Cái thú của việc đọc sách giấy

Cái thú của việc đọc sách giấy

Tôi đã nảy ra cái chủ đề này vào một ngày vừa may mắn đọc xong một cuốn sách rất hay. Ban đầu tôi định sẽ viết một cách phức tạp hơn bằng cách chỉ ra những điểm mạnh của việc đọc sách giấy so với cách đọc sách theo công nghệ số. Tôi bắt đầu tìm các tài liệu nghiên cứu một cách khoa học vấn đề này. Nhưng có vẻ những kiến thức ấy quá “học thuật” và dong dài với tôi. Nên tôi đi đến quyết định rằng, tôi sẽ nói về điều này một cách gần gũi nhất từ một kẻ đơn thuần thích đọc sách và yêu sự “lỗi mốt” của những trang giấy.

Tôi chẳng biết mình có phải là kẻ bảo thủ, kém tiến bộ hay không. Nhưng tôi thành thực thừa nhận rằng, mình chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách bằng những trang sách điện tử cả. Ban đầu thì nó thực tế thế này … có lẽ một người cận thị thì có đôi mắt cũng yếu hơn những người khác, tôi rất dễ bị mỏi mắt khi đọc sách qua E-book.

Tôi hiểu được tính đơn giản và tiện dụng của những trang sách