Thời Thơ Ấu – Bình Thản Bước Vào Đời

Thời Thơ Ấu – Bình Thản Bước Vào Đời

Khi bạn chạm vào một cuốn sách, cũng có nghĩa là bạn chạm vào một cuộc đời, một số phận, một tâm hồn, mỗi nỗi niềm, một khát khao… Đọc Thời thơ ấu của Maxim Gorky, qua những trang hồi kí, người đọc sẽ bước chân vào thế giới của một đứa trẻ với một tuổi thơ bất hạnh, nhiều bão giông nhưng đã đủ bản lĩnh, đủ yêu thương, đủ kiên cường…để vươn lên khỏi nghịch cảnh.

THỜI THƠ ẤU – TUỔI THƠ BẤT HẠNH

Cuốn sách Thời thơ ấu mở đầu bằng cái chết của bố cậu bé Alexei:

“Gần cửa sổ, trong một gian phòng chật hẹp tranh tối tranh sáng, bố tôi mặc quần áo trắng toát nằm trên sàn. Thân hình bố tôi dài lạ thường, ngón chân xòe ra nom rất kỳ quái: hai bàn tay dịu dàng đặt yên trên ngực, nhưng ngón tay thì co quắp. Hai đồng xu đen tròn bằng đồng che kín cặp mắt tươi vui của bố tôi: khuôn mặt ấy vẫn hiền từ, nay tối sầm lại. Hai hàm răng nhe ra làm tôi sợ hãi”

Sau biến cố đau buồn đó, cậu về quê với bà và mẹ. Sống cùng với ông bà ngoại, cậu bé đã có một cuộc sống không hề yên bình. Trong cuộc sống của cậu chất chứa những đau khổ, những bất hạnh, những nghịch cảnh, những phi lí…

Ám ảnh bởi những đòn roi, bạo hành

Trong thế giới tuổi thơ của Alexei rất hiếm gặp những cử chỉ âu yếm, vuốt ve của những người thân yêu. Khi về sống với ông bà ngoại, với sự giáo dục nghiêm khắc của ông ngoại, cậu bé liên tục phải nhận những trận đòn rỏi nảy lửa.

“Ông tôi bổ nhào về phía bà tôi, đẩy bà tôi ngã, giằng lấy tôi và đem lại chiếc ghế dài. Tôi giãy giụa trong tay ông tôi, giật bộ râu màu hung và cắn vào ngón tay ông. Ông tôi kêu thét lên, ghì chặt lấy tôi và cuối cùng ném tôi xuống chiếc ghế dài, làm tôi sây sát cả mặt mũi. […] Ông tôi đánh cho đến khi tôi ngất đi.”

Và sau này, mỗi lần vi phạm cậu bé lại phải chịu đựng những đòn roi ấy…

Có điều, sự bạo hành không chỉ đến với cậu bé. Rất nhiều lần, cậu đã chứng kiến cảnh ông đánh bà, cảnh cha dượng đánh mẹ, cảnh người cậu đánh ông ngoại…Tất cả những điều đó đã hằn in trong trái tim cậu bé.  Làm sao cậu tránh khỏi đau xót khi tận mắt chứng kiến “ông tôi lao về phía và tôi và giơ nắm đấm nện liên tiếp xuống đầu bà. […] Bà tôi ngã lăn ra đát. Ông tôi lấy chân đá vào đầu bà tôi…”.

[su_button url=”https://fast.accesstrade.com.vn/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fthoi-tho-au-tai-ban-p2186589.html” target=”blank” style=”flat” background=”#ef2d30″ size=”6″ rel=”nofollow”]MUA SÁCH TRÊN TIKI[/su_button]

Ám ảnh bởi những mối quan hệ không có tình người

Cậu chưa bao giờ cảm nhận được hạnh phúc, cảm nhận được sự ấm áp của một mái ấm gia đình. Trong suy nghĩ của cậu bé:

