Miền hoang – Sự thật về chiến tranh biên giới Tây Nam

Miền hoang – Sự thật về chiến tranh biên giới Tây Nam

Miền hoang là cuốn tiểu thuyết đặc biệt viết về chiến tranh biên giới Tây Nam của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Cuốn sách đặc biệt thu hút người đọc bởi chất hiện thực ngồn ngộn trong tác phẩm, bởi vẻ đẹp của người lính tình nguyện Việt Nam khi sống và chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Có thể nói, với tâm thế của người lính đã từng tham gia chiến đấu trên đất bạn, Sương Nguyệt Minh đã mang đến một góc nhìn mới về chiến tranh: đa chiều, toàn diện và sâu sắc hơn.

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fmien-hoang-p417666.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Tiki[/su_button]

MIỀN HOANG – SỰ THẬT CHIẾN TRƯỜNG

Đọc cuốn sách, ấn tượng đầu tiên chính là sự kinh hoàng trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Hiện thực ấy được Sương Nguyệt Minh ghi lại:

“Quân tình nguyện Việt Nam tác chiến ở chiến trường K tựa hồ như cuộc chiến trên cái đầm lầy khổng lồ miền nhiệt đới. Càng về cuối chiến tranh, hình thái tác chiến càng thay đổi, các đại quân dần dần rút về nước…chiến tranh du kích nhùng nhằng, nhỏ lẻ, cò cưa dai dẳng, quân số hai bên cứ hao hụt dần, để rồi lại bổ sung lính, lại chết…lại bổ sung”.

Có lẽ chưa ở đâu và chưa bao giờ, lính tình nguyện Việt Nam lại hi sinh nhiều như ở chiến trường Campuchia. Họ hi sinh theo muôn vàn kiểu. Họ chết vì bom đạn, vì chó sói, vì kên kên,…nhưng đáng sợ nhất, ám ảnh nhất vẫn là những cái chết do mìn

“Quân tình nguyện Việt Nam hứng chịu cái sự tàn khốc, thiệt hại của mìn ở chiến trường K bao la là không có giới hạn”.

Bản thân nhân vật Tùng – người chiến sĩ chiến đấu trên chiến trường K ấy đã phải thốt lên:

“Sợ quá! Chưa có cuộc chiến tranh nào trên thế giới mà mìn lại được sử dụng nhiều và như một loại vũ khí chủ yếu sát thương trên chiến trường như cuộc chiến triền miên, cò cưa, dai dẳng, hãi hùng ở chiến trường Campuchia”.

Mìn trở thành sự khiếp đảm của người chiến sĩ trong cuộc chiến sinh tử với kẻ thù.

Hiểm nguy bao vây tứ phía và bao giờ con người cũng phải căng mình ra để chống trọi với bom đạn, với thiên nhiên. Cái chết đến với người lính không chỉ có mìn mà còn là ruồi, kên kên, chó sói, hổ. Sương Nguyệt Minh đã để cho nhân vật của mình tận mắt chứng kiến cảnh đồng đội mình bị hổ ăn thịt:

“Trước mắt bọn tao là gốc cây dầu, cỏ bị quật nát, hai đoạn xương ống bị róc hết thịt như chui ra từ đôi giầy vải bộ đội Việt Nam ở trong đó có hai cái bàn chân. Chung quanh các dóng xương vương vãi và vết cân con kh’la quần tanh bành rập nát cả một vùng cỏ cây. Cọp chưa kịp ăn hai bàn chân còn sót lại trong giày vải màu cứt ngựa, hay nó đã no bụng nên bỏ đi…”.  

Chuyện hổ ăn thịt người, thậm chí đồng loại ăn thịt lẫn nhau cũng được Sương Nguyệt Minh kể lại đầy ám ảnh, đủ để người đọc mường tượng về cuộc chiến tranh kinh hoàng đã đi qua hơn 40 năm.

Trong cảnh lạc rừng, họ phải đối diện với thời tiết khắc nghiệt ở rừng Miên hoang độc. Rừng Campuchia, mùa khô kéo dài, nắng như đổ lửa đẩy con người vào những cơn khát dày vò. Cát khát trở thành nỗi âm ảnh nơi rừng hoang

“Nóng âm âm, anh có cảm giác như mình là con cá chuối bị xâu vào que rồi nướng trong hơi nóng. Lưng không còn ướt nữa, còn mồ hôi nữa đâu mà ra. Miệng khô như cánh đồng hạn. Giá có ngụm nước thì cái lưỡi sẽ mủn và tan ra như đất ruộng ải vừa tháo nước”. [ 1; 152].

