Hãy chăm sóc mẹ – Lay động và ám ảnh

Hãy chăm sóc mẹ – Lay động và ám ảnh

Tác giả: Shin Kyung- Sook (Hàn Quốc)

Các giải thưởng nhận được: Giải thưởng Man Asian Literary Prize- giúp tác giả trở thành tác giả nữ đầu tiên đạt giải thưởng này.

Khi những người trẻ nhận ra rằng, mình đã không dành đủ sự quan tâm, tình yêu thương cho cha mẹ. Họ thường tự biện minh rằng, vì chưa là cha mẹ, chưa đứng ở vị trí đó, vì chưa đứng nên chưa thể thấu hiểu cặn kẽ. Nhưng đáng tiếc thay, khi đã có thể đứng cùng vị trí của cha mẹ lúc này, thì mỗi người cũng đã có những mối bận tâm lớn lao hơn- Con cái của họ. Người cha mẹ yêu thương nhất là con cái mình. Nhưng người mà con cái yêu thương nhất cũng lại là con cái của họ …

[su_button url=”https://fast.accesstrade.com.vn/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fhay-cham-soc-me-tai-ban-p386609.html” target=”blank” style=”flat” background=”#ef2d30″ size=”6″ rel=”nofollow”]MUA SÁCH TRÊN TIKI[/su_button]

Hãy chăm sóc mẹ bắt đầu với sự mất tích của người mẹ thôn quê ra thành phố thăm con nhưng lại bị lạc mất chồng ở nhà ga và không còn tìm được đường về nhà nữa. Những người con lục tìm ảnh bà để in vào tờ rơi nhưng sau cùng họ nhận ra rằng, họ không có nổi một bức ảnh trong thời gian gần nhất, một bức ảnh chân thực nhất về mẹ mình. Cuộc đời người mẹ ấy hiện lên qua những ký ức của những người thân. Nhưng đó không phải là tất cả con người bà. Người mẹ ấy còn có những bí mật mà bất cứ ai quen biết bà cũng không thể đoán ra.

Người phụ nữ nông thôn Hàn Quốc thời đại sau chiến tranh.

Chiến tranh chưa hẳn đã đáng sợ nhất, tàn dư chiến tranh mới khiến cuộc đời con người trở nên thảm hại biết mấy. Thời bấy giờ việc kết hôn của những người con gái không phải là chuyện đại sự, cũng chưa hẳn do cưỡng ép. Mà đó là cách để lẩn trốn an toàn nhất: “Thời gian đó, quân lính Bắc Triều tiên đói khát cứ tối đến lại kéo ra khỏi chỗ ẩn náu trên núi rồi tràn xuống cướp bóc làng mạc. Khi màn đêm buông xuống, những gia đình có con gái đến độ tuổi gả chồng lại cuống quýt mang con gái đi trốn.”.

Những người phụ nữ Hàn Quốc thời bấy giờ, họ không có quyền lựa chon ngôi nhà mình sẽ sống hết phần đời còn lại. Lấy người mà chỉ mới gặp mặt được một lần, chẳng biết tính cách ra sao, phẩm hạnh như thế nào. Nhưng cũng chính những người phụ nữ ấy phải oằn lưng gánh tất thảy những tất bật, nghèo khó từ nhà chồng. Những ngày lễ, ngày giỗ dường như chẳng có khi nào dừng lại, hết mùa hạ, mùa đông rồi trở lại mùa xuân.

Shin Kyung- sook kể câu chuyện của một người phụ nữ hậu chiến tranh, câu chuyện tưởng chừng “lạc hậu”, cũ kỹ lắm! Nhưng ở thời đại nào, đứng trước cương vị làm mẹ, làm vợ, người phụ nữ vẫn luôn giành thiệt thòi nhiều hơn về phần mình. “Người phụ nữ ấy đã phải quên đi niềm vui được sinh ra trong cuộc đời này, quên đi tuổi thơ và những ước mơ, lấy chồng trước cả khi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, sinh năm đứa con và nuôi nấng chúng”. Và trong mắt những đứa con, thật khó mà tưởng tượng hình ảnh mẹ không gắn liền với gian bếp. Nhưng đã bao giờ một đứa con có thể tách ra khỏi sự vị kỷ của mình mà hỏi rằng: “Mẹ có thích ở dưới bếp không? Mẹ có thích nấu nướng không?”