“Ở đây người ta ít cười, đôi khi không rõ người ta cười cái gì. Thường thường thì họ mắng nhau, người này dọa người kia một điều gì đấy, họ thì thầm bí mật với nhau trong các xó xỉnh. Bọn trẻ con thì lặng lẽ, lén lút, chúng nó dường như bị ép xuống mặt đất như những hạt bụi bị trận mưa làm gí xuống. Tôi tự cảm thấy xa lạ trong ngôi nhà này; toàn bộ lối sống ấy đã kích động tôi như vô vàn vết chàm, gây cho tôi sự hoài nghi, bắt buộc tôi phải hết sức quan sát mọi thứ”

Ở trong gia đình ấy, cậu đã phải nghe những câu chuyện đau lòng, đã chứng kiến những cảnh tượng đau lòng trong cách những người trong gia đình hành xử với nhau. Ông bà ngoại bất hạnh với những đứa con luôn đố kị, tranh giành tài sản, hãm hại nhau. Anh chị em trong một gia đình không yêu thương và đùm bọc. Hai người cậu của cậu mất hết tính người, một người đánh vợ đến chết, một người luôn đánh nén vợ về đêm. Họ hãm hại anh rể của mình bằng trò độc ác vô nhân tính. Họ sẵn sàng cầm vũ khí giết cha mình,…

Sống trong một gia đình luôn thiếu thốn tình yêu thương và sự gắn kết, bản thân Alexei luôn cảm thấy thiệt thòi. Cậu nhận được tình yêu thương vô điều kiện của bà nhưng người ông thì quá nghiêm khắc, luôn đối đãi với cậu bằng đòn roi. Cậu bé yêu thương mẹ mình hết mực, nhưng người mẹ luôn bỏ lại cậu để tìm cuộc sống riêng….Cậu bé đã không hề cảm thấy hạnh phúc trong ngôi nhà ấy:

“Tất cả những gì tôi đã nhìn thấy trong cái nhà này đang lướt qua trước mắt tôi như một đoàn xe trên đường phố mùa đông. Tôi cảm thấy như mình bị đè bẹp, bị tiêu tan”. 

Ám ảnh bởi những cái chết

Ngay từ những trang đầu cuốn hồi kí Thời thơ ấu, người đọc đã “chạm” vào cái không khí nặng nề với cái chết của cha Alexei. Đó là mất mát đầu tiên trong đời cậu bé, đó là sự đau khổ lớn lao nhất và là nguyên nhân của những bất hạnh trong cuộc đời của cậu sau này. Cậu đã không khóc, cậu đã không muốn khóc bởi nỗi đau quá lớn:

“Cháu không muốn khóc.[…] tôi rất ít khóc và chỉ khóc khi nào bực tức, chứ không bao giờ vì đau”

Câu nói ấy đã giải thích thái độ của cậu bé với cái chết của những người thân yêu của cậu sau này:

“Ít lâu sau anh chết” – khi nói về cái chết của Tsiganok, người mà cậu rất mực yêu quý.

Nó chết đột ngột, không ốm đau gì cả”- khi nói về cái chết của người em cùng mẹ khác cha với cậu.

“Mẹ tôi chết, vào một ngày tháng tám, khoảng gần trưa”

Quả thực, khi gấp trang sách Thời thơ ấu lại, điều tôi ám ảnh nhất chính là những cái chết trong tác phẩm. Viết về thế giới tuổi thơ, nhưng đó không phải là những vầng sáng lung linh, không phải nụ cười trẻ thơ, không phải là những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ trong ngần mà đó là…cái chết. Mở đầu cuốn truyện Thời thơ ấu là cái chết của cha, của đứa em chết yểu, sau này trong suốt quãng đời tuổi thơ sống cùng ông bà, Alexei phải chứng kiến rất nhiều những cái chết nữa nhưng bất ngờ nhất, kết thúc tác phẩm lại chính là cái chết của mẹ cậu.

Những cái chết ấy được kể qua giọng điệu của một đứa trẻ, bình tĩnh và thản nhiên, không quá nhiều cảm xúc. Không khóc lóc, không đau đớn tột độ, không suy sụp tinh thần,… Có thể người đọc Thời thơ ấu chất vấn về trái tim băng giá của đứa trẻ? Có người cho rằng cậu chưa đủ lớn để hiểu về nỗi đau, để cảm nhận nỗi đau? Cũng có thế, những biến cố ấy xảy ra quá thường xuyên khiến cậu bé “miễn nhiễm” với nỗi đau? Nhưng cũng có thể, vì phải đối diện với quá nhiều nỗi đau nên cậu đón nhận mọi thứ bằng đôi mắt và tâm thế thản nhiên và bản lĩnh. Có thể đó là điều mà tuổi thơ bất hạnh kia mang đến cho cậu bé!

