Là một người yêu thích môn lịch sử từ những ngày còn học cấp 2, cấp 3, tôi vô cùng thích thú với những dòng chữ của Sapiens – Lược sử loài người. Khi chưa đọc cuốn sách này, tôi đã từng tự đặt câu hỏi về sự hình thành và phát triển của loài người. Vì sao con người có thể thống trị trái đất chỉ sau một thời gian ngắn. Trong khi đó, các loài sinh vật đã tồn tại hàng triệu năm trên trái đất mà không có một loài nào chiếm vị trí quá độc tôn như loài người hiện nay.
Là một cuốn sách lịch sử, nhưng Sapiens dường như nói cả về chủ đề bảo vệ môi trường. Tất nhiên không phải ai cũng đồng ý với những luận điểm của cuốn sách, nhưng mình thấy đúng. Con người có lịch sử chỉ bằng cái chớp mắt so với lịch sử của các loài nói chung. Nhưng lại có những tác động vô cùng lớn với môi trường xung quanh. Con người sẵn sàng thay đổi môi trường, thay đổi nhiều phần của trái đất để phục vụ mục đích riêng của họ.
Sự độc bá và tham lam của loài người sẽ dẫn họ nhanh đến phần kết thúc hơn. Liệu loài người có thể tồn tại hàng triệu năm trên trái đất? Mình cho rằng trăm nghìn năm cũng rất khó chứ chưa nói gì đến hàng triệu năm. Mặc dù tương lai không ai biết trước được, nhưng nhìn vào những thay đổi nhanh chóng của môi trường và các loài sinh vật do tác động của con người. Thì cái kết dường như là có thể dự đoán được.
Homo Sapiens là ai và chúng ta đến từ đâu?
Sapiens Lược sử loài người bao gồm 4 phần, bắt đầu từ Cách mạng nhận thức, Cách mạng nông nghiệp, Sự thống nhất của loài người đến Cách mạng khoa học, tất cả đều những những dấu mốc mà chúng ta phải xoay ngược bánh xe thời gian và bắt đầu lược sử.
Mở đầu là hình ảnh Trái Đất cách đây 4,5 tỉ năm trước, khi mà mọi thứ mới hình thành, sinh vật chưa xuất hiện. Phải mất đến 1 tỉ năm sau (3,5 tỉ năm trước), những sinh vật đầu tiên mới xuất hiện. Sau đó, những sinh vật bắt đầu quá trình phát triển và tiến hóa để rồi chi Homo (loài người) xuất hiện ở châu Phi cùng với công cụ bằng đá của mình xâm chiếm đến nhiều vùng lãnh thổ khác của Trái Đất.
Vậy Homo Sapiens là ai? Là người tinh khôn, một trong rất nhiều loài người thuộc chi Homo trên Trái Đất rộng lớn. Người tinh khôn xuất hiện cách đây từ 2,5 – 2 triệu năm TCN và tên gọi này do con người hiện đại chúng ta đặt nên.
Vậy chúng ta đến từ đâu? Chúng ta là một trong hơn 7 tỉ người trên Trái Đất hiện nay đang xoay ngược bánh xe thời gian tìm hiểu về lịch sử loài người và chúng ta đến từ Homo Sapiens – tổ tiên hoang dã đã tồn tại cách đây 2,4 triệu năm.
Sapiens Lược sử loài người và những giải thích đầy hứng thú của Harari
Tất cả những lý giải về con người chúng ta và Homo Sapiens trên đều là những dẫn dắt của Harari để người đọc hiểu hơn về quá trình lịch sử của loài người, từ Cách mạng nhận thức, Cách mạng nông nghiệp, Sự thống nhất của loài người đến Cách mạng khoa học. Dễ hiểu hơn, mục tiêu của Harari là lý giải vì sao chúng ta, loài Homo Sapiens lại thống trị Trái đất và tương lai nào đang chờ đợi chúng ta.
Phần 1: Cách mạng nhận thức
Cuộc cách mạng nhận thức bắt đầu vào khoảng 70000 năm trước, khi mà loài người Homo Sapiens khám phá ra lửa và biết sử dụng ngôn ngữ để tạo nên sức mạnh cộng đồng, tiêu diệt các loài người khác trên Trái Đất.
Phần 2: Cách mạng nông nghiệp
Cuộc cách mạng nông nghiệp diễn ra vào 12000 năm trước đã giúp con người Homo Sapiens có cuộc sống khác, tách biệt khỏi thiên nhiên hoang dã, biết thuần hóa động vật và trồng cỏ cây, lương thực.
Phần 3: Sự thống nhất của loài người
Con người Homo Sapiens ở giai đoạn này (khoảng thế kỷ thứ 3 TCN) đã biết chuyển ngôn ngữ thành chữ viết, có hệ thống tiền bạc, có tín ngưỡng tôn giáo và có hiểu biết tri thức,…
Phần 4: Cách mạng khoa học
Cách mạng khoa học chỉ mới cách đây khoảng 500 năm, đánh dấu sự lớn mạnh và quyền lực của con người Homo Sapiens trên Trái Đất.
Tất cả các nội dung trong từng phần đều được Harari trình bày giải thích đan xen giữa lịch sử, sinh học, triết học và kinh tế một cách đa chiều, dễ hiểu mang đến cho người đọc nhiều hứng thú, cảm giác thôi thúc khám phá.