Tất thảy những hi sinh, khổ đau mà người phụ nữ mang tên Park So-nyo đã đi qua, những bệnh tật mà bà một mình âm thầm chịu đựng có đáng thương cảm đến vậy không nếu tất cả chỉ vì nghịch cảnh, vì xã hội chưa tiến bộ, vì nghèo đói? Không! Sự thờ ơ, sự không thấu hiểu từ những người thân, những người mà người phụ nữ ấy mỗi ngày thương yêu, chăm sóc mới là điều khiến người đọc phải đau như chính mình đang là kẻ mắc lỗi. Tình yêu không đòi hỏi đền đáp chính là thứ tình yêu thật nặng.

 Sẽ có không những đứa con, người chồng, dừng lại giữa những ngày vội vã của họ để nói với người phụ nữ ấy một lời xin lỗi, để hồi tưởng lại rằng họ đã được yêu thương như thế nào dưới bài tay chai sần ấy nếu không có một ngày người chồng vô tâm đã để lạc bà giữa nhà ga rộng lớn tấp nập người của thành phố Seoul? Những người đi qua, kẻ đi lại, họ vội vàng tới mức không nhìn thấy một bà già đang bần thần, một bà già đã quên mất chính mình là ai. Hình ảnh những đoàn người vô cảm ấy lướt qua mẹ, cũng giống như cách những người thân đã đi qua bà trong suốt nhiều năm tháng. Chỉ đi qua, chưa bao giờ dừng lại. 

Sự cương nghị, dũng cảm của mẹ chỉ dành để đấu tranh cho con.

Người mẹ Park So-nyo dưới ngòi bút của Shin Kyung- sook là một người phụ nữ nông thôn Hàn Quốc điển hình, chịu thương, chịu khó, chịu khổ cực hi sinh không một lời than trách, chưa bao giờ có suy nghĩ chống đối điều gì vì hạnh phúc riêng của bản thân. Nhưng chính người mẹ ấy đã đi ngược lại tất thảy những cam chịu đó, vượt qua sự phản đối của người chồng, vượt qua định kiến hạn hẹp, bảo thủ của xã hội để giành quyền được đi học cho con gái của mình. 

Người mẹ ấy cũng không màng tới việc, vì bà không lột da cá đuối trong lễ cúng tổ tiên mà những xui xẻo trong năm đều chuốc hết lên bà. Những chì chiết, những cay nghiệt không khiến bà đau bằng việc nhìn bàn tay con gái mình đỏ tấy ngâm trong chậu nước lạnh tưởng như sắp đóng băng để lột da cá đuối. 

Mẹ có thể bỏ đi, có thể chọn một cuộc sống khác, với người thật sự yêu thương mẹ ngày mà bố dẫn nhân tình về nhà. Nhưng mẹ đã mạnh mẽ trở về, mẹ đuổi người phụ nữ kia đi và vào bếp nấu cơm. Mẹ mạnh mẽ chỉ bởi con trai mẹ nói rằng, chỉ cần mẹ trở về nhà, anh sẽ trở thành một “công tố viên”. “Để có thể quay về nhà và giữ lời hứa với anh, mẹ gần như đã trở thành người tranh đấu”. 

Vì không được học hành, vì không có được cuộc sống sung túc hay hạnh phúc. Nên dường như người phụ nữ ấy coi ước mơ của con cũng là ước mơ của cuộc đời bà. Bà giành mọi sự tranh đấu mà bà chưa một lần dám nghĩ đến cho cuộc đời mình để tranh đấu cho cuộc sống của con.

“Anh đã không thể trở thành Công tố viên. Mẹ luôn coi đó là ước mơ của anh, nhưng anh đã không nhận ra rằng, đó cũng chính là ước mơ của mẹ. Anh chỉ nghĩ đó là ước mơ không thành của thời tuổi trẻ, chứ chẳng bao giờ thoáng nghĩ mình cũng đã phá hỏng những khát vọng của mẹ”.

“Sao chúng ta có thể nghĩ về mẹ ở cương vị một người mẹ suốt cả cuộc đời như thế cơ chứ?”

