Review “Những người đàn ông không có đàn bà”: Bình tĩnh đến kỳ lạ.

Review “Những người đàn ông không có đàn bà”: Bình tĩnh đến kỳ lạ.

Có lẽ đối với những người yêu thích văn học Nhật thì cái tên Haruki Murakami không còn quá xa lạ, một hiện tượng “siêu thực”, một thiền sư trong thế giới văn chương, một Leo của Nobel văn học. Nhưng có lẽ ngoài những danh từ mỹ miều ấy, biết đâu ông lại là một trong số “những người đàn ông không có đàn bà”?
“Trở thành những người đàn ông không có đàn bà đơn giản lắm. Đôi khi chỉ cần yêu sâu sắc một người và nàng biến đi đâu mất là xong.”

Đây là một tuyển tập truyện ngắn với bảy mảnh ghép: Drive My Car, Yesterday, Cơ quan độc lập, Scheherazade, Kino, Samsa đang yêu, Những người đàn ông không có đàn bà.
Nhã Nam có để lại một câu bình luận ngay bìa sách: “Bình tĩnh đến kỳ lạ.” 

Đúng là kỳ lạ, kỳ lạ đến siêu thực, mà kỳ lạ hơn thế đó là ngay trong hoàn cảnh câu chuyện kỳ lạ, thì nhân vật vẫn bình tĩnh, thản nhiên.


Người đàn ông không có đàn bà, bình tĩnh trong vai diễn không khán giả. Như Karuku, diễn vai một người chồng như bao người chồng khác dù biết rằng vợ mình ngủ với nhiều người đàn ông nữa, gã cố ý tiếp cận và diễn vai người bạn nhậu với tình nhân của vợ. Có biết bao câu hỏi, sự trả thù, những vết rách trong tim nhưng mọi thứ đều bỏ ngỏ, bởi đôi khi tìm được sự thật, biết được câu trả lời mà mình vẫn luôn kiếm tìm chẳng phải sẽ càng mệt mỏi, đau khổ hơn chăng?


Người đàn ông không có đàn bà, bình tĩnh trong những ngày trời mưa và cả những buổi nắng về. Như Kiratu, không thích sự an phận, sự “vốn phải là như thế của cuộc đời”. Có thể gã cứ yên lặng bên nàng Erika xinh đẹp như trước nay vẫn từng, nhưng không, gã chọn cách ra đi, ngay khi phát hiện Erika dần không chịu nổi sự quái dị của gã và lên giường với tên khác. Để rồi mười sáu năm sau, cả hai người vẫn cô độc, vẫn yêu nhau thật lòng, nhưng chuyện của họ vĩnh viễn là ngày hôm qua. “Hôm qua! Là hôm kia của ngày mai. Là ngày mai của hôm kia.”


Người đàn ông không có đàn bà, bình tĩnh ngay cả khi chết vì tình, theo nghĩa đen hoàn toàn. Như bác sĩ Tokai, người đàn ông hoàng kim, một cuộc đời phóng khoáng, “đi qua ngàn bụi hoa nhưng không dính một cuống lá”, cho đến khi anh ta biết yêu là gì. Tokai yêu như một bản năng, yêu thật lòng, yêu day dứt, yêu mệt mỏi trong cái tuổi trung niên ấy, với một người phụ nữ đã có chồng, có con. Và kể cả đến khi bị phản bội, bị biếng ăn, bị rút từng calo trong cơ thể, ra đi một cái đau đớn, như đột ngột lại như dai dẳng, thì Tokai vẫn yêu một cách “khi trái tim cô ấy cử động, lập tức trái tim tôi cũng bị kéo theo. Như thể hai con thuyền đang bị cột bởi một sợi dây thừng. Muốn cắt mà không tìm được vật sắc nhọn nào để cắt.”

Người đàn ông không có đàn bà, bình tĩnh bởi vì đã quá tổn thương. Như Kino, một ngày đi công tác về sớm, thấy vợ mình đang nằm cạnh người bạn thân nhất, trên chiếc giường gã vẫn nằm, trong chính ngôi nhà của gã. Kino nghỉ việc, mở một quán bar nhỏ, một con mèo, một cây liễu trước cửa, vài băng nhạc cũ, một vị khách quen tên Kamita. Không tổn thương ư? Có chứ, sao có thể không? Chỉ là khi quá sợ hãi đối mặt, con người ta bèn đóng hết các cánh cửa tâm hồn lại, trơ trọi một mình, rồi tưởng rằng mình mạnh mẽ, mình an ổn lắm. Cho đến một ngày ai đó gõ cửa, mới biết “phải rồi, mình đang tổn thương, tổn thương sâu sắc.”


Những người đàn ông không có đàn bà, bình tĩnh vì đã mất tất cả. Giống như “tôi” trong truyện ngắn cuối cùng, vào một đêm bình thường như bao đêm bình thường khác, một người đàn ông xa lạ gọi điện tự xưng là chồng của mối tình đầu của “tôi”, và thông báo rằng vợ mình đã tự tử chết. “Tôi” đã trằn trọc rất lâu, rất nhiều với những ký ức về nàng M, về tình yêu từ cái nhìn đầu tiên khi nàng bẻ đôi cục tẩy cho gã, về những “tên thuyền viên” tơ tưởng đến nàng, về âm nhạc thang máy nàng yêu thích, về nỗi đau khi nàng rời đi, về sự cô độc của gã, sự cô độc của chồng nàng. “Cùng với cái chết của nàng, tôi cảm thấy như phần mười bốn tuổi trong tôi cũng mất đi mãi mãi.” 


Tôi đã đọc lại phần cuối của câu chuyện rất nhiều lần, và phát hiện ra rằng có lẽ tác giả Haruki Murakami đang muốn truyền đạt thông điệp về mối tình đầu. Có gì đâu ngoài hai từ đẹp và buồn! Mất đi mối tình đầu là chuyện bình thường, thế nhưng nếu một ngày, họ biến mất khỏi thế gian, trái tim trong lồng ngực chúng ta vẫn vỡ vụn thêm lần nữa. Và mong ước của những người đàn ông, hay mỗi chúng ta đều giống nhau, rằng dù họ ở đâu, bên ai, dù không có “tôi”, nhưng vẫn mong người luôn hạnh phúc, an lạc.


“Có lúc, mất đi một người đàn bà là mất đi tất cả đàn bà.” Cô đơn nhưng không cô độc. Giống như bạn là một người đàn ông lạc trong “Nữ Nhi Quốc”, tay phải ôm nàng này, tay trái nắm nàng kia, nhưng không phải là người trong lòng thì dù đi đâu, làm gì, bạn vẫn sẽ thấy trong lòng trống rỗng, một sự cô đơn trống rỗng. Nếu cảm giác sâu thẳm trái tim bạn chính là như thế, thì xin chúc mừng, bạn đã là một trong “những người đàn ông không có đàn bà” “dưới dạng số nhiều lạnh lùng.”

 

Leave a Reply

error: Content is protected !!