Những lý giải đầy thuyết phục
Harari đã lý giải vì sao loài này lấn át loài kia trong quá trình phát triển của các loài sinh vật. Không chỉ có vậy, anh còn giải thích vì sao một Châu Âu tụt hậu lại có thể vươn mình trở thành kẻ dẫn dắt thế giới chỉ trong hơn một nghìn năm.
Các vị vua chúa phong kiến phương Đông chỉ chăm chăm vào việc thu thuế và tìm cách duy trì sự tồn tại của các triều đại, hết triều đại này đến triều đại khác. Thường thì họ đàn áp bằng sức mạnh quân sự trước những sự chống đối. Còn tại các nước châu Âu, mặc dù cũng có sự tồn tại của hoàng đế nhưng nguyên lý hội đồng bô lão đã có từ thời Roma trung cổ. Ở đó có sự hoàng đế vẫn dẫn dắt nhưng những việc quan trọng đều có sự đồng ý của hội đồng. Châu Âu cũng tập trung vào phát triển kinh tế tư nhân, tư bản từ rất sớm, những ông chủ giàu có nhanh chóng đưa châu lục này phát triển nhanh chóng hơn.
Và những vấn đề còn gây tranh cãi
Harari đưa ra nhiều ý kiến cá nhân của anh trong Sapiens – Lược sử loài người. Những ý kiến cá nhân đó tất nhiên sẽ gây ra những tranh cãi nhất định.
Anh cho rằng Cách mạng nông nghiệp là một trong những sai lầm lớn nhất của nhân loại. Mặc dù nó mang lại nhiều thành tựu lớn nhưng đối với những cá thể thì những thành tựu đó là vô nghĩa. Mỗi chúng ta hiện nay đều sống trong thế giới với những căng thẳng, mệt mỏi, điều mà những người sống trong thời săn bắn, hái lượm không phải chịu đựng. Chúng ta ngày nay chủ yếu ăn vài món ăn hàng ngày, điều đó làm suy giảm hệ miễn dịch. Người du mục ăn món ăn khác nhau mỗi ngày và nó giúp họ khỏe hơn. Tóm lại, theo Harari thì cách mạng nông nghiệp làm dân số tăng nhanh chóng, nhưng nó không giúp mỗi người cảm thấy hạnh phúc hơn.
Có thể nhiều người không đồng ý với cách luận điểm trên. Bởi vì nhờ có cách mạng nông nghiệp thì mới có cách mạng công nghiệp và mới có xã hội văn minh, hiện đại như ngày nay. Nhưng cá nhân mình đồng tình với quan điểm của tác giả. Bởi vì những thứ chúng ta xem là “văn minh, hiện đại, thành tựu” của ngày nay không làm các cá thể hạnh phúc hơn. Hơn nữa, để có những thành tựu đó, cái giá phải trả là quá đắt. Chúng ta đã hoàn toàn thay đổi các loài khác, gồm động vật và thực vật, thậm chí là toàn bộ trái đất theo ý muốn của loài người. Rất nhiều điều trong số những thay đổi đó là trái với quy luật của tự nhiên.
Trăn trở về tương lai
Loài người rồi sẽ đi về đâu?
Thực ra thì mỗi người chỉ sống một cuộc đời, lo lắng về điều đó có phải là quá sớm? Thực thế không phải như vậy, chúng ta có trách nhiệm suy nghĩ cho thế hệ tương lai của loài người và cần hành động ngay từ bây giờ.
Những cuộc cách mạng về khoa học, công nghệ sẽ dẫn dắt con người đi về đâu? Liệu trong tương lai con người có bị thay thế bởi máy móc? Hay loài nào đó ưu việt hơn?
Nếu con người bị thay thế bởi máy móc trong hầu hết các công việc thì cuộc sống của chúng ta có còn nhiều ý nghĩa hay không. Thực tế thì các công nghệ AI hay hiện nay đang được xem là tiến bộ nhưng mình nghĩ rằng chúng không dẫn dắt loài người đến tương lai tốt đẹp hơn.
Khả năng con người bị thay thế bởi loài khác ưu việt hơn, hoặc có sức sống mạnh hơn, hoặc thông minh hơn, hoặc là có khả năng phá hoại khủng khiếp hơn. Nên nhớ loài người văn minh mới chỉ có vài nghìn năm tồn tại trên trái đất, vì thế mà khả năng bị thay thế là hoàn toàn có thể, nếu họ đi sai hướng.
Tóm lại, Sapiens là cuốn sách cực kỳ đáng đọc với những người thích chủ đề lịch sử và bảo vệ môi trường. Nhưng nếu bạn không quan tâm đến các chủ đề đó thì chắc hẳn nó sẽ mang lại sự nhàm chán. Mặc dù nó được những Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Barak Obama giới thiệu nhưng mình không nghĩ nó thích hợp với tất cả mọi người. Bởi vì nó chứa đựng những suy tư lớn lao về lịch sử và số phận của Sapiens – loài người. Điều mà mỗi chúng ta không phải ai cũng muốn quan tâm.
Nếu bạn muốn mua cuốn sách này thì Tiki chính là một trong những địa chỉ phù hợp. Đây là trang bán sách online uy tín hiện nay. Bạn cũng có thể tìm thêm mã giảm giá Tiki tại https://magiamgia247.vn/ để được miễn phí vận chuyển hoặc giảm giá. Tiki thường xuyên có các chương trình khuyến mãi miễn phí vận chuyển dù chỉ mua 1 quyển sách (nếu bạn sống ở thành phố lớn). Nếu muốn được giảm giá thì thường bạn cần mua vài quyển trở lên.
Bài viết được đón góp bởi cộng tác viên Nguyễn Ngọc Tú