Nắp Biển – Bức Tranh Nỗi Nhớ Ký Ức Trong Trái Tim Người Con Gái

Nắp Biển – Bức Tranh Nỗi Nhớ Ký Ức Trong Trái Tim Người Con Gái

“Ai là người cuối cùng bước lên từ biển

trên bãi biển một ngày hạ tàn,

Người cuối cùng ấy đã trở về nhà

mà không đóng nắp biển.

Vì vậy mà

biển cứ mãi mở toang.”

Lời hát trích từ bài hát Nắp biển của ca sỹ Hara Masumi đã khuấy động lòng xôn xao trong tim người nghe. Ca từ êm ấm, lắng dịu ấy như một tia ánh sáng nhỏ bé từ đốm lửa hồng sưởi ấm trái tim vốn chịu nhiều tổn thương của những cô gái. Điển hình là nhân vật Mari và Hajime trong tác phẩm cùng tên của Banana Yoshimoto, qua những trang giấy kể lại cuộc hành trình đến với nhau qua những chặng đường tìm lại ký ức xưa nơi biển cả.

[button-red url=”https://fast.accesstrade.com.vn/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Fwww.fahasa.com%2Fnap-bien.html” target=”_blank” position=”center”]MUA SÁCH TRÊN FAHASA [/button-red]

Nắp biển – Khởi đầu mới của làn gió tuổi trẻ

140 trang tản văn, cốt truyện rất chi là đơn giản vậy thôi mà cũng làm xao xuyến lòng người bởi lối văn chân chất mộc mạc của Banana. Chính vì thế nên Banana khéo léo đưa một điểm sáng đặc biệt trong truyện – cô bé Hajime. Hajime là một cái tên đẹp với ý nghĩa mang tên “khởi đầu”, nghĩa là mọi thứ với cô đều là mới mẻ. Thời gian ở bên Mari cũng là khởi đầu cho một thứ gì đó từ trước tới nay tưởng rằng chưa bao giờ xảy ra. 

Tại sao Hajime trở thành điểm tâm cho câu chuyện?

“Yêu tinh Kijimuna của đảo Okinawa, yêu tinh Kenmun ở quần đảo Amani, quỷ đỏ hói đầu Namahage tỉnh Akita hay thần Masau của bộ tộc Hopi tận hải ngoại xa xôi…

Lũ trẻ ban đầu sẽ chân thành khiếp sợ dáng vẻ đó, nhưng rồi sẽ chấp nhận thành hình dáng đó cũng chân thành như vậy.”

Đó là lời miêu tả gián tiếp về ngoại hình đặc biệt của Hajime. Lời văn không hề gây sợ sệt, e ngại hay mặc cảm với người đọc và chính những người đồng hoàn cảnh với cô gái này. Trái lại, Banana miêu tả chân dung thật tinh tế, dịu dàng, nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của sự can đảm cởi bỏ lớp ngoài không hoàn hảo để nhìn vào sức mạnh tâm hồn tươi đẹp ẩn bên trong.

Dù cho bạn là trẻ con hoặc là người trưởng thành, thì bản chất vẻ đẹp thâm tâm vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy qua cảm giác khi trải qua một quá trình tìm hiểu nhau. Quá trình tìm hiểu trở thành một mối quan hệ đặc biệt vượt xa cả tình bạn, để lại ý nghĩa to lớn về người ấy trong tim mình. Điều đó cũng xảy ra tương tự giữa Hajime và Mari.

Cốt truyện kể về nhân vật Mari (xưng “tôi”), một cô gái trẻ vừa tốt nghiệp cao đẳng mỹ thuật ở Tokyo quyết định trở về vùng biển quê. Trải nghiệm gặp gỡ cô bạn mới giúp cô thấu hiểu sâu hơn về sự đổi thay hoàn toàn của quê hương cô từng gắn bó.

Nắp biển – Tiếng hát cất lên cảm xúc trong nghịch cảnh

Trước hết, tôi muốn nêu cảm nghĩ của riêng mình về Hajime nhiều hơn bởi cô ấy là điểm sáng trong truyện. Cô được mẹ mình giới thiệu với mẹ Mari để hai người về biển chơi dịp hè. Hajime bị bỏng nửa bên phải khuôn mặt, cơ thể đen thâm sì. Vết bỏng là một trong những sự cố gây sát thương lớn tới thể xác, vậy nên, người đọc đã biết trước ngôi sao sáng này đã từng đi qua biết bao màn đêm để hòa mình vào nhịp sống trôi chảy.

