Trở Về Từ Cửa Tử – Cái Chết Liệu Có Đáng Sợ Hay Không?

Trở Về Từ Cửa Tử – Cái Chết Liệu Có Đáng Sợ Hay Không?

Từ cuối tháng 12/2019 đến nay (9/2021), địa cầu đang đối mặt với tử thần mang tên “Đại dịch COVID-19”. Cũng kể từ khi đại dịch hạch chấm dứt, đây là lần đầu tiên nhân loại phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh càn quét trên diện rộng với nguy cơ tử vong chưa thấy có dấu hiệu suy giảm đáng kể.

Nếu ví quá trình chọn lọc lần lượt các linh hồn phải từ bỏ cuộc sống thế tục là một cái phễu thì việc chúng ta sống nay chết mai chỉ phụ thuộc vào giả thiết liệu ta đang ở xa hay gần miệng phễu mà thôi. Đại dịch COVID-19 bùng nổ đã làm miệng phễu và ống phễu trở nên rộng ra, những nỗi buồn, những giọt nước mắt cũng do đó mà tăng thêm bội phần. Khi chứng kiến những diễn biến đau thương như thế, tôi thật sự rất muốn chia sẻ đến những con người đang chống chọi với virus Corona nói chung và những người bị nhiễm bệnh cùng người thân của họ nói riêng cuốn sách Trở về từ cửa tử (Embraced By The Light).

Cuốn sách được viết nên để kể về hành trình đến cõi vĩnh hằng. Từ khi được xuất bản, nó đã thu hút hàng triệu độc giả và sớm trở thành tác phẩm bán chạy trong danh sách của Thời báo New York, tuy rằng tác giả Betty J.Eadie không phải một nhà văn. Vậy, hành trình của bà có gì mà khiến độc giả nước Mỹ ấn tượng đến thế? Đó cũng là lí do tôi muốn Trở về từ cửa tử được các bạn đọc trải nghiệm.

Trở về từ cửa tử - Cái chết liệu có đáng sợ hay không?

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Ftro-ve-tu-cua-tu-p1016184.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Tiki[/su_button]

Nơi những linh hồn xuất phát và trở về: Thiên đường hay địa ngục?

Người ta thường truyền tai nhau rằng, sống trái đạo đức khi chết sẽ xuống âm ti, địa ngục, sống có lương tâm cuối cùng sẽ về với thiên đường. Trong cuộc hành trình trải nghiệm cận tử (NDE: near-death experience), linh hồn của tác giả đã thoát xác và về với nơi được cho là hạnh phúc vĩnh cửu với tốc độ mà “nhiều năm ánh sáng cũng không thể đem ra đo lường nổi với nó”.

Xuyên suốt phần đầu của mình, tác giả đã tường thuật những ý tiêu biểu trong gia cảnh, cuộc sống từ lúc tấm bé đến khi bà có một gia đình để yêu thương. Tất nhiên theo quan niệm thông thường mà nói, vì linh hồn của Betty J.Eadie đã bay đến nơi có “thứ tình yêu vô điều kiện nhất hạng” nên có thể cho rằng bà đã sống một cuộc sống thiện lành. Thế nhưng, sau cuộc khám phá dài gần như bốn tiếng đồng hồ ở đó, tác giả đã mở mang cho chúng ta rất nhiều bài học triết lí sâu sắc. Một trong số đó là: dù sống thiện hay ác, mỗi linh hồn nhập vào một thân xác trên thế giới đều mang trong mình sứ mệnh đặc biệt.

Chúng ta không thể đánh giá bất kì một ai chỉ vì một hành động, trang phục hay trạng thái mà ta bất chợt bắt gặp ở họ. Lấy ví dụ từ cuộc trải nghiệm của Betty J.Eadie. Khi bắt gặp một người say rượu nhếch nhác ven đường, chúng ta có xu hướng cợt nhả, coi thường sự lôi thôi và nát rượu đó nhưng chẳng ai biết rằng, hành động của người đàn ông say xỉn kia lại là động lực làm thức tỉnh lương tâm của một con người khác.

Qua giọng kể của tác giả, ta có thể thấy rõ thiên đường mà linh hồn bà bay đến thật sự là một nơi tuyệt vời, bởi trong vầng hào quang yêu thương của các nhân vật siêu linh ở đó, bà đã thấy quá hạnh phúc đến nỗi mà bà chẳng bao giờ muốn quay lại thân xác lạnh lẽo kia. Quả thật việc tôn thờ hay ấp ủ trong mình một thần linh như các một số dân tộc đã làm từ xưa nay là điều đúng đắn. Bởi chẳng có âm phủ, hay Diêm Vương nào trong quá trình đó, chỉ có lòng yêu thương vô bờ của Chúa, của Thượng đế, của Giê-su mà thôi. Người không phải sản phẩm của trí tưởng tượng mà là hữu thể.