THỜI THƠ ẤU – VƯỢT QUA KHỔ ĐAU

Sự lương thiện, trái tim ấm áp dẫn đường

Phải chịu nhiều bất hành trong suốt hành trình tuổi thơ của mình, nhưng may mắn cậu đã luôn có bà bên cạnh.

“Trước khi gặp bà tôi, tôi như người ngủ say, đắm chìm trong bóng tối; nhưng bà tôi xuất hiện, đã đánh thức tôi dậy và đưa tôi ra ngoài ánh sáng. Với một sợi dây vô tận, bà tôi nối tất cả mọi vật xung quanh tôi lại, đan thành một tấm đăng ten nhiều màu sắc, và lập tức trở thành người bạn thân thiết suốt đời tôi, một người gần gũi nhất với lòng tôi, một con người dễ hiểu nhất và yêu quý nhất. Tấm lòng yêu mến, vô tư của bà tôi đối với mọi người đã làm cho tâm hồn tôi thêm phong phú, đã truyền sức mạnh không gì khuất phục nổi để tôi đương đầu với những ngày tháng gieo neo”

Nhờ có bà, nhờ có sự thiện lương và trái tim nhân hậu của bà mà cậu bé như được tiếp thêm sức mạnh để đi qua những ngày tháng đắng cay. Nhờ có sự lạc quan của bà “Chúa tôi! Chúa tôi! Tất cả mọi thứ sao mà tốt đẹp thế!” mà cậu đã nhìn đời bằng một đôi mắt tinh tường hơn. Nhờ những câu chuyện cổ tích, những câu chuyện về kẻ cướp tốt bụng, về vị thánh làm ra điều kì diệu…mà cậu cảm nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Chính bà đã luôn chăm sóc cậu, yêu thương cậu, bảo vệ cậu. Chính bà đã dạy cậu bài học về lòng trắc ẩn, về tình thương yêu, truyền cho cậu niềm đam mê khám phá thế giới và tình yêu đối với những con người Nga chất phác, chân thành. Đó chính là tài sản duy nhất và quý giá nhất mà cậu được kế thừa, để cậu vượt qua sóng gió, để bình thản bước vào đời “Và thế là tôi bước vào đời”

Không ngừng học hỏi- “Tự hiểu lấy tất”

Người ông nghiêm khắc của Alexei đã dạy cậu:

“Chúng ta không phải là bọn quý tộc. Không ai dạy chúng ta hết. Chúng ta phải tự hiểu lấy tất cả. Người ta thì có sách vở để xem, có trường để học, còn chúng ta thì chẳng có cóc khô gì sất. Phải tự hiểu lấy tất”.

Thế giới của cậu là vô vàn những gam màu và cậu lao mình vào đó để khám phá. Alexei không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ, không bao giờ nghe theo sự sắp đặt của người khác vì cậu luôn khát khao khám phá mọi thứ xung quanh mình. Cậu luôn bị ngăn cảm, bị cấm đoán, bị quát mắng…nhưng cậu chấp nhận những ‘xây xát” đó để bước chân vào thế giới với những con người, những số phận, những cảnh đời khác nhau.

Alexei là một cậu bé rất thông minh. Cậu có thể học thuộc kinh thánh, có thể nhớ rất lâu những câu chuyện cổ tích, có thể thuộc những câu thơ không vần và tự sáng tác thơ. Ông cậu đã nói về đứa cháu:

“Nó nhớ được chứ có phải không nhớ được đâu: Kinh thánh nó còn thuộc hơn tao. Nó nói láo đấy: cái gì nó đã học được thì cứ như khắc vào đá ấy! Mày cứ nện cho nó một trận”.