Hãy chăm sóc mẹ viết về một đề tài không mới. Nhưng Shin Kyung- sook lại có cách kể chuyện khác biệt. Người mẹ mà nữ tác giả xây dựng dù là hình mẫu điển hình của người phụ nữ Hàn Quốc thời bấy giờ. Nhưng người mẹ ấy cũng hoàn toàn có những tính cách rất riêng. Bà không phải người phụ nữ hoàn hảo, nhất mực giữ lễ nghĩa. Người mẹ ấy chỉ cố gắng hoàn hảo nhất trong mắt những người thân của mình. 

Mỗi người phụ nữ khi đã trở thành mẹ. Dường như họ chỉ mãi dừng lại ở cương vị đó trong mắt những đứa con của mình và trách nhiệm nặng nề của vai trò ấy luôn gánh nặng trên vai họ. Họ thậm chí có lẽ đã quên, mình cũng từng là một đứa trẻ, mình cũng từng mơ ước, từng khát khao ….

“Sao chúng ta có thể nghĩ về mẹ ở cương vị một người mẹ suốt cả cuộc đời như thế cơ chứ? Dù đã làm mẹ em vẫn có rất nhiều mơ ước của riêng mình và vẫn nhớ không sót một chuyện gì về thời thơ ấu, thời niên thiếu cũng như thời thiếu nữ của mình, thế nhưng tại sao ngay từ đầu chúng ta chỉ luôn nghĩ về mẹ như một người mẹ mà thôi” .

Song hành với việc làm mẹ, người phụ nữ cũng là chính họ. Có mệt mỏi, có cả những lúc ốm đau, yêu đuối. Và có cả những bí mật cất giấu … Mỗi người nhất định sẽ yêu ai đó trong cuộc đời mình, dù đó có là người phụ nữ lấy chồng từ khi mới lớn lên, lấy làm chồng người mà mình không yêu thương … Nhưng tình yêu vốn là thứ không song sắt nào ngăn nổi. Người mẹ trong câu chuyện của Shin Kyung- sook cũng có bóng dáng một người đàn ông như thế trong cuộc đời bà, một người đối với bà vừa là tội lỗi vừa là hạnh phúc. Có lẽ những đứa con của người phụ nữ ấy sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, người mẹ của mình đã đi qua được cuộc đời gian khổ của bà không nhờ người bố của họ, cũng không chỉ nhờ họ …

Mẹ cũng là phụ nữ- con người đầy trắc ẩn và nhạy cảm . Mẹ cũng yêu thương như bất cứ một cô gái trẻ nào. Dù mẹ có là mẹ của bao nhiêu đứa trẻ.Người mẹ trong tác phẩm của Shin Kyung- Sook cũng có những giây phút rất đỗi trẻ con. Dù rất giận người anh trai đã vay chồng bà một khoản tiền mà không trả, ngày anh trở về, nghe thấy tiếng anh ngoài cổng, người mẹ đã có năm đứa con ấy đã “nhìn ra cổng vào reo lên, “Anh trai!” rồi cứ để cả chân trần chạy ào về phía người đang đứng bên cổng”. Cũng người mẹ đó, rất khỏe mạnh, có thể cõng bố trên lưng trở về nhà mỗi khi ông say xỉn lại trở nên yếu đuối trước việc làm thịt một con cá đang còn quẫy đuôi và sợ hãi những con chuột.

Phải chăng bởi tất thảy những đắng cay phải đi qua, những cơn đau một mình âm thầm gánh lấy. Khi bị bỏ lại một mình trên ga tàu điện ngầm Seoul, người mẹ ấy bỗng quên tất cả, bà chỉ còn nhớ được những chuyện hồi lên ba. Nhớ những năm tháng ngây dại nhất cuộc đời một con người. Những năm tháng chỉ biết vui, chẳng thấm được nỗi đau buồn hay mất mát… Cuối cùng nơi mà người phụ nữ lạc lõng, lang thang ấy luôn muốn đến  lại chính là bên cạnh người mẹ của bà. Dù một người mẹ có thể hiện mẹ kiên cường bao nhiêu. Nhưng người mẹ ấy cũng luôn cần một người mẹ trong suốt cuộc đời mình- Người sẽ chở che, yêu thương và sẽ không bao giờ lãng quên bà.

“Mẹ có biết không? Con cũng luôn cần mẹ trong suốt cuộc đời mình”

Bài Review được đóng góp bởi Cộng tác viên Hà Thúy Ngà

Leave a Reply

error: Content is protected !!