David Walliams – Phía Sau Những Cuốn Sách Thiếu Nhi

David Walliams – Phía Sau Những Cuốn Sách Thiếu Nhi

Để đề phòng cậu chưa biết, hoặc chí ít là vẫn còn mù mờ về vai trò nhà văn của David Walliams, tớ sẽ cop lại y nguyên si cái profile chất chơi người đơi được đính kèm tại phần tay gập trong tác phẩm của ông: “David Walliams (sinh ngày 28/09/1971) là diễn viên hài kịch và là nhà văn thiếu nhi nổi tiếng người Anh. Ông tốt nghiệp đại học Bristol chuyên ngành Kịch nói vào năm 1992 và nổi tiếng từ chương trình hài kịch Little Britain của đài BBC.

Ông từng góp mặt trong nhiều bộ phim và chương trình tivi, trong đó nổi tiếng nhất là show “Doctor Who” và “Britain’s Got Talent”.

Walliams xuất bản tác phẩm thiếu nhi đầu tiên vào năm 2008. Kể từ đó đến nay, sách của ông đã được dịch ra 53 thứ tiếng và bán được hơn 25 triệu bản trên toàn thế giới. Ông đã từng giành 4 giải Specsavers National Book Awards qua các năm 2012, 2013 và 2014”.

Thiết nghĩ, từng này giới thiệu cũng đã là khá đầy đủ về sự nghiệp của ông rồi.

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fauthor%2Fdavid-walliams.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Tiki[/su_button]

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Fwww.fahasa.com%2Ffavorite-author-david-walliams” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Fahasa[/su_button]

Từ những dòng trên, ta dễ dàng nhận thấy David Walliams là một nghệ sĩ đa tài. Ông thành công ở rất nhiều lĩnh vực, nhưng tình cờ thay, tớ lại biết đến ông ấy với vai trò đầu tiên là một nhà văn thiếu nhi, vào cái ngày tớ nhìn thấy những tác phẩm có ngoại hình đầy màu sắc của ông đang lơ lửng trên tiki với giá rổ không thể nào ngon lành hơn được nữa. Giống như bị ngải mọt nhập, tớ đã rinh một lèo đủ năm quyển khi đó của ông về nhà, để rồi ngâm giấm đến tận mấy tháng sau mới rề rà mở ra đọc quyển đầu tiên là “Bà nội Găngx-tơ”, để rồi từ cuốn sách ấy, tớ đã không thể nào đừng rút ví ra mỗi lần nghe tin sách của David sắp được xuất bản tiếp, kể cả khi giá của mấy cuốn đó chẳng hề rẻ tí ti ông cụ nào.

Kể từ khi biết tới Walliams và những tác phẩm của ông, cái mà tớ nghe nhiều nhất về tác giả này là việc người ta gọi ông là “Người kế nhiệm của Roald Dahl” (Hoặc cái gì tương tự vậy). Điều này không phải là không có lý do (Đề phòng trường hợp cậu thấy cái tên Roald Dahl nghe quen quen mà nhớ không ra, thì ông ấy là tác giả của cuốn “Charlie và nhà máy chocolate” cùng nhiều câu chuyện thiếu nhi thú vị khác).

Nếu nhìn vào những tác phẩm của cả Roald Dahl và David Walliams, cậu sẽ không khỏi cảm thấy có nhiều sự tương đồng trong phong cách kể chuyện của hai tác giả này. Tuy nhiên, với cá nhân tớ, nếu được chọn thì tớ vẫn muốn ưu tiên làm đầy thêm bộ sưu tập David Walliams của mình, vì nói theo kiểu ngôn tình thì, mấy tác phẩm của ổng đã thành công thu hút sự chú ý của tớ rồi ấy mà!

Cũng không phải tự nhiên mà đỗ nghèo khỉ như tớ lại bỏ từng đó tiền cho sách của David Walliams, sự trẻ trâu mãi không dứt từ lâu đã thành nguyên nhân thôi thúc tớ luôn hướng ví tiền của mình vào những bộ sách hài hước có tranh minh họa như vậy. Bô truyện của Roald Dahl, “Nhật ký ngốc xít” của Jim Benton, “Nhật ký chú bé nhút nhát” của Jeff Kinney, hay “Nhật ký người sói nhút nhát” của Tim Collins, ….

Tớ thích lối hài kiểu Âu Mỹ, nhất là khi nó được tiết chế để phù hợp với một cuốn sách dành cho thiếu nhi. Tớ thích những hình minh họa độc đáo, thích cách mà những câu chuyện của bọn trẻ làm tớ bật cười đến đau cả bụng. Sách của David Walliams còn hơn cả như vậy nữa, khi không chỉ những bức hình minh họa, mà đến những con chữ cũng được trình bày sao cho đầy tình gợi mở nhất. Cùng với họa sĩ minh họa Tony Ross, ông đã biết cách tận dụng tối đa ảnh hưởng về mặt thị giác mà cuốn sách có thể đem đến cho độc giả.

Sách của Walliams nếu không được cầm trên tay và đọc tận mắt, nhìn ngắm những bức tranh minh họa hay những con chữ nhảy múa thì kể như đã mất đi khá nhiều điểm hấp dẫn.

Cậu đã bao giờ đọc một cuốn sách mà các con chữ được viết ngược viết xuôi, lộn vòng vèo hay nhảy tưng tưng như cũng muốn tham gia vào câu chuyện chưa, như thể có một giọng trẩm bổng nào đó đang nương theo từng tình tiết mà lên xuống nhịp nhàng?