Bằng sự nhanh nhạy và trí thông minh của mình, cậu đã quan sát, đã xâm nhập vào cuộc sống của những con người quanh cậu. Cậu tiếp xúc với nhiều con người, thậm chí với cả những người mà ông bà cậu cấm đoán như bác “Tốt lắm”, ba đứa trẻ con ông đại tá, …để nhận ra tất cả những cái tốt đẹp lẫn xấu xa trong mỗi con người ấy. Sự tiếp xúc ấy khiến cho vốn sống của cậu nhiều hơn. Kiến thức của cậu không chỉ đến sự sách vở, nhà trường mà nó là sự tổng hòa của hiện thực đời sống xung quanh cậu bé. Có lẽ bởi vậy mà cậu sống sâu sắc hơn giữa cuộc đời.

Sống với trái tim nhân ái, bao dung

Chứng kiến quá nhiều nỗi đau, quá nhiều những cái xấu xa bủa vây lấy cậu nhưng Alexei luôn sống bằng một trái tim nhân ái. Cậu luôn nhìn mọi người xung quanh bằng đôi mắt yêu thương. Trong suy nghĩ của cậu, không có ai là hiện thân của cái ác, dù ở bất kì con người nào cậu cũng tìm ra được những góc khuất mà người khác chưa chạm tới để cảm thông và thấu hiểu.

Với người ông nghiêm khắc, ích kỉ và nóng giận của mình, Alexei hướng người đọc đến một góc nhìn khác mà nơi đó là hình ảnh của một người ông bản lĩnh, giỏi giang, yêu thương con và cũng không hiếm những khi nhẹ nhàng âu yếm với cậu.

Với người mẹ của mình – người mẹ luôn bỏ cậu lại một mình, cậu bé vẫn yêu thương vô điều kiện và không bao giờ muốn mẹ mình buồn. Cứ như thế, cậu bé yêu cả những người xung quanh mình như với bác “Tốt lắm”, với anh Tsiganok,…và cả những người bạn “bất hạnh” của cậu.

Trong những ngày tháng vật lộn với cuộc đời ấy, cậu bé đã có những người bạn rất mực chân thành. Mỗi đứa có một hoàn cảnh riêng, một số phận riêng nhưng đều đáng thương. Chúng nương tựa vào nhau, thấu hiểu nhau, cảm thông cho nhau.

“Nào, chúng ta hãy góp mỗi đứa một kopeck để mua rượu cho mẹ Vyakhir kẻo mẹ nó lại đánh nó”

Tụi nhỏ đã không bỏ rơi nhau giữa lúc khó khăn hoạn nạn, luôn thương yêu và đùm bọc lấy nhau. Đó chính là lí do là Tchurka muốn Vyakhir đến ở cùng khi mẹ nó mất: “Đến ở với tao, mẹ tao sẽ dạy mày học”.

Bọn trẻ đều có thời thơ ấu bất hạnh, nhưng trong suy nghĩ của Alexei:

“Và theo tôi, thì chúng tôi sống cũng chẳng khổ. Tôi rất thích cái cuộc sống độc lập, tự do ở đầu đường xó chợ này, tôi cũng rất thích những thằng bạn của tôi. Chúng đã gây cho tôi một tình cảm sâu sắc, và bao giờ tôi cũng cảm thấy bứt rứt muốn làm được một điều gì tốt đẹp cho chúng”.

Có lẽ, những trang ấm áp nhất chính là khi Alexei bắt đầu kiếm sống cùng những người bạn. Ấm áp không phải vì cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Ấm áp không phải những đau khổ bớt đi. Vẫn còn đó những nhọc nhằn, những khổ đau, những mất mát khi cậu phải chứng kiến cái chết của em, của mẹ, sự đói khổ của ông bà…Nhưng bù lại, người đọc vẫn được sưởi ấm trái tim bởi tình cảm chân thành của những đứa bé nghèo khổ.

Mặt khác, cậu bé luôn sẵn sàng bảo vệ những người thân yêu của mình. Đó là điều Alexei đã làm. Cậu đã tìm cách « trả thù » mụ chủ quán khi bà ta « ném cà rốt vào người bà ».  Ở một hoàn cảnh khác, khi chứng kiến cảnh cha dượng đánh mẹ mình “Tôi nghe thấy tiếng bố dượng đánh mẹ tôi, tôi liền chạy bổ vào phòng thì thấy mẹ tôi ngã khuỵu xuống đất […] Tôi vớ lấy con dao có chuôi bằng xương mạ bạc dùng để cắt bánh mì ở trên bàn- vật duy nhất mẹ tôi còn giữ được sau khi bố tôi chết – và lấy hết sức đâm vào sườn bố dượng tôi”.

