Hãy kể giấc mơ của em – Nỗi ám ảnh mang tên ấu dâm

Hãy kể giấc mơ của em – Nỗi ám ảnh mang tên ấu dâm

Được xuất bản từ năm 1998 cuốn tiểu thuyết tâm lý, tội phạm “Hãy kể giấc mơ của em” của tác giả Sidney Sheldon vẫn còn nguyên giá trị thời sự khi cùng lúc đề cập đến nạn ấu dâm và hội chứng đa nhân cách gây nhiều ám ảnh cho người đọc.

Cuốn tiểu thuyết nhân văn dựa trên câu chuyện có thật

Sidney Sheldon là tác giả quen thuộc trong thể loại hình sự, trinh thám, tình cảm, đã được độc giả biết đến với nhiều tiểu thuyết nổi tiếng như:Thiên thần nổi giận, Nếu còn có ngày mai, Không có gì là mãi mãi, Bóng tối kinh hoàng, Ký ức nửa đêm,…Trong số đó “Hãy kể giấc mơ của em” là một trong những cuốn tiểu thuyết được viết dựa trên những chi tiết có thật về hội chứng đa nhân cách. Với ngòi bút tài tình trong việc miêu tả tâm lý người mắc chứng đa nhân cách, tác giả đã khắc họa chân thật nỗi đau đớn, giằng xé của một nạn nhân bị lạm dụng tình dục từ thuở bé.

Thông qua tính cách, hoàn cảnh, tâm lý tình cảm của ba nhân vật Ashley Patterson, Toni Prescott, Alette Peters trong tác phẩm độc giả sẽ có cái nhìn cảm thông hơn đối với những người mắc hội chứng đa nhân cách, qua đó, thấu hiểu trọn vẹn tội ác mang tên ấu dâm. Hậu quả nó để lại như con rắn độc len lỏi vào từng ngóc ngách tâm hồn, bóp méo bản tính tự nhiên, biến nạn nhân của nó thành kẻ khuyết thiếu về tinh thần, ngăn cách họ với cuộc sống bình thường mà họ xứng đáng được hưởng.

[su_button url=”https://fast.accesstrade.com.vn/deep_link/4348611940829411658?url=https%3A%2F%2Ftiki.vn%2Fhay-ke-giac-mo-cua-em-tai-ban-p4940267.html” target=”blank” style=”flat” background=”#ef2d30″ size=”6″ rel=”nofollow”]MUA SÁCH TRÊN TIKI[/su_button]

Nhân vật Ashley Patterson số phận đáng thương giữa hai lằn ranh đối lập

Ashley Patterson là cô gái trẻ, xinh đẹp, thuần khiết như bao cô gái khác sống ở San Francisco, cô có cha là bác sĩ giỏi, thành đạt và yêu thương cô hết lòng, với một công việc như mơ, được nhiều chàng trai theo đuổi. Cuộc sống của Ashley tưởng như hoàn hảo cho đến khi một loạt các sự kiện bí ẩn xuất hiện, bắt đầu bằng cảm giác bị rình rập, theo dõi.

Một ngày, khi đi làm về cô phát hiện ra căn hộ của mình bật sáng, đồ đạc bị xáo trộn, đập vào mắt là dòng chữ “Mày phải chết” được viết bằng son trên tấm gương trong nhà tắm. Quá hoảng sợ cô đã cầu cứu đến sự giúp đỡ của cảnh sát, sáng hôm sau xác của viên cảnh sát được tìm thấy tại con hẻm phía sau căn chung cư của Ashley trong tình trạng bị đâm nhiều nhát và không còn nguyên vẹn.

Chính từ lúc này cuộc sống của Ashley hoàn toàn bị đảo lộn, vụ án mạng như một nhát dao bóc trần tấm màn tươi đẹp giả tạo bao quanh cô và  những bí mật khủng khiếp trong đời tư của Ashley cũng dần dần được hé lộ.

Nhân vật Toni Prescott, bản năng hoang dã trong mỗi con người

“Xung quanh bụi dâu,

Con khỉ đuổi con chồn,

Con khỉ nghĩ thật là vui vẻ,

Bốp! đi đời con chồn.

Toni Prescott biết rất rõ tại sao mình thích bài đồng dao đó. Mẹ nàng thì rất ghét nó”.