“Thượng đế muốn chúng ta trở thành giống như người vậy, và rằng người đã phú bẩm cho chúng ta những phẩm tính giống như là Thượng đế, chẳng hạn như quyền năng của trí tưởng tượng và sáng tạo, ý chí tự do, trí tuệ, và hơn hết cả, là quyền năng để yêu thương.”

Tính xác đáng của hành trình trở về từ cửa tử

Tất nhiên, khi bắt gặp một hiện tượng vượt ngoài tầm hiểu biết của con người như thế, tôi không khỏi đặt một dấu chấm hỏi to đùng với tính đúng đắn của câu chuyện. Dù trải nghiệm cận tử rất phổ biến, nhưng … điều đó thật sự xảy ra sao, hay chỉ là một giấc mơ?

Theo Wikipedia, trình tự của trải nghiệm cận tử là như sau: cảm giác bị chết – thoát xác – tâm hồn thư thái – chuyển động qua một đường ống hẹp – gặp gỡ nhân vật tâm linh – gặp thực thể sáng – hồi tưởng cuộc đời – tiến đến ranh giới – cảm giác do dự không muốn quay trở lại thể xác. Và trải nghiệm của Betty J.Eadie có đến 7/9 giai đoạn nêu trên.

Thật ra mà nói, Trở về từ cửa tử không hẳn là cuốn sách duy nhất viết về lĩnh vực này. Chứng cứ về thiên đườngTrải nghiệm cận tử cũng nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng sánh bước cùng Trở về từ cửa từ trên Thời báo New York. Trong Chứng cứ về thiên đường, một nhà giải phẫu thần kinh đã không ngừng bác bỏ những bình diện về thiên đường cho đến khi chính bản thân ông được trải nghiệm nơi ấy. Còn Trải nghiệm cận tử chính là sản phẩm của hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về trải nghiệm cận tử, bao gồm việc đồng hành với những người cận tử đến khi họ lìa đời và những nhân chứng tường thuật quá trình từ cõi vĩnh hằng trở về. Những cuốn sách như thể đã củng cố phần nào lòng tin của chúng ta về sự hiện hữu của thiên đường.

Bài học từ cõi chết

Thế những, tác phẩm mà Betty J.Eadie viết nên không chỉ để chia sẻ về quá trình NDE mà còn ẩn chứa bài học đắt gia về tình yêu thương. Bây giờ, tôi mới có thể tin rằng , thành ngữ “Nhân chi sơ, tính bản thiện” của Khổng Tử quả thật sự đúng đắn. Bởi thiên đường tác giả trải nghiệm là nguồn gốc của những linh hồn mang trong mình sứ mệnh để đầu thai ở kiếp khác và trở lại sau khi sứ mệnh kết thúc, cộng thêm với lòng yêu thương vô bờ và dạt dào từ đấng tối cao và những nhân vật tâm linh khác, nên con người từ khi sinh ra đã có sự thiện lành ngay từ trong bản chất.

Qua cuộc sống với người chồng và những người con luôn quan tâm, săn sóc và yêu thương mình, tác giả mới có thể khẳng định rằng, tình yêu thương chính là chỗ dựa vững chắc, là liều thuốc của mọi khổ đau trong cuộc sống.Ta chẳng cần nhọc công đi tìm sứ mệnh của mình để làm gì, vì mọi điều đã đang, và sẽ xảy đến, đều có lí do của chính nó.

Như đã nói, linh hồn của tác giả cũng mang trong mình trọng trách riêng, phải chăng, sứ mệnh của bà là lan tỏa câu chuyện và niềm tin yêu của mình đến khắp nẻo Trái Đất?

“Trong cầu nguyện và phục vụ, luồn ánh sáng của chúng ta sẽ luôn chiếu tỏa. Phục vụ là chất dầu cho những ngọn đèn của chúng ta được phát sinh bằng từ bi và thương yêu.”

Kết

Vì thế, trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp này, thay vì trăn trở với những người không may bị nhiễm bệnh, và ai oán thay cho những người đã khuất. Ta có thể trao đi nhiều niềm yêu thương hơn, và cầu nguyện cho những linh hồn đã hoàn thành nhiệm vụ nơi thế gian rối ren này cũng như chúc họ một đời bình an trong kiếp sống tiếp theo…

Leave a Reply

error: Content is protected !!