Không chỉ là cái khát, họ phải đối diện với cái đói. Cái đói khiến thân hình họ tiều tụy không còn sức sống. Cái đói khiến họ phải tranh ăn với động vật và thậm chí ăn thịt chính đồng loại của mình. Có thể nói, chiến đấu ở nơi “đất bên ngoài Tổ Quốc”, mỗi người lính Việt Nam phải đối diện với vô số những thứ kẻ thù luôn sẵn sàng đẩy họ vào chỗ chết. Chính vì vậy, lính ta bị thương nhiều, chết nhiều, thậm chí có những người chết đến hai lần và tất cả họ đều hi sinh khi còn rất trẻ. Đó là nỗi đau, là sự mất mát mà dù cuộc chiến đã qua đi hơn bốn mươi năm, nỗi đau ấy vẫn chưa hề nguôi ngoai.

MIỀN HOANG – TỘI ÁC KINH HOÀNG CỦA KẺ THÙ

Nhưng ám ảnh nhất chính là tội ác kinh hoàng mà kẻ thù gây ra. Trong Miền hoang, Sương Nguyệt Minh đã thể hiện một cách chân thực những tội ác kinh hoàng của quân Khmer Đỏ. Bằng nhiều hình thức khác nhau, chúng đã gây ra những cuộc thanh trừng đẫm máu, đẩy nhân dân vào những núi xương bể máu.

Người đọc sao có thể dửng dưng trước lời kể của Lục Thum – kẻ đã gây tội ác:

“Tưng bừng phải như cái cách bọn tao tàn sát dân Doul ở vùng Ba Chúc – An Giang ấy. Mấy nghìn sinh mạng lìa đời nhé. Suốt một tuần: sựt sựt…chát chát…rắc rắc…uỵch uỵch…tằng tăng…Thằng Rô mày biết âm thanh gì không? Không à? Là tiếng cuốc bổ vỡ sọ, tiếng tay thước lim đánh vào gáy, tiếng dao quắm chém dọc thân người, tiếng súng bắn vào ngực già trẻ gái trai dân Duol đấy…”.

Chúng như những cỗ máy giết người hoàng loạt, không ghê tay, không sám hối cũng chẳng chút mảy may động lòng.  Với người lính tình nguyện Việt Nam, chúng tàn sát vô cùng dã man

“Cái xẻng vung lên quá tầm tay, lưỡi xẻng lấp loáng đi theo đường cong cánh cung: Bổ. Phang. Đập… Rồi gã lại dựng cán thẳng đứng thọc lưỡi xẻng sắc lạnh như băm chặt xuống mặt “kẻ tội đồ chết trận”. Chỉ biết khi gã lính áo đen hả cơn nóng giận căm hờn và thấm mệt dừng lại thì đầu kon top Việt Nam chỉ còn… bãi thịt xương lẫn mảnh mũ cối lổn nhổn” .

Chính bọn chúng đã đẩy cả một dân tộc đứng trên bờ diệt vong, cả một dân tộc quằn quại trong đau đớn,

“mấy triệu người Khmer chết bởi bom đạn, bởi chày vồ, lưỡi xẻng, bàn cuốc bàn mai, dao quắm, dây thừng treo cổ,… chết vì đói khát, lao lực kiệt quệ trong các công xã cộng sản nửa dơi nửa chuột” .

Không chỉ tàn sát lính tình nguyện Việt Nam, tàn sát nhân dân hai nước, quân Khmer Đỏ còn tàn sát đồng đội của mình:

“Bọn man rợ này còn giở nhiều trò tàn độc. Đến như đồng đội của mình bị thương hí hóp thở trước sau cũng chết, gã còn đập tan sọ phọt óc ra trắng nhởn như đậu phụ vương trên bãi cỏ” [52, tr.75].

Có lẽ trong chúng không phải là trái tim khối óc của con người mà là những con ác thú vô nhân tính.

Xuất phát điểm từ sự ngu muội, chúng đã có những hành động đi ngược lại với văn minh nhân loại như đốt sách, tiêu hủy văn hóa:

“Từ tầng trên xổ xuống cả đống sách, vở bìa cứng: Bách khao thư bệnh học, Giải phẫu người, tiểu thuyết “Những người khốn khổ”, “bà Bovary”, “Từ điển quân sự”, “Lịch sử cách mạng Pháp”, “Hoàng đế Napoleon Bonapare”,…Chúng đổ xăng lên những quyển sách bằng tiếng Pháp ấy được cho là xa xỉ của giới thượng lưu và… đốt. Lửa cháy phần phật. Khói ngút cao”.