Màn đêm đó là cả một chuỗi sự kiện quan trọng mà Hajime có mặt: sự ra đi của người bà, rạn nứt gia đình vì quyền lực, người bạn trai đi dạy ở vùng chiến tranh… Tất cả mọi thứ xảy ra đã giúp Hajime trưởng thành hơn, chững chạc hơn khi đối mặt với bao thử thách chờ đợi ngoài kia. Chính tôi cũng phải khâm phục tinh thần đấu tranh của cô. Tuy vậy, nỗi lòng không thể tự cất giấu tất cả cùng lúc, nước mắt rồi cũng sẽ rơi, như giọt nước lăn tăn xuống mặt hồ.

Những đổi thay của vùng biển trong thời kỳ kinh tế Nhật Bản đang phát triển, dù mang lại lợi nhuận cao trong mọi xu hướng của nó, song gây ra những tan vỡ trong tình cảm của mình với gia đình, với vùng quê ngày ấy. Hajime và Mari đều tiếc nuối khi nhìn thấy những địa điểm xưa đã không còn ở thời nay. Họ chỉ là hai con người bình thường dưới góc nhìn sâu xa xuống Trái Đất, vậy mà nỗi lòng với ký ức xưa không đơn thuần là xa nhà thì nó sẽ trở về. Bởi quá khứ vẫn chỉ là quá khứ, thế nên, thời gian trôi qua, chỉ còn con người với ký ức ở lại.

Cũng có thể đây là lý do cuộc gặp gỡ giữa hai người trở nên thân thiết hơn?

Hai chị em đã có những kỷ niệm với nhau hồi ở biển. Đây là một trong những dịp hiếm có được gặp lại bạn trai cũ của Mari, và cũng là mùa hè đáng nhớ của Hajime. Ngay từ lần ở bồn tắm công cộng, hai người hiểu nhau dần dần qua những chia sẻ bộc bạch từ những gì hai bên từng trải.

Mặc dù tôi chưa thể diễn tả những gì tôi nhớ về Mari (như thể chính tôi là Mari), nhưng tôi phần nào cảm nhận được nỗi đau và ý chí của Hajime vượt lên nghịch cảnh như thế nào. Hai người càng thích thú tìm hiểu nhau hơn. 

Nắp biển – Sợi dây gắn kết tình cảm giữa những con người buồn

Mari là một cô gái nội tâm, phóng khoáng, giản dị. Cô đam mê ăn đá bào đến mức cô mở một quán đá bào vào mỗi dịp hè. Cửa hàng đá bào là biểu tượng trụ cột duy nhất Mari dựng nên để lưu giữ vẻ đẹp sắp bị lụi tàn. Vào thời điểm tiễn Hajime, hai chị em cùng nhau xây dựng kế hoạch tự làm thú nhồi bông rồi rao bán trên mạng. Vốn dĩ cô không phải là một người dễ hoà đồng, nhưng khi người bạn chân thành đến thủ thỉ với cô, cô đã mở lòng mình lại. Hãy thử xem nếu Mari không mở lòng mình, thì làm sao cô chấp nhận vết bỏng của Hajime được?

“Sau khi trút bỏ hết quần áo, trông Hajime gầy đến đáng sợ. Đó là kiểu gầy của người không ăn uống được gì vì quá đau buồn. Nhìn những dẻ xương chồi ra sau lưng em, tôi cảm thấy buồn hơn rất nhiều so với khi nhìn vết sẹo bỏng.

“Một cô gái nhỏ bé dường này lại phải gồng mình đối mặt với thật nhiều vấn đề, phong thái của Hajime dường như rất nhạy cảm, khác hẳn về bản chất so với tôi, một đứa chỉ được cái to xác, dù bị thương khắp mình mẩy vẫn tung tăng lớn lên.”

Như lời kể của nhân vật “tôi”, một vụ cháy nhà đã suýt nữa cướp sinh mạng của hai bà cháu Hajime, người bà đã lấy áo choàng cố gắng che người cô tránh cháy. Đám cháy đã ảnh hưởng không nguôi tới ký ức của cô bé này, khắc sâu tình cảm chân khiết dành cho người bà. Hình ảnh một người đầu bạc đó không được kể nhiều chi tiết, dường như chỉ kể lại qua yếu tố thời gian, nhưng Banana đã gián tiếp mở đầu thành công trong bức tranh con người Hajime. 

