VIẾT GÌ CŨNG ĐÚNG – MỘT CHUYẾN ĐI DÀI VÀ TRẢI NGHIỆM

VIẾT GÌ CŨNG ĐÚNG – MỘT CHUYẾN ĐI DÀI VÀ TRẢI NGHIỆM

Viết gì cũng đúng là quyển sách mà tôi đã áp dụng vào trong các bài luận hồi còn sinh viên để đạt được điểm cao. Hồi đó, tôi bắt gặp quyển sách này trong Trung tâm học liệu của Trường Đại học, tôi rất thú vị với cái tên của quyển sách: Viết gì cũng đúng. Theo như những giới thiệu ở những trang đầu thì đây là quyển sách giúp thành công trong tranh luận (kể cả trong văn nói và trong văn viết).

Tuy vậy, tôi chỉ áp dụng một phần nhỏ của quyển sách với mục đích đạt điểm cao hơn trong các bài luận, trình bày quan điểm trong các buổi báo cáo chuyên ngành. Theo như tác giả quyển sách – Anthony Weston thì một phần rất lớn các sinh viên hiểu nhầm khái niệm về “Bài văn”“Bài luận”. Với một Bài văn thì bạn hoàn toàn có thể nêu ra những cảm nhận cá nhân, những dẫn chứng ở các bài văn khác, những phân tích thiên về tình cảm và đạo đức. Nhưng, với một Bài luận thì bạn phải chắc chắn rằng những luận cứ bạn đưa ra, những lập luận mà bạn dẫn chứng phải sát với thực tế, phải khiến người khác thán phục và chấp nhận quan điểm của bạn. Điều này không hề dễ dàng!

Theo nhưng những gì tôi học được khi lần đầu đọc quyển sách, để trình bày quan điểm của bạn và bảo vệ quan điểm đó trước một “hội đồng” phản biện thì bạn cần phải bắt đầu từ những lập luận có ý nghĩa, và tiêu chuẩn cho những lập luận đó là:

  • Lập luận bắt đầu từ tiền đề đáng tin cậy. Điều này thật đơn giản: Nếu luận điểm của bạn mơ hồ, không rõ ràng và thiếu tính xác thực thì chắc chắn bạn không đủ sức bảo vệ luận điểm mà bạn đưa ra. Trường hợp này nhiều người mắc phải như ăn cơm bữa.
  • Lập luận phải cụ thể và chính xác. Cần tránh sự trừu tượng, mơ hồ. Những thông tin có được phải được kiểm chứng bằng những nguồn đáng tin cậy, tuyệt đối không nên dẫn chứng ở các trang báo mạng không chính thống, dán các liên kết dài ngoằn vào phần chú thích.
  • Tránh dùng ngôn từ cảm xúc. Những từ ngữ về cảm xúc thường không biểu hiện đúng mức độ của sự việc đến người tiếp cận, nhất là trong văn viết. Ví dụ như bạn viết một bài luận về vấn đề chặt phá rừng, kiểu như: “…rừng sẽ bị tổn thương khi chúng ta chặt hạ những cây to không kiểm soát…” Từ tổn thương không chỉ ra được mức độ ảnh hưởng. Viết lại cho đúng là: “…rừng sẽ bị tàn phá nặng nề khi chúng ta chặt hạ những cây to không kiểm soát…”.
  • Thuật ngữ phải nhất quán, đơn nghĩa. Để rõ ràng hơn bạn phải tự định nghĩa những thuật ngữ mà bạn đã dùng, sự chuyển nghĩa của từ là khó tránh khỏi nên bạn hãy chú ý thật kỹ phần này.

Điều thú vị nhất là khi tôi quyết định chọn hướng đi sắp tới là viết bài một cách chuyên nghiệp, tôi đã đọc lại hết tủ sách của mình và đọc cả tủ sách của Anh cùng phòng… Chính tại thời điểm này, tôi gặp lại “Viết gì cũng đúng” và bỗng nhiên tôi nhận ra rằng: Giá trị quyển sách nằm ở phần còn lại đang chờ tôi khám phá và hoàn thiện hơn khả năng viết của mình.

Không đơn giản như những chương đầu, phần tiếp theo của quyển sách chuyên sâu hơn về lập luận, những chương này là bí mật của viết gì cũng đúng. Vì sự chặt chẽ của bài luận, tính thuyết phục, rành mạch và logic hoàn toàn phụ thuộc vào lập luận. Trong quá trình viết luận có một số phong cách lập luận như:

  • Lập luận nguyên nhân hệ quả. Đây là lối lập luận đơn giản nhất, như hồi còn học tiểu học:

“Nếu ngày mai trời mưa thì chúng em sẽ không đi đá bóng”.

