Tàu Tốc Hành – Nắm Và Buông Trong Kiếp Nhân Sinh

Tàu Tốc Hành – Nắm Và Buông Trong Kiếp Nhân Sinh

Hiro Arikawa là tiểu thuyết gia xứ hoa anh đào giành được giải thưởng văn học thường niên lần thứ 10 Dengeki Novel Prize với tác phẩm Shio no Machi. Tiểu thuyết của bà mang những dấu ấn đặc biệt và đạt được thành tựu lớn như Evergreen Love – tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh, đứng nhất phòng vé với doanh thu 3.2 triệu USD ngay trong tuần đầu tiên ra mắt hay Phòng truyền thông hàng không với No.1 trong bảng xếp hạng “BOOK OF THE YEAR 2012” do tạp chí DA VINCI bình chọn.

Tàu tốc hành hướng đến chủ đề tình cảm và các mối quan hệ trong cuộc sống, đa số là tình yêu đôi lứa. Trong khi Evergreen Love đưa bạn đọc đến với câu chuyện đan xen giữa hai trái tim đồng điệu và sự diệu kì của tự nhiên, thì Tàu tốc hành lại là bài ca với những thanh âm lúc trầm lúc bổng, lúc bình yên lạ kì. Mỗi lần tàu chuyển tuyến và lăn bánh là lại một câu chuyện nữa mở ra. Nhưng lạ thay, chẳng có ai là nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm cả. Họ chỉ đơn giản là người nắm giữ thước phim cuộc đời của riêng mình mà thôi…

Tàu Tốc Hành – Nắm và buông trong kiếp nhân sinh

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Ftau-toc-hanh-p48069864.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Tiki[/su_button]

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Fwww.fahasa.com%2Ftau-toc-hanh.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Fahasa[/su_button]

Mỗi con người – mỗi câu chuyện

Tàu tốc hành tuy là hơn hai trăm trang sách về câu chuyện của tám nhân vật khác nhau, nhưng giọng kể lại không mang âm hưởng của yếu tố tự thuật. Trái lại, người kể chỉ đứng ngoài cuộc tường thuật những điều đã xảy ra với các nhân vật dưới thái độ trung lập, bởi trong đó có cả sự ấm áp và lạnh lẽo của con người. Nói như Lý Gia Thành: “Sự việc trong quá khứ hãy cho nó trôi qua, nhất định phải bỏ qua”. Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể ngưng nhớ về những khoảng thời gian tươi đẹp, hay quên đi một thứ tâm bệnh đã kéo dài âm ỉ trước khi có thể nhìn lại dĩ vãng bằng một đôi mắt trưởng thành hơn.

Trong những toa tàu đầy ắp con người kia…

Có đôi trẻ tìm thấy bình yên nơi đối phương hiện hữu

Có cô gái bị chồng sắp cưới phản bội

Một bà cụ văn minh

Sự trưởng thành của một bé gái bị chơi xấu

Hay sự giằng co tâm can khi giao du với những kẻ chẳng ra gì…

Mỗi chúng ta là những cá thể riêng biệt. Thật vậy, sẽ chẳng bao giờ có lấy tới hai người sống hai cuộc đời song song nhưng lại giống nhau đến từng chi tiết và sự kiện. Nếu ví cuộc đời như một cuốn sách và từng ngày trôi qua như mỗi lần ta lật sang trang mới, thì ta có quyền tô vào đó sắc màu ta thích, hay thái độ sống ta muốn. Những nhân vật trong Tàu tốc hành cũng vậy. Bởi họ lựa chọn cho mình một thái độ sống riêng, nên bao trùm cả quyển sách không chỉ có mảng màu hạnh phúc hay lời nguyền rủa mà còn xuất hiện cả sắc màu từ bi hay sự dứt khoác buông bỏ.

Nhưng, trước vòng quay của cảm xúc, nếu ta có thể quyết định dễ dàng đâu là lựa chọn đúng đắn thì cuộc sống đã chẳng phức tạp đến như thế. Bởi vậy, ngoài nội lực ra, ngoại lực cũng là yếu tố để ta có thể hoặc trở nên quyết đoán, hoặc thay đổi tâm tư. Tác động từ con người là một trong những yếu tố như thế.

Móc xích của những cuộc đời

Những nhân vật nói trên tuy có những dấu vân tay không trùng lặp, hay cuộn trào trong từng thớ thịt dòng máu biệt lập, nhưng chính sự gặp gỡ và đôi ba câu tình cờ thốt ra lại mang đến những ảnh hưởng mạnh mẽ và cảm giác sâu sắc trong tâm khảm đối phương. Sự ngẫu nhiên là yếu tố đắt giá xuyên suốt chuyến Tàu tốc hành bởi nó chính là chìa khóa vạn năng giúp mỗi người khám phá được những điều cốt lõi mà đôi mắt bấy lâu đã bị lu mờ với những vật cản vô hình.

Những kí ức của bà Tokie về người chồng quá cố là một mẫu chuyện tình cảm hài hước nhẹ nhàng. Nó đóng vai trò như một trạm dừng chân bình yên của độc giả. Dưới nhãn quan của bà, mọi sự đều trở nên giản đơn đến lạ kì.

