hủ tục và những quan niệm bảo thủ trong gia đình và ngoài xã hội giật dây. Một Michelle “với vẻ đẹp đậm chất Najd và cá tính người Mỹ” sẽ không phải là người con dâu được lựa chọn trong một gia đình hoàn toàn truyền thống, “với khoảng cách khổng lồ trong nền tảng xã hội mà hai quốc gia đã tạo ra giữa họ”. Faisal yêu Michelle hơn cả cô yêu anh, nhưng “anh thậm chí còn không cố phản đối mẹ vì việc đó sẽ chẳng ích gì”, “anh yếu đuối thụ động và phục tùng ý chí của cái xã hội đã làm tê liệt các thành viên của nó”, xã hội đó “họ không tin vào tình yêu! Họ chỉ tin vào những niềm tin và truyền thống được truyền lại qua các thế hệ.”

Những người đàn ông ấy, “họ là nô lệ của những hủ tục và truyền thống lâu đời cực kỳ bảo thủ dù đầu óc được học hành khai sáng của họ giả vờ bác bỏ những điều đó! Đó là cái khuôn đúc ra tất cả đàn ông ở cái xã hội này. Họ chỉ là những con tốt mà gia đình họ di chuyển trên bàn cờ thôi!”

 

Khát khao yêu thương của những tâm hồn bị giam hãm.

 

Phải chăng vì tình yêu bị giam hãm mà con người ta càng trở nên khao khát được yêu, đôi khi khao khát tới mức khờ dại, bất chấp cả lòng tự tôn của bản thân. Trong một xã hội nhiều mâu thẫu như Ả Rập Xê Út, nơi con người dường như còn không được quyền sống theo mong muốn và ý chí của bản thân. Ở đó còn không những niềm vui và hạnh phúc thật sự? 

Câu trả lời là có! Có một Gamrah ngốc nghếch những tưởng có thể dùng đứa con để níu kéo người chồng chẳng hề thương yêu gì cô, người đã lạnh nhạt, đánh đập và sỉ nhục cô vì người phụ nữ mà anh ta đang ngoại tình. Dù bị người chồng ruồng bỏ khi cô còn đang mang thai đứa con của anh ta, Gamrah đã kiếm được công việc đầu tiên của mình, đã tự tin đứng vào giữa những cô gái độc thân để chờ bắt bó hoa cưới từ cô dâu vì “vào thời điểm tung hoa thì cô vẫn chính thức là người độc thân và sẵn lòng tái hôn lắm rồi.”. 

Có một Sadeem đã mạnh mẽ vượt qua được thứ tình yêu điên cuồng và khờ dại của mình, thứ tình yêu “cô có thể hằng đêm chờ đợi cho đến khi anh ta điện thoại tán tỉnh vợ sắp cưới xong, rồi mới được tự do tán tỉnh cô”. Có một Michelle vẫn giữ được tinh thần tự do của mình, đủ mạnh mẽ để đến dự lễ cưới người cô từng yêu và cũng từng khiến cô tột cùng đau khổ. Cô đã dành cho người đàn ông yếu đuối kia một sự trả thù ngọt ngào và cũng day dứt nhất. Còn có một Lamees viên mãn hơn cả với cuộc sống cùng người chồng mà cô đã lấy vì tình yêu chứ không phải là một cuộc hôn nhân sắp đặt.

Phải chăng loài hoa của một vùng đất khắc nghiệt thì cũng thường có sắc màu rực rỡ, sinh động và mạnh mẽ hơn những loài hoa khác? “Quả thực, Đức Allah không thay đổi hoàn cảnh của một dân tộc chừng nào họ chưa tự thay đổi chính mình.” (Kinh Qu’ran, Surat Al-Ra’d).

Bài Review được đóng góp bởi Cộng Tác Viên Hà Thúy Ngà

Leave a Reply

error: Content is protected !!