Lập luận này quá thô sơ và dễ bị phản bác. Như trường hợp trên: Giả sử “trời mưa” vào buổi sáng và tụi nhóc đá bóng vào buổi chiều thì vẫn không bị ảnh hưởng. Để phép luận này được chặt chẽ hơn thì phải xét kỹ hơn mối tương quan giữa “Nguyên nhân” và “Kết quả”. Một lập luận rõ ràng hơn sẽ là “Nếu 5h chiều mai trời mưa to thì chúng em sẽ không đi đá bóng”.

  • Lập luận theo lối suy luận. Đây là bậc lập luận khá cao, phức tạp thường gồm nhiều lập luận nguyên nhân – hệ quả được ngầm định sẵn. Ví dụ như:

“Nếu con người đã đặt chân lên được mặt trăng, thì dường như con người có thể tạo dựng sự sống mới ở đó.

Mà, con người vẫn đang nghiên cứu về sự sống trên mặt trăng

Do đó, sau này nhất định trên mặt trăng sẽ có cây mọc, người sống,… như ở trái đất”

  • Lập luận theo tam đoạn luận. Đây là một ràng buộc về lập luận, có cấu trúc: tiền đề – mở rộng – kết luận. Theo đó hễ người nào chấp nhận cái tiền đề của phép luận thì họ phải chấp nhận cái kết luận của bạn. Ví dụ như đơn giản nhất là: Bình và Hải cùng đi từ Miền Nam ra Hà Nội, ông Bình đi bằng Máy bay còn ông Hải đi bằng tàu hỏa, để thuyết phục ta sẽ có lập luận:

“Máy bay thì đi nhanh hơn tàu hỏa

Ông Bình đi máy bay, Ông Hải đi tàu hỏa”

Vậy ông Bình ra Hà Nội sớm hơn”.

Hay một ví dụ sinh động trong Thám tử Holmes

“Chó không sủa người quen

Vào đêm bị mất trộm con Chó không sủa

Vậy kẻ trộm phải là người quen”

Ở đây Tiền đề “Chó không sủa người quen” là chính là kinh nghiệm của Holmes và hễ chấp nhận cái kinh nghiệm này là đúng trong trường hợp này thì phải chấp nhận rằng “Kẻ trộm phải là người quen”. Thú vị phải không. Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều phép suy luận trong truyện thám tử Holmes đấy.

  • Lập luận mở rộng hay phép luận kết hợp nhiều phương pháp luận. Tạo một chuỗi lập luận mà khi bạn chấp nhận cái nguyên nhân của phép luận thì bạn phải chấp nhận cái kết luận của phép luận đó. Tuy vậy, phép luận này thường khó sử dụng do mạch suy luận càng dài thì càng dễ thấy được sơ hở, mà phương châm của Viết gì cũng đúng là ngắn gọn súc tích và dễ hiểu. Hơn nữa bạn cần phải vận dụng thành thạo ít nhất hai phép luận trên và những biến tấu của chúng trước khi thực hiện một lập luận mở.

Điều cuối cùng quyển sách muốn bạn tiếp nhận đó là “ngụy luận”. Đây là phần có ý nghĩa thực hành sâu sắc nhất. Ngụy luận là một phép luận mà trong quá trình lập luận do vô tình hoặc cố ý người tạo ra lập luận đã vi phạm một nguyên tắc nào đó dẫn đến phép luận sai lạc. Phép luận sai lạc này nếu sử dụng vào mục đích xấu nhằm thuyết phục người khác nó sẽ thay đổi sự thật đến 180 độ khiến người đọc, người nghe lầm lạc. Điều thú vị là phát hiện được ngụy luận của người khác đã là khó, phát hiện được sự sai lạc trong phép luận của bạn lại càng khó hơn. Hãy thực hành viết luận, vận dụng thành thạo những nguyên tắc trong Viết gì cũng đúng rồi bạn sẽ có một Phong cách lập luận của riêng mình.

Lời kết

Tôi gọi Viết gì cũng đúng mà một chuyến đi và trải nghiệm, vì trên hết tôi chưa từng nghĩ sẽ có một ngày Viết trở thành một phần cuộc sống của tôi. Đã viết thì phải đúng, phải trung thực với những giá trị mà mình theo đuổi. Tôi sử dụng quyển sách không phải ở góc độ khác “thủ thuật” để viết mà là tận dụng những phép luận để phô bày sự thật một cách tự nhiên nhất.

Chúc các bạn học được nhiều điều bổ ích từ Viết gì cũng đúng.

 

Leave a Reply

error: Content is protected !!