Cảm giác vui thích đến sung sướng khi ở bên Mari suốt hè phần lớn đã bộc lộ tính cách của cô bé. Cô là một người hiếu kỳ, can đảm, vui tính. Khi tôi đọc từng trang sách một về những cuộc đối thoại, từ lúc ăn đá bào cho đến dạo biển, tôi nhớ rõ cảm giác bình yên đầy trầm lặng ấy, tựa như sóng biển. 

Nhưng khi chứng kiến cảnh bố mẹ mình phải sống ở chỗ khác bởi họ hàng tranh giành nhà, Hajime đã rất đau buồn. Cô nói rằng, nếu cô không để lại cho các con cô ngôi nhà đang ở lúc qua đời, thì thật nuối tiếc. Hajime rất biết ơn và kính trọng bà nên cô muốn bà thực sự được yên nghỉ. 

Nhìn qua suy nghĩ và nỗi lòng cũng đủ để cho người đọc thấy Hajime là một con người sống tình cảm.

Vết bỏng trên người rốt cuộc có ý nghĩa gì?

Vết bỏng là một biểu tượng cho sự từng trải của mỗi người. Đám cháy giống như khó khăn thử thách độ bao dung và kinh nghiệm khi vượt qua nó. Và rồi, độc giả có thể thấy được niềm tự hào về cô gái bé bỏng ấy. Sự từng trải đồng thời cũng là những trải nghiệm tuyệt vời để tăng thêm độ phong phú cho câu chuyện trong Nắp biển.

Từ ý nghĩa của nó trên cơ thể đặc biệt của Hajime, cảm nhận của tôi (theo khía cạnh nào đó) là tôi rất yêu quý hai nhân vật chính trong truyện bởi khát khao nội tâm của họ. Họ muốn giữ lại những kỷ niệm vào một góc ẩn sâu trong tim, để nhìn nhận đầy mãnh liệt về bản chất hình dạng của nó. Họ không muốn kỷ niệm rơi vào hố đen của lãng quên. Phải chăng đó là ý nghĩa chân thực của cuộc sống, rằng ký ức được sinh ra không phải là để quên mà là để nhớ? Cũng là vì sự tồn tại của vết bỏng bấy lâu nay nên nó gợi nhắc chúng ta hãy trân trọng nó?

Banana Yoshimoto như hoá thân vai Mari trong truyện, lý giải về hiện tượng tại sao nắp biển vẫn cứ mở toang. Là bởi vì nắp biển như trái tim mình, dòng biển cuốn trôi ào ạt giống như nỗi bồi hồi, xúc động của người con gái khi đứng trước dự báo về chặng đường của chông gai.

Nỗi bồi hồi bắt nguồn từ cảm xúc khi nước Nhật đang trong thời kỳ thịnh vượng kinh tế, mà phải chứng kiến sự ra đi của vẻ đẹp biển thơ mộng ngày ấy. Sóng vẫn cứ cuộn, lòng người ở lại, nhưng quang cảnh không còn ấn tượng như trước. Phải chăng đây là thực tại nghiệt ngã dù không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận? Dẫu sao, ý nghĩa của ký ức là chiếu lại nét đẹp tâm hồn qua khoảnh khắc tươi đẹp từng có. Bởi nét đẹp ấy có thể xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng mãi mãi hình thành giá trị bên trong con người.

Lời kết cho tác phẩm Nắp biển gửi tới bạn đọc là hãy nâng niu vẻ đẹp khi còn có thể. Bởi sự kỳ diệu của nó đã làm ta phải lưu luyến nơi ấy, khi ta đã từng dạo biển thả diều dưới ánh nắng cát trắng hoặc đơn giản là cùng ngồi ăn đá bào. Nắp biển là hương gió biển hoà quyện vào mùi nỗi nhớ biển quê đầy da diết, khôn nguôi. Đồng thời, Nắp biển cũng là cuốn hồi ký ghi lại lòng người giữa cảnh đẹp bao la mênh mông qua các câu văn tả cảnh đầy bình dị, hoà hợp, nhẹ nhàng. Dư âm của nó vẫn sẽ lưu dấu chân trong con tim và tâm hồn ta, như thể hương gió biển mặn mà lùa vào cửa sổ.

Bài Review được đóng góp bởi Cộng tác viên Amy Bùi

Leave a Reply

error: Content is protected !!