Review sách Tuổi thơ dữ dội – Những năm tháng hào hùng

Review sách Tuổi thơ dữ dội – Những năm tháng hào hùng

Nếu đánh giá một cuốn sách qua cái tên, bìa của nó thì thật là một sai lầm. Tôi cũng vậy, tôi cũng từng sai lầm khi phớt lờ “Tuổi thơ dữ dội” khi lần đầu thấy trong hiệu sách. Tôi nghĩ sẽ là một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu kì thú dành cho trẻ em thích hợp hơn với những người ưa tìm những cuốn sách thực tế, mang đậm tính nhân văn như tôi. Nhưng tôi đã lầm, đã hiểu sai ý nghĩa tên của nhan đề “Tuổi thơ dữ dội” là những tuổi thơ trải qua trùng trùng gian khổ. Quả thực nó đã không làm tôi thất vọng, nó còn lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt.

[su_button url=”https://fast.accesstrade.com.vn/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Ftuoi-tho-du-doi-ban-moi-2013-p369946.html” target=”blank” style=”flat” background=”#ef2d30″ size=”6″ rel=”nofollow”]MUA SÁCH TRÊN TIKI[/su_button]

Phùng Quán, tác giả của cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội, cũng là một người lính liên lạc thời bấy giờ. Chính những năm tháng kháng chiến gian khổ cùng với những người bạn đồng chí thời niên thiếu đã giúp ông xây dựng được tác phẩm “Tuổi thơ dữ dội”. Nhằm giúp người đọc thấu được cái khó, cái gian khổ mà ông cha ta đã phải trải qua.

Những tình tiết, những nhân vật trong truyện không phải do ông tự tạo, tự đặt, mà đều là những người thật, việc thật mà ông đã chứng kiến, đã trải qua. Hay nói cách khác, tác phẩm như một cuốn nhật ký của ông. Thật vậy, tác giả có quyền “bịa” trong tác phẩm của họ, nhưng tôi thích Phùng Quán vì ông luôn tôn trọng sự thật trong tác phẩm của mình.

Đọc tác phẩm mới thấy được tuổi thơ của tôi so với tuổi thơ của Lượm-sứt, của Vịnh-sưa, của Quỳnh sơn ca, của Tư-dát, của Mừng… còn sung sướng hơn gấp trăm, gấp ngàn lần. Những người lính thiếu niên trinh sát chỉ mới ở độ tuổi 13-14, cái độ tuổi mà đáng lẽ ra các em phải đang được học, được vui chơi. Ấy thế mà lại phải trải qua một thời kỳ “tuổi thơ dữ dội”. Những gương mặt hồn nhiên vô tư ấy đã phải sớm chứng kiến cảnh máu me, chết chóc. Các em không còn là những cậu bé suốt ngày rong chơi nghịch ngợm nữa, mà là những chiến sĩ, những người lính thực thụ không ngại xông ra chiến trường.

Có những người chiến sĩ nhỏ tuổi đã phải sống mãi ở cái tuổi 13, tuổi 14, các em gửi máu, gửi thịt của mình trên mảnh đất quê hương với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. “Tuổi thơ dữ dội” là tuổi thơ khốc liệt, khó khăn không phải là tuổi thơ với những trò tinh nghịch hồn nhiên của tuổi thơ, như trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Đây cũng là quyển sách đầu tiên lấy đi nước mắt của tôi nhiều nhất và thật đáng tiếc cho những ai đã bỏ quên cuốn sách này ở một góc trên kệ.

Khi vừa nghe tin ngày mai sẽ là ngày ra quân đầu tiên của đội “Thiếu niên trinh sát”, các em đã không lo sợ mà trái lại “các em lột mũ, tung tới tấp lên trần nhà, vừa nhảy như choi choi vừa vỗ tay hoan hô đến muốn vỡ cả ngôi lầu doanh trại”. Và các em hát: “Ra đi ra đi thà chết không lui…” khiến đội trưởng không khỏi vui mừng và xúc động khi thấy những chú lính chì của ông lại náo nức, tự tin đến thế. Tin rằng dù có gian khổ hiểm nghèo đến đâu các em cũng sẽ làm đúng với những lời các em vừa hát. Mấy ai có ngờ, cả tôi cũng thế trước thái độ thờ ơ trước cái chết mà các em chưa một lần biết “chiến trường” là thế nào.