Ngay từ khi còn bé, Toni đã biết cách phản ứng lại những gì mình không thích, cô là một cô gái người Anh sôi nổi, có giọng hát tuyệt vời nhưng sống bất cần và bạo lực. Toni luôn chống đối mọi thứ và thích được điều khiển những gã đàn ông si mê xung quanh mình. Sự nổi loạn, lạnh lùng và tàn nhẫn được cô phơi bày như tấm lá chắn bảo vệ bản thân trước sự ngược đãi của mẹ “Bà chỉ có hai cách nói chuyện là quát mắng và than vãn. Toni không bao giờ làm bà vừa lòng. Mày không thể làm được gì cho tử tế hay sao, con ngu kia? Quát mắng là công việc hàng ngày của bà”.

Tất cả sự bất lực và căm thù do bị tổn thương lúc nhỏ được cô trút lên đầu Alette yếu đuối, tội nghiệp, cô như con thú bị thương vùng vẫy để thoát ra khỏi nỗi ám ảnh từ quá khứ để tìm lại bản thân mình. Chính bản năng hoang dại ấy đã suýt làm tổn thương người mà cô ra sức bảo vệ Ashley Patterson.

Nhân vật Alette Peters, bản thể yếu đuối và bất lực

Alette Peters, một cô gái nhỏ bé người Ý với khả năng hội họa bẩm sinh, cô có thể nhìn thấy màu, ngửi màu, thậm chí là nghe màu từ những thứ xung quanh. Cô có thể trở thành một họa sĩ tài năng nếu không bị ám ảnh, tự ti về bản thân bởi lời nói màu nâu xám đầy ghét bỏ của mẹ “Con đang lãng phí giấy bút đấy. Con không có năng khiếu ấy đâu”.

Bên trong vẻ e thẹn, dịu dàng là một người cô đơn, lạc lõng, luôn ẩn chứa sự nổi loạn, tràn đầy thù hận và căm ghét thế giới. “Trạng thái tinh thần của nàng thay đổi thất thường, đang từ người vui vẻ, hạnh phúc có thể ngay lập tức trở thành kẻ đau đớn tuyệt vọng. Nói chung là nàng không cách gì kiểm soát được tình cảm của mình”. Chính Alette cũng cảm thấy kinh tởm và hoảng sợ trước tiếng nói độc ác cứ vang vọng trong tâm trí mình, nhưng trớ trêu thay, càng trốn chạy cô lại càng bị nó bủa vây.

Đến một ngày, bóng đen đáng sợ đã bắt được nạn nhân của nó: Waiter Manning, người phản đối việc chọn bức tranh của Alette làm quà tặng cho vị mục sư đáng kính của giáo hội chết trong vụ đụng xe không rõ thủ phạm. Liệu Alette có vô can?

Cuốn tiểu thuyết phá vỡ giới hạn suy luận thông thường

Đối với độc giả yêu thích thể loại truyện trinh thám tâm lý tội phạm, cuốn sách là một lựa chọn hoàn hảo cho ngày cuối tuần. Hãy kể giấc mơ của em không theo mạch của một cuốn tiểu thuyết trinh thám thông thường mà được chia thành các chương nhỏ với nội dung mỗi chương kể về một câu chuyện riêng biệt.

Mỗi chương khắc họa một vụ án kinh hoàng tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại với bối cảnh không gian xa lạ kéo dài từ London, Rome, Quebec đến San Francisco có thể sẽ khiến độc giả mất tập trung, cảm thấy rời rạc. Tuy nhiên, tất cả đều là những mảnh ghép tác giả cố ý tạo ra, để rồi đến cuối cùng chúng sẽ tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh, mở ra sự thật bất ngờ, ám ảnh đến chua xót.

Không những thỏa mãn với những tình tiết phá án nghẹt thở, độc giả còn được tham gia vào phiên tòa đặc biệt với việc bào chữa tài tình, không tưởng của luật sư David Singer khi buộc bồi thẩm đoàn tin rằng hung thủ là nhân vật vốn dĩ không tồn tại.

Kết thúc cuốn tiểu thuyết mở ra một khởi đầu mới cho nhân vật chính, trả cô về đúng với cuộc sống vốn có, với những điều tốt đẹp mà cô xứng đáng được hưởng. Cuối truyện, hình ảnh kẻ là nguồn cơn của tất cả tấn bi kịch chơi đùa với con riêng của người vợ kế gợi lên nhiều suy ngẫm cho độc giả, liệu thực sự hắn đã quên hết những việc xảy ra, “hoàn lương” trở thành một người tốt xứng đáng được tha thứ, hay gã vẫn tiếp tục đeo lên chiếc mặt nạ của mình để gây tội ác với những đứa trẻ ngây thơ vô tội khác?

Bài Review được đóng góp bởi Cộng tác viên Mai Nguyen

Leave a Reply

error: Content is protected !!