Chiếc Thuyền Ngoài Xa – Bức Tranh Vẽ Lại Đời Sống Con Người Thời Hậu Chiến

Chiếc Thuyền Ngoài Xa – Bức Tranh Vẽ Lại Đời Sống Con Người Thời Hậu Chiến

Đâu phải khi chiến tranh kết thúc thì mọi thứ đều yên bề, chiến tranh với những nỗi buồn của nó vẫn hiển hiện ngay trong đời sống hằng ngày. Xa rời lối viết tô hồng hiện thực, từ bỏ một thời văn học Việt Nam trượt dài theo quan tính ca ngợi, chúc mừng, Nguyễn Minh Châu đã ngụp lặn vào cuộc sống để soi tỏ ở đời thực những bất hạnh, những khổ cực của cuộc sống mưu sinh thời hậu chiến mà con người đã gặp phải. Chọn số phận con người cá nhân trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn thời hậu chiến làm đối tượng khám phá nghĩa là nhà văn kiến quyết khước từ cái nhìn lí tưởng hóa con người để đưa đến người đọc cự li gần nhất, thực nhất về con người.

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fauthor%2Fnguyen-minh-chau.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Tiki[/su_button]

[su_button url=”https://go.isclix.com/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Fwww.fahasa.com%2Ftuyen-tap-truyen-ngan-hay-nhat-cua-nguyen-minh-chau.html” target=”blank” background=”#ef2d30″ size=”5″ radius=”round” icon=”icon: arrow-right” rel=”nofollow”]Mua sách trên Fahasa[/su_button]

Những trang viết chất chứa hiện thực ở đời

Chiếc thuyền ngoài xa là câu truyện trong câu truyện với sự hóa thân của tác giả vào nhân vật Phùng – một nghệ sĩ nhiếp ảnh đang thực hiện một nhiệm vụ nghệ thuật được trưởng phòng giao. Đó là hoàn thiện bộ ảnh lịch bằng những bức tranh chỉ có sự hiện diện của cảnh vật. Để thực thi nhiệm vụ Phùng đã đi về tận vùng bờ biển năm xưa là chiến trường cũ để săn ảnh. Thế nhưng tại đây anh không chỉ nhận về lại được tác phẩm nghệ thuật, bài học nghệ thuật mà còn là bài học nhân sinh.

Lang thang nhiều ngày trên bãi biển, Phùng đã chụp được ba bức ảnh thế nhưng anh vẫn chưa thực sự ưng ý. Vì tồn tại trong anh là một con người lao động nghệ thuật nghiêm túc và chưa dừng lại nếu chưa thỏa mãn khát khao nghệ thuật chân chính vậy nên Phùng vẫn muốn có một tấm ảnh thỏa mãn mình hơn nữa. Đó cũng như một lời nhắc nhủ với những người làm con đường nghệ thuật mà Nguyễn Minh Châu gửi gắm trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa: Luôn khám phá và đặt cho mình một tiêu chuẩn nghệ thuật cao nhất và chỉ chấp nhận những tác phẩm đưa tới trạng thái thỏa mãn nghệ thuật.

Cuối cùng, Phùng đã chụp được một tác phẩm thỏa mãn từ suy nghĩ đến cảm nhận. Một bức ảnh mà anh đánh giá là “ cơ duyên hiếm gặp” của cả một đời cầm máy. Thế nhưng phút sau khi cảnh đẹp biến mất thì hiện thực cuộc sống sần sùi, gai góc cũng hiện ra thông qua hình ảnh một người đàn bà vùng biển chịu những trận đòn roi của người đàn ông một cách cam chịu. Và lần sau cũng tại bãi biển, Phùng gặp lại cảnh này lần nữa và anh chạy ra căn ngăn đến nỗi bị thương. Sẵn bản tính cương trực, Phùng muốn giúp đỡ người đàn bà ấy nên anh tìm tới chánh án Đẩu – là người đồng đội cũ của anh trong chiến trường. Cuối tác phẩm là hình ảnh cảnh biển hôm ấy Phùng chụp và những tưởng tượng của anh về người đàn bà bước ra từ bức tranh. Một kết thúc đan cài giữa cái nghệ thuật và chất thực. Một kết thúc mở thôi thúc người đọc đồng sáng tạo và khám phá những ẩn ý của kết thúc ấy.

Có thể thấy lâu nay ta đã biết về một thời, một thế hệ mất mát do chiến tranh thì bây giờ bàn tay tàn ác của vị thần Chiến lại vồ tới cả con người không tham gia chiến tranh nhưng vẫn bị tổn thương. Khi đất nước hóa chiến tranh, mọi thứ đều một lòng hướng vào chiến trường thì chắc chắn rằng đời sống con người rất cam go. Gia đình người đàn bà ấy không ai va vào vòng xoáy thời chiến nhưng lại khổ bởi cuộc sống mưu sinh khó do chiến tranh gây ra. Đời sống hậu chiến là bước phục hồi lại những gì đã mất nhưng với vùng biển này lại là tiếp tục đời sống trên biển chông chênh.