Đó là hành động bột phát của một trái tim non nớt, ngây thơ nhưng đó cũng ẩn chứa tình cảm chân thành, nồng nhiệt, luôn sẵn sàng bảo vệ những người thân yêu của mình. Cuộc sống quá nhiều khổ đau bất hạnh khiến cậu bé muốn đến gần mọi người hơn, đối xử với những người thân yêu bằng trái tim chân thành, ấm áp:

“Từ đó trở đi, tôi đâm ra quan tâm lo lắng đối với mọi người; và hệt như người ta đã lột mất lớp da ở trái tim tôi đi nên nó trở nên hết sức nhạy cảm đối với mọi nỗi đau đớn và sỉ nhục, dù là tôi hay người khác phải chịu”

Cậu đã đón nhận cuộc sống, đón nhận mọi thứ bằng tình yêu thương. Cậu đã lớn lên bằng tình yêu thương, bằng sự cảm thông với những con người xung quanh cậu. Có lẽ, điều đó sẽ là hành trang để cậu bé bình thản bước vào đời “Và thế là tôi bước vào đời”.

Và quan trọng hơn, cậu bé đã được dạy về tính tự lập:

“Phải tập chỉ trông cậy vào chính bản thân mình, đừng để kẻ khác dắt mũi mình! Hãy sống lặng lẽ, bình thản nhưng phải cứng cỏi! Ai nói gì cũng nghe, nhưng cứ việc làm theo cách có lợi cho mình”

Cậu tự chủ trong cảm xúc của mình, tự chủ trong cách nhìn nhận vấn đề của mình. Cậu không trông chờ vào những điều mà người khác mang đến, không gửi niềm hi vọng vào những điều xa xôi. Cậu làm chủ cuộc sống của mình “bình thản” nhưng “cứng cỏi”.

Đó cũng chính là lí do Alexei sớm có thể tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân:

“Tôi cũng bắt đầu kiếm tiền: cứ đến ngày chủ nhật và ngày lễ là tôi dậy sớm, vớ lấy cái bị và đến các sân nhà, các phố để nhặt xương bò, giẻ rách, giấy vụn, đinh. […] Cả những ngày thường, cứ tan học là tôi đi nhặt, thứ bảy nào tôi cũng bán các thứ linh tinh được chừng ba mươi hoặc năm mươi kopeck, có khi gặp may còn nhiều hơn nữa”.

Số tiền ấy tuy ít ỏi, nhưng cậu bé đã có thể tự làm ra và đưa cho bà. Cầm những đồng tiền nhỏ bé ấy của đứa cháu, bà ngoại đã vô cùng xúc động “lặng lẽ khóc” – có lẽ vì thương cháu nhiều hơn tất thảy.

Và với sự bản lĩnh, cứng cỏi ấy, cậu bé đã thản nhiên bước vào đời: “Và thế là tôi bước vào đời”

KẾT

Có thể thấy, Thời thơ ấu ( Maxim Gorky) không chỉ là cuốn sách dành cho trẻ thơ. Đó không phải là cuốn sách nhuốm màu cổ tích, không phải là cuốn sách với những yêu thương ngọt ngào, không phải là một thế giới trong ngần… Qua những trang hồi kí đầy xúc cảm, những bạn đọc của chúng ta hôm nay sẽ có một cái nhìn chiêm nghiệm về thế giới tuổi thơ, về tình yêu , về mơ ước, về khát vọng, về lòng nhân ái, về tính tự lập…

Cuốn sách Thời thơ ấu lay động trái tim người đọc bởi sự chân thật và chiều sâu nhân văn trong từng chi tiết. Cuốn sách lôi cuốn người đọc bởi sự chân thật và giản dị trong lời kể. Cuốn sách Thời thơ ấu truyền cảm hứng sống cho mỗi người, rằng “Đời có thể trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”,…và còn muôn vàn những điều kì diệu mà cuốn sách mang đến cho mỗi chúng ta.

Leave a Reply

error: Content is protected !!