Các em mỗi người đến với Vệ quốc đoàn với mỗi hoàn cảnh khác nhau, Quỳnh-sơn ca là một cậu ấm thế đấy nhưng vì say mê lời bài hát của Cách mạng, em đã từ bỏ cuộc sống vương giả, từ chối khi được ba mẹ quyết định sống ở một đất nước Thụy Sĩ xa xôi tươi đẹp nào đấy hay những đứa trẻ như Vịnh-sưa, Bồng da rắn vì không chịu nổi cảnh đời khổ cực, các em tình nguyện van xin được cống hiến cho Tổ quốc. Dù xuất thân khác nhau, các em đều có chung một mối thù, một ý chí quyết tâm đẩy lùi giặc ngoại xâm. Và tôi đọc, hết từ cảm động này đến cảm động khác. Đầu tiên là cái chết của Vịnh-sưa, người chiến sĩ ra đi khi chỉ mới 14 tuổi. Cái chết của em mới thật đẹp. Em lấy thân mình buộc vào cột thép thu lôi, ngang giữa bụng gửi bức điện: “Một kho xăng, đạn lớn ngay phía sau ngôi lầu tôi đứng. Yêu cầu bắn!”, bức điện mà em đã phải đổi bằng cả cuộc đời mười bốn tuổi của em.

“Thân hình trần trụi, nhỏ bé mà lẫm liệt của người chiến sĩ thiếu niên đứng chon von trên đầu bọn giặc nước cùng với cây cột thép thu lôi mỗi lúc càng thêm lộ rực rỡ trên cái nền đỏ chói chang dữ dội ấy, tưởng như chính lửa đã tạc khắc nên…”. Khi viết những lời này, tôi nghĩ tác giả hay những người đồng đội khác (lần đầu họ phải chứng kiến đồng đội mình hy sinh) cảm thấy rất tự hào về cái chết mà Vịnh đã đặt cược của đời mình cho Tổ quốc, về tư thế lẫm liệt của em lúc chết và là động lực, tạo sự căm thù để họ tiến lên phía trước, đẩy lùi giặc ngoại xâm. Hay tôi không thể nào tin nổi người đã ba lần vượt ngục không phải là một chiến sĩ đã từng nhiều lần ra chiến trường lớn, không phải một người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm mà là một thiếu niên chỉ mới mười bốn tuổi… Lượm-sứt!

Tôi càng thấy kinh tởm hơn với cái nhà “ba-ti-măng” mà bọn nó nhốt những người tù và thầm cảm phục sự dũng cảm của Lượm khi đọc tới cảnh em cả gan thọc tay xuống lỗ cầu tiêu moi hết những thứ mắc kẹt ra để có thể thông được. “Họ thấy Lượm cởi trần, tấm lưng gầy giơ xương, đan dọc ngang những vết sẹo lằn roi, đang cúi gập người trên vũng phân, dòi. Một cánh tay chống, phân ngập đến khuỷu tay, cánh tay kia thọc sâu xuống lỗ cầu tiêu, phân lút đến nách, mặt và cằm gần chạm vào những tảng phân lều bều” và có người đã ví cảnh tượng đó với người dũng sĩ thần thoại Hec-quyn dọn phân rác trong chuồng ngựa ba nghìn con tích tụ trong suốt ba mươi năm. Đọc đến đây, tôi nghĩ đến ngay cả bọn giặc cũng phải sợ em, em đã chứng minh lòng dũng cảm của mình, không việc gì em không dám làm.

