Kitchen – Bản giao hưởng của những gam màu cuộc đời

Kitchen – Bản giao hưởng của những gam màu cuộc đời

Ví như một bức tranh hiện thực khắc họa rõ nét nhất những mất mát, đau thương đến tột cùng của những người trẻ điển hình, Kitchen đưa Banana Yoshimoto sánh ngang với hàng ngũ những nhà văn hàng đầu của Nhật Bản.

Một cuốn sách có đủ những bi thương, nước mắt, tình yêu, hy vọng và tất cả cùng hòa quyện với nhau để tạo nên bản giao hưởng đẹp nhất của thời thanh xuân.

Những vết cắt của tuổi trẻ

“Vào những lúc thực sự mệt mỏi, tôi thường chìm đắm vào một ý nghĩ, rằng nếu một ngày nào đó phải chết, tôi muốn trút hơi thở cuối cùng ở trong bếp. Tôi sẽ không hề run rẩy mà nhìn thật kĩ mọi thứ, dù cho đó là vào thời khắc lạnh lẽo chỉ có một mình tôi, hay ở nơi ấm áp và có người nào khác nữa. Thật tốt biết mấy nếu điều đó xảy ra ở trong bếp.”

Cuốn sách bắt đầu bằng một buổi sáng ảm đạm như vậy. Kitchen chứa bầu không khí buồn mang mác nhưng dịu dàng khó tả. Sự cô đơn, lạc lõng của các nhân vật cứ trải dài ra bất tận nhưng không ai trong số họ nhìn nó là sự bất hạnh. Tất cả đều cố gắng sống và cố gắng hạnh phúc. Mikage tìm hơi ấm, niềm vui trên chiếc ghế sô pha đặt ngoài phòng khách hay căn bếp đầy đủ tiện nghi và sạch tinh tươm của nhà Tanabe,…

Cô kiếm tìm sự bình yên trong mỗi món ăn mà cô làm, trong những cuộc nói chuyện nhẹ nhàng với Eriko vào mỗi sớm mai hay chén trà còn vương khói ấm áp của Yuichi pha khi cả hai đều mất ngủ. Dẫu cho gia đình Tanabe luôn yêu thương và dành cho Mikage những điều tuyệt vời nhất nhưng Mikage biết rằng, cô vẫn phải rời đi. Cho cô và cho niềm đam mê của cô. Khi không còn bất cứ người thân nào, con người ta tồn tại một sức chịu đựng ghê gớm. Mikage không cho phép sự bi thương ấy hạ gục cô mà biến nó thành hơi thở, duy trì sự sống của mình. Vẫn có những lúc yếu đuối, cô vẫn oằn mình chống chịu, như một chiến binh bị thương.

Kitchen – Bản giao hưởng của những gam màu cuộc đời

Yuichi Tanabe cũng vậy – một chàng trai ít nói và không bao giờ để hoang phí quỹ thời gian quý báu của mình, cậu tìm niềm vui trong những công việc làm thêm tẻ nhạt mà mỗi ngày cậu đều làm, trong những món ăn mà Mikage nấu hay cái nháy mắt và nụ cười hiền của Eriko.

“Dẫu cho cử chỉ và giọng nói rất dịu dàng, nhưng sao ở cậu ta vẫn toát ra cái cảm giác như đang phải sống một mình”, “Lớn lên trong sự yêu thương, vậy mà lúc nào cũng buồn bã” – đây là thứ cảm giác mà Mikage cảm nhận được trong một lần Yuichi giúp bà cô bê chậu cây về nhà cho đến mãi sau này, khi cùng chung sống với Yuichi dưới một mái nhà đều không thay đổi. Mùi hương cô độc vương trên người Yuichi ấy càng rõ ràng hơn sau cái chết oan uổng của Eriko. Yuichi oán hận và bê tha cuộc sống của mình nhưng chưa bao giờ cậu có ý định từ bỏ cuộc sống, vì còn Mikage.

Với Yuichi, Mikage là đứa con gái có bề ngoài điềm nhiên, cứng rắn nhưng lại mang trong mình nội tâm sứt mẻ vì thiếu đi mái ấm gia đình. Thậm chí nhiều khi quan sát Mikage, Yuichi có cảm giác tựa hồ như Mikage có thể nứt nẻ và vỡ tung bất cứ lúc nào, tựa như chiếc bình hoa thủy tinh mà Eriko hay làm vỡ.