“Đúng là đồ đàn ông tồi. Sao không bỏ đi? Rồi sẽ khổ đấy.”

“Chỉ có thánh nhân mới không nguyền rủa người khác khi bị đối xử tồi tệ như thế…, cháu nên đáp trả thích đáng, như vậy cháu sẽ thấy nhẹ lòng hơn nhiều”

Lời khuyên và cuộc chuyện trò ngắn ngủ ấy, liệu bà có biết hay không, rằng nó đã mở ngỏ cho những ý niệm sáng suốt được trào tuôn mà chẳng cần đến câu từ hoa mỹ.

Hay với cuộc gặp gỡ của hai nhân vật tên Shoko. Tuy chỉ kéo dài dăm phút, một Shoko đã bất chợt tìm thấy chính mình của quá khứ và một Shoko đã cảm thấy ấm lòng bởi những lời khích lệ để vượt qua tình cảnh khó khăn lúc bấy giờ.

Tất nhiên, trong số những cuộc gặp gỡ được đề cập, chẳng thế thiếu đi chủ đề tình cảm lứa đôi. Bởi đó chính là khởi nguồn của mọi sự, từ hạnh phúc đến éo le. Có những con người đã tìm thấy sợi dây tơ hồng mà bản thân muốn gắn bó dài lâu, cũng có chuyện tình phải dang dở vì cám dỗ bên ngoài, hay có chăng chỉ là chẳng thể cùng chung nhịp đập trong cuộc sống.

Phải nói rằng Tàu tốc hành là một ý tưởng có tính sáng tạo cao. Hiro Arikawa đã thể hiện thành công nét chấm phá ấy không đâu xa ngoài dựa vào thực tiễn cuộc sống. Thời buổi tàu điện Nhật Bản lăn bánh theo từng tuyến và đan xen qua lại như mắc cửi đã tạo cơ hội cho nhiều câu chuyện hơn được sẻ chia, nhiều con người được gặp gỡ hơn và nhiều trái tim có nhiều thì giờ hơn để bình tâm suy nghĩ.

Nhưng tại sao, những chuyến tàu điện, chứ không phải một phương tiện nào khác, lại là cầu nối thường gặp của những mảnh đời kia? Có lẽ, tàu điện chính là sự dung hòa hoàn hảo của các loại phương tiện giao thông, là sự trộn lẫn tuyệt diệu giữa sự đông đúc của xe buýt và sự thoải mái cá nhân trên những chiếc taxi. Vì thế, trên tàu điện, chúng ta có đến hai sự lựa chọn: hoặc chìm trong nội tại hoặc giao thiệp với người khác. Những chuyến tàu nối nhau lăn bánh và ngoài việc dừng chân ở các trạm cố định, sẽ chẳng có cột đèn giao thông nào có thể bất chợt xen vào dòng suy nghĩ hay cuộc trò chuyện của chúng ta.

Mỗi con người trong chúng ta đều là phần tử trong xã hội. Chúng ta sở hữu cho mình một lăng kính riêng, một cuộc đời riêng, một thế giới đặc thù – đó là điều muôn đời không hề thay đổi. Thậm chí dù cho chúng ta kết nối với nhau qua những tầng sóng Internet thì phía sau tấm “ảnh đại diện” nhỏ bé ấy vẫn là một con người bằng xương bằng thịt và sống bằng những loại xúc cảm từ cuộc sống.

Nắm và buông

Chung quy lại, những hành động và quyết định của tám nhân vật trên đều xuất phát từ hai chữ “nắm” và “buông”. Đối với Hermann Hesse – nhà thơ, nhà văn và họa sĩ người Đức:

Một vài người nghĩ nắm giữ khiến chúng ta mạnh mẽ, nhưng đôi khi buông xuống mới là câu trả lời.

Thật thế, trong một mối quan hệ, người ít bị ràng buộc nhất lại là người chủ động nhận biết được đâu là lúc để níu, và đâu là lúc để từ bỏ. Với quan hệ mẹ chồng-nàng dâu, bà Tokie tự tạo cho mình cảm giác nhẹ nhàng bằng cách từ bỏ những lời chấp nhặt vặt vãnh. Trong tình cảm nam-nữ, có đôi trẻ nắm được khoảnh khắc đối phương lướt qua cuộc đời mình và tìm được bến đỗ hạnh phúc. Cũng có những vòng tuần hoàn luẩn quẩn mang tên “phạm lỗi và tha thứ”, những lúc như thê, người muôn sự an yên lại là người biết nói lời chia tay…

Lời kết

Tàu tốc hành là chuyến hành trình không có hồi kết bởi nó bắt đầu và kết thúc trong sự dở dang. Khi mỗi người mang theo bước chân mình bước xuống bậc thềm sân ga, dù vô tình hay hữu ý, họ đã gửi gắm vào chuyến tàu một phần cuộc đời của mình. Được khởi sự giản đơn và kết thúc nhẹ nhàng, tình cảm, Tàu tốc hành cập bến văn học để chữa lành những tâm hồn đang thổn thức, hay trở thành mái nhà của sự bình yên và thư thả.

Leave a Reply

error: Content is protected !!