Bên cạnh những câu chuyện được ca ngợi về những người anh hùng, còn có những câu chuyện về sự phản bội. Tôi rất hận Kim-điệu, hắn đã từ bỏ lời thề với Tổ quốc, yếu đuối, hèn mọn là nguyên nhân dẫn đến những nỗi khổ cực mà Lượm phải trải qua và sự oan ức và cái chết của Mừng. Nhưng ngay cả một người lính trưởng thành cũng sẽ có những lúc yếu đuối giữa sự lựa chọn sung sướng, giàu sang hay trải qua khổ cực, sống với bệnh tật, thiếu thốn huống hồ chi Kim chỉ là một cậu bé vốn xuất thân từ nhà quý tộc. Cuộc đời người lính ngoài phải chiến đấu với giặc ngoại xâm còn phải chiến thắng con quỷ dữ trong tâm mình.

Thật đáng tiếc nếu không đọc cuốn sách Tuổi thơ dữ dội, vì nó không phải chỉ có ý nghĩa trong chiến tranh thời bấy giờ mà vẫn còn giá trị tới tận thế hệ của chúng tôi mai sau. Đối với thế hệ tuổi thơ của tôi, được sống êm đẹp và no đủ, con người gắn liền với điện thoại, ti vi, máy tính… thì sao có thể hiểu được cái cuộc sống khốn khó ấy. Vì thế tôi càng trân trọng hơn những gì mình đang có. Tôi thấy thật đáng buồn khi có một số “cậu ấm, cô chiêu” ngày nay tiêu tiền như rác. Một bộ đồ mặc không quá hai lần trong khi Quỳnh sơn ca bị ốm nặng phải đắp bằng bao bố chứa đầy rận. Tôi không có ý nghĩ chúng ta phải quay về cái thời kham khổ nhưng tôi nghĩ các bạn trẻ cần phải có một lối sống tối giản, không phung phí tiền của và không có thái độ đua đòi. Ngoài ra, tôi càng biết được trong cuộc sống này có quá nhiều thứ dễ khiến chúng ta sa ngã nếu chúng ta không có lập trường rõ ràng, không có ý chí kiên định. Nếu như, Kim ngày ấy hành xử như Lượm không sợ trời đất, không sợ giặc, không dễ bị khuất phục thì có lẽ toàn đội đã không bị đẩy vào tình thế sống chết như vậy.

Vậy đó, có rất nhiều bài thơ, tác phẩm viết về những người lính trưởng thành, nhưng cảm ơn Phùng Quán đã dành một thời gian khá lâu như vậy để viết về những người chiến sĩ nhỏ tuổi, những người có công không ít trong cuộc kháng chiến. Từ mùi hôi thối rữa của cầu tiêu, đến tiếng hát trong trẻo của Quỳnh- sơn ca trong bài hát “Sông Ô Lâu kháng chiến” vẫn còn âm ĩ trong đầu tôi mãi mãi sau khi đã gấp cuốn sách này lại. Bác sĩ Thiền đã đúng, chiến tranh nổ ra, bọn giặc xâm lược với mục đích chế ngự và dập tắt tinh thần của dân tộc, nhưng nó đã không đạt được mục đích. Cuộc kháng chiến của đất nước như quặng mỏ kim loại quý với một trữ lượng vô tận mà bấy lâu nằm sâu ẩn kín dưới các tầng đất mà nhờ có cách mạng mới được chạm phải, làm giàu sang cho nòi giống. Biết bao nhiêu thiếu niên đã sống và chết như những bậc anh hùng cái thế! Thật vậy, cuộc kháng chiến không chỉ là điểm hội tụ của lòng yêu nước mà còn làm nảy sinh biết bao hình ảnh đẹp, những hình ảnh đó sẽ không bao giờ phai nhòa dù có trải qua biết bao nhiêu thế hệ đi nữa.

Bài Review được đóng góp bởi Cộng tác viên Trang Le

Leave a Reply

error: Content is protected !!