Hay cậu đã bao giờ đọc một cuốn sách mà thậm chí một trang truyện đen thui chẳng có dẫu chỉ một chữ nào cũng khiến tim cậu nhảy thịch lên một cái vì hồi hộp? Hoặc cậu đã bao giờ thấy bật cười vì những ví dụ dông dài đầy vô lý của tác giả được minh họa lại theo cái cách chẳng thế nào buồn cười hơn?

Kể từ sau David Walliams và Tony Ross, tớ chưa gặp được tác giả nào biết cách tận dụng hình ảnh một cách hiệu quả và thú vị đến thế. Có cảm giác như mỗi cuốn sách đều là một diễn viên hài hình thể vậy, khi từng dòng từng chữ, từng bức họa đều có vẻ hiểu rõ rằng chúng đang ở đây để làm gì.

Nhưng nói thể không có nghĩa là nếu bỏ đi sự độc đáo về mặt thị giác ấy thì những cuốn sách của David Walliams sẽ không còn giá trị nữa. Sau khi đã kinh qua bảy tác phẩm được xuất bản ở Việt Nam của ông, bản thân tớ đã nhận ra rằng cái khiến tớ bị nhà văn này mê hoặc còn nằm ở những câu chuyện đầy tính nhân văn mà ông kể. Đương nhiên, vì là văn học thiếu nhi nên cậu chẳng thể nào đòi hỏi một cốt truyện hack não xoắn quẩy hay những cú twist giật mình bất thình lình từ góc tối xồ ra.

Những câu chuyện của ông thoạt nhìn qua thì rất bình thường, đọc phần đầu đoán được khúc giữa, đến khúc giữa là phăng ra phiên ngoại luôn, đơn giản trực tiếp y như người tiền nhiệm Roald Dahl của ông. Bởi vậy, chẳng còn cách nào khác, các tác phẩm này đã thu hút người đọc bằng cách mà câu chuyện đơn giản ấy được triển khai. Walliams luôn biết cách thêm thắt các chi tiết thú vị để trang trí cho câu chuyện của mình.

Những biện pháp phóng đại không còn biên giới, các chi tiết phi logic nhưng hoàn toàn hài hước, cách hành văn dí dỏm và sống động, rồi cả những nhân vật tuy đơn giản nhưng vẫn có nét thú vị trong tính cách, chúng đã bắt tay nhau để khiến tớ chẳng thể nào rời mắt khỏi trang sách, cứ đọc mãi đến tận trang cuối cùng.

Bằng cách nào đó, ẩn đằng sau những câu chuyện tưởng như đơn giản, xàm xí ấy, Walliams đã đề cập đến những vấn đề tương đối nặng nề, u ám thậm chí đối với cả người trưởng thành. Đó có thể là sự cô đơn lạc lõng của người già trong “Bà nội Găngx- tơ”, cái chết và nỗi ám ảnh trong “Nha sĩ yêu quái”, sự độc ác của con người trong “Bánh mì kẹp chuột”, sự sợ hãi cái chết, nỗi buồn chia ly và vấn nạn bắt nạt học đường của những người bị bỏ lại trong một bệnh viên cũ nát của “Băng đảng nửa đêm”, những sai lầm của người lớn trong “Bố tốt – bố xấu”, hay thậm chí là căn bênh sang chấn tâm lý hậu chiến tranh của những người cựu chiến binh trong “Ông nội vượt ngục”.

Tác giả đã để nó được tiếp nhận bằng những tình tiết thoạt nhìn ngộ nghĩnh buồn cười, nhưng ngấm lại mới thấy buồn buồn mang mác. Cái kết của Walliams luôn rất đẹp, dẫu vẫn sẽ có điều gì đó không trọn vẹn, dở dang hay tiếc nuối. Tớ hầu như luôn luôn bắt đầu đọc những tác phẩm của ông với nụ cười trên môi, và kết thúc với khóe mắt cay xè. Tất nhiên, trừ tác phẩm “Đứa trẻ hư nhất quả đất 1” thuần một màu hài hước ra.

Những đứa trẻ trong truyện của Waliams đều có những khiếm khuyết nào đấy, dù là về ngoại hình hay tính cách, chúng cũng thường được ném vào những hoàn cảnh rất đỗi khó khăn, và phải đối diện với những người lớn xấu xa vô cùng. Nhưng, chúng luôn là những đứa trẻ ngoan ngoãn, đáng yêu, chúng luôn có thể tìm được con đường đúng đắn để đi, dù là bằng cách này hay cách khác.

Và dẫu thế giới có u ám thế nào, bên cạnh những đứa trẻ của chúng ta vẫn sẽ có những người lớn tốt bụng, đáng mến và không bao giờ bỏ rơi chúng. Có một điểm thú vị rằng hầu hết mọi tác phẩm của David tớ đã đọc qua đều thuộc cùng một vũ trụ, với những cameo chất lượng góp mặt thường xuyên, điển hình là bác chủ sạp báo Raj, một nhân vật vô cùng thú vị. Giờ mà đọc quyển nào không thấy bác Raj, tớ sẽ thấy thiếu thiếu ngay.

Tóm lại, nếu cậu đang cần một chút giải trí nhưng lại ngại mình đã quá tuổi, cậu có thể thử cho những câu chuyện đầy màu sắc của David Walliams cơ hội xem sao. Tớ nghĩ rằng thời gian bỏ ra cho những cuốn sách này sẽ không bao giờ là uổng phí đâu.

Leave a Reply

error: Content is protected !!