Bếp là nơi duy nhất giữ lại hơi thở và hy vọng sống của Mikage. Yuichi biết điều đó, và việc làm đầu tiên sau tang lễ của bà Mikage là đón Mikage về sống chung với cậu và Eriko, tạo cho Mikage một gia đình mới. Mikage thoáng ngạc nhiên trong vài giây rồi chấp nhận điều đó một cách dễ dàng. Trong mắt Yuichi, sâu trong con người Mikage lại phát ra thứ ánh sáng bàng bạc, mơ hồ khiến người khác phải e dè nhưng gây tò mò, và sức sống mãnh liệt trong hình hài bé nhỏ ấy khiến Yuichi bị thu hút. Yuichi hiểu, người con gái này rồi đây sẽ cứu rỗi cuộc đời tẻ nhạt, cô độc của mình. Vì Mikage là bông Sakura, mỏng manh nhưng mạnh mẽ hơn cậu rất nhiều.

Kitchen – Bản giao hưởng của những gam màu cuộc đời

Đặc quyền của tuổi trẻ, được mạnh mẽ và yêu thương

Mikage hay Yuichi là hiện thân cho giới trẻ Nhật Bản bấy giờ, sống một cuộc đời bi thương, lạc lõng, cô đơn và dật dỡ như những cái bóng. Nhưng sâu bên trong họ là sức sống mãnh liệt, không đầu hàng trước số phận. Họ là những chiến binh, chiến đấu cho cuộc đời và niềm đam mê của mình đến phút cuối cùng. Không còn là những cái xác hay sự tuyệt vọng, phấn uất, không lối thoát như Haruki, Banana chọn cho mình tình yêu và hy vọng.

Sau cái chết oan uổng và đau đớn của Eriko, Banana đẩy Yuichi vào tình cảnh mồ côi giống như Mikage. Nhưng phải chăng đó là cách để nhà văn đưa hai kẻ cô đơn đến với nhau một cách hợp lí nhất.

Banana đã dùng sự ấm áp của căn bếp, mùi hương thơm ngọt ngào của những món ăn để xua đi sự nặng nề, lạnh lẽo mà Mikage và Yuichi phải trải qua. Tình yêu của họ đến một cách tự nhiên, một sự nhận thức xuyên qua tất cả những nỗi cô đơn. Khi Mikage vượt chặng đường xa xôi, vất vả trèo tường khách sạn chỉ để được chia sẻ cùng Yuichi món Katsudon ngon nhất trên đời, đó cũng là lúc hai người nhận ra là họ còn có nhau chăng ?

Kitchen – Bản giao hưởng của những gam màu cuộc đời

Tác giả không hề nhắc đến chữ yêu, giữa Mikage và Yuichi không có những cái nắm tay vụng về, nụ hôn ngọt ngào hay lời tỏ tình chân thực. Họ chỉ nhận ra rằng, họ cần nhau giữa nỗi cô đơn, rằng Yuichi chỉ cần là Mikage nấu, tất cả các món ăn đều ngon, rằng Mikage thấy sau tất cả, Yuichi là bến bờ bình yên nhất.

Không day dứt như Amrita, N.P hay Vĩnh biệt Tugumi, là Kitchen – nơi đong đầy những khát vọng mãnh liệt của tuổi trẻ, nơi mà những thương tổn, mất mát trở thành sức mạnh, nguồn sống để họ vươn lên khỏi cuộc đời đen tối và trên tất thảy, là tình yêu đã cứu rỗi hai con người tội nghiệp, để họ đương đầu với sóng gió và sống trọn vẹn cho thanh xuân của mình.

Hy vọng ở cuối con đường

Vẫn mang những màu sắc trầm mặc rất riêng của văn học Nhật Bản, Banana không đi theo những con đường buồn bã, bi thương của những nhà văn đi trước, bà thổi hồn vào câu chuyện đầu tay của mình những mầm sống, hy vọng và có sự chờ đợi vào tương lai.

Sau tất cả, Mikage và Yuichi nhận ra, họ dành cho nhau. Hai cái bóng cô đơn tìm đến nhau, sưởi ấm cho nhau qua những ngày đen tối nhất. Kitchen vẫn khép lại trong bối cảnh mùa đông lạnh lẽo nhưng hai nhân vật chính đã dần tìm thấy hơi ấm trong nhau và có một tương lai có nhau để chờ đợi. Đi qua những năm tháng thanh xuân mất mát, họ nhận ra ai mới là người quan trọng nhất của cuộc đời mình, sức sống tiềm tàng luôn cháy bỏng trong con người họ và căn bếp – nơi nuôi dưỡng tình yêu, ước mơ và mái ấm. Tất cả hòa quyện để tạo nên một bản hòa ca với những gam màu mãnh liệt nhất của cuộc đời.

“…Mai mình sẽ ra ga đón, nhớ mua rồi mang về đây đấy nhé. Mấy giờ tàu tới ga? Yuichi vui vẻ hỏi.

Căn phòng sao mà ấm áp. Làn hơi nước từ chiếc ấm đang sôi tỏa ra khắp cả gian phòng. Và tôi bắt đầu đọc cho Yuichi số ke tàu và giờ tàu đến”.

Leave a Reply

error: Content is protected !!