Sách là biểu tượng của tri thức và văn hóa. Đốt sách chính là đốt văn hóa, là quay lưng với tri thức, là quay trở về với sự mông muội. Và đây cũng chính là một trong những nét bản chất của kẻ thù.

Nhưng đáng sợ hơn, chúng còn ăn thịt chính đồng loại của mình:

“Bắt được bọn Duol đang sống ngoay ngoảy còn cắt gót chân cho chúng không chạy trốn được, rồi để chúng chết dần chết mòn, huống hồ khi bọn Duol vừa chết tươi, chuyện bóc bánh chè thì có gì lạ. Lính áo đen của Ông Lớn chả phanh bụng, moi gan xổ ruột bọn Duol ra bỏ vào mũ sắt luộc lên ăn còn gì nữa!” và coi như “chuyện vặt vãnh có chi đáng phải lưu tâm” [52, tr.69].

Chuyện ăn thịt người không phải chỉ được nói đến một lần, ở phần cuối truyện một lần nữa hình ảnh tên lính áo đen ăn thịt người được miêu tả cụ thể. Hành động này thể hiện rõ nhất sự mông muội, thú tính và tàn bạo của kẻ thù.

Quả thực, khi viết những trang văn về sự độc ác của kẻ thù qua Miền hoang, Sương Nguyệt Minh đã đi đến tận cùng cuộc chiến, phản ánh một cách chân thực và sâu sắc hiện thực chiến trường.

MIỀN HOANG – VẺ ĐẸP NGƯỜI LÍNH TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM

Vượt qua thực tại khắc nghiệt trên chiến trường, ở người lính Việt Nam vẫn lấp lánh vẻ đẹp trí tuệ, vẻ đẹp của một trái tim giàu yêu thương và tinh thần chiến đấu ngoan cường. Họ gánh trên vai mình nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng, họ sống và chiến đấu hết mình trên đất bạn.

Mặt khác, họ là thế hệ lính thứ 3 tham chiến sau cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ nên họ được học hành bài bản, họ tài năng và họ yêu nghệ thuật. Họ vào chiến trường với một tinh thần phơi phới, một trái tim giàu nhiệt huyết. Họ được ví là bộ đội nhà Phật bởi tình yêu thương dành cho nhân dân Campuchia. Họ mang trong mình vẻ đẹp của những tâm hồn lãng mạn, trẻ trung. Chính vì vậy, trên trang văn của Sương Nguyệt Minh, người lính Việt Nam như một vầng sáng lung linh giữa hiện thực chiến trường chất chứa đầy chết chóc, đau thương.

Tuy nhiên, khi viết về người lính, Sương Nguyệt Minh không cố tô vẽ họ. Ông cũng đi sâu vào đời sống tâm hồn, phơi bày những góc khuất trong tâm hồn của họ. Chính vì vậy, nhân vật Tùng – chàng thanh niên tình nguyện Việt Nam được miêu tả chân thực hơn bao giờ hết. Tùng cũng có những lúc yếu lòng, cũng có những lúc con người bản năng trỗi dậy, cũng có những lúc sợ hãi tột độ,…Song chính những góc khuất tâm hồn khiến hình tượng người lính Việt Nam đời hơn, gần gũi và chân thực hơn.

Có thể nói, với hơn 600 trang tiểu thuyết, Sương Nguyệt Minh đã thể hiện một cách sâu sắc và toàn diện nhất về chiến tranh. Chất hiện thực ngồn ngộn trong tác phẩm Miền hoang được viết ra từ chính những trải nghiệm của Sương Nguyệt Minh trong những năm chiến đấu trên chiến trường Tây Nam.

Cuốn tiểu thuyết Miền hoang không chỉ thể hiện quá trình lao động nghệ thuât công phu, đầy tâm huyết của nhà văn với những tìm tòi sáng tạo ở thể loại tiểu thuyết, cuốn sách còn là tiếng nói tự trái tim của người lính – nhà văn, ông viết về chiến tranh với tất cả những gì chân thực, sâu sắc và toàn diện nhất.

Bài Review được đóng góp bởi Cộng tác viên Yen Nguyen Thi

Leave a Reply

error: Content is protected !!