Có những điều nghịch lí nhưng ta phải chấp nhận nó như một thuận lí

Cuộc gặp gỡ của người đàn bà, Phùng và Đẩu khiến người đọc như được ngộ ra nhiều điều. Với suy nghĩ của Phùng và Đẩu – lối suy nghĩ của những người có trí thức nhưng chưa thực sự hiểu nổi khổ của cuộc sống mưu sinh đầy cơ cực, lòng tốt muốn giúp đỡ người đàn bà thoát khỏi cuộc hôn nhân đầy bạo lực này xuất phát từ sự bất bình của người tốt khi thấy kẻ yếu thế hơn bị ức hiếp đến tàn nhẫn.

Phùng và Đẩu muốn người đàn bà li dị chồng để có một cuộc sống tốt hơn. Có lẽ hành động của hai người họ cũng giống đa phần chúng ta: muốn cứu kẻ yếu ra khỏi bể khổ. Nhưng những lời bộc lộ của người đàn bà làng chài lại khiến ta cảm thấy suy nghĩ của mình chưa thực hợp lí. Đằng sau một vẻ ngoài lam lũ, ít học của chị là một con người sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời. Chị cam chịu từng trận đòn roi bởi vì thương con, vì phải nuôi đặng một sắp con. Gia đình chị đã gắn liền với nghề chài biển thì luôn cần có một người đàn ông chèo chống lúc phong ba.

Vì mình hiểu tấm lòng người mẹ so với cảnh nhìn thấy con mình chết đói thì chị thà chọn chịu đựng những lời mắng nhiếc, nguyền rủa, đánh đập của người chồng. Hơn cả chị cực kì thấu hiểu môi trường sống chật chội trên huyền là nguyên cớ để người đàn ông bức bối và muốn giải tỏa mà lão không biết uống rượu nên chỉ có thể dùng bạo lực. Và chị chấp nhận nó như một cách chia sẻ áp lực với chồng. Một lối suy nghĩ vô cùng chín chắn và thấu hiểu mọi việc của người đàn bà khiến cả Phùng và Đẩu cũng phải thay đổi toàn bộ cách nhìn và phải suy ngẫm nhiều.

Hai người từng cầm súng cứu cả một đất nước nhưng nay lại không thể “cứu” một gia đình. Nguyễn Minh Châu muốn người đọc hiểu rằng tính chất phức tạp và đa chiều của cuộc sống phải nhìn sâu chứ không thể dùng lí lẽ giản đơn của người đứng ngoài lí giải và áp đặt.

Điều khiến mình băn khoăn

Một hiện thực hậu chiến đó là nhà nước đã kịp thời giúp nhân dân trong cuộc sống mưu sinh bằng việc cấp đất để canh tác. Nhưng với những người làm nghề chài lưới và đã gắn bó gần nửa cuộc đời như người đàn bà hàng chài thì việc cấp đất cho họ thực không hợp lí. Bởi cho đất rồi họ cũng chỉ để đó, với cả đất những khu chài biển thường là cát, trồng trọt là không khả thi với bấy giờ. Phải chăng đó cũng là một nguyên nhân mà họ vẫn chật vật mãi với cuộc sống mưu sinh?

Một tác phẩm dạy cách sống

Một bài học nghệ thuật được nhà văn gửi gắm thông qua nhân vật Phùng. Đã làm nghệ sĩ sống vì nghệ thuật thì phải đặt ra cho mình tiêu chuẩn nghiêm khắc và phải lao động nghệ thuật nghiêm túc, có vậy mới thực sự là một người làm nghệ thuật chân chính. Con đường tới đỉnh cao nghệ thuật phần lớn là sự va chạm mãnh liệt với đời và hết mình vì nghệ thuật.

Người nghệ sĩ nói chung và nghề làm văn nói riêng đừng vì nghệ thuật mà bỏ quên cuộc đời, chạy theo lối viết duy mĩ bởi lẽ nghệ thuật chân chính luôn là cuộc đời và vì cuộc đời. Trước khi thành một người nghệ sĩ thì phải biết làm một con người chân chính biết xúc động trước mọi cảnh đời.

Đừng nhìn cuộc đời một chiều như cách Phùng khi chưa hiểu rõ câu chuyện của người đàn bà và dùng suy nghĩ của mình đánh giá. Bởi “cuộc sống đa sự” và “con người thì đa đoan” vậy nên phải thực sự đào sâu, ngụp lặn thì mới thấu hiểu tất cả những bề sâu, bề nổi, sự phức tạp, đa chiều của cuộc sống. Cũng như ta không thể đánh giá một câu chuyện qua những chiếc bóng phản chiếu. Vậy nên con người cần biết xây dựng cho mình sự đồng cảm, biết đặt mình vào vị trí của người khác để lắng nghe và thấu hiểu thực sự.

Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa ra đời như một bước đánh dấu chuyển mình thực sự của nền văn học  Việt Nam vì theo mình biết trước đó nhiều năm văn chương Việt đang quá say mê với chiến thắng của cuộc chiến vệ quốc mà hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật mang tính ngợi ca ra đời. Nay Nguyễn Minh Châu thức tỉnh người đọc đằng sau sự ngợi ca vẫn còn những số phận người đang oằn mình chống chọi với đời mưu sinh phức tạp mà bị văn chương – bản ghi chép hiện thực lãng quên.

Leave a Reply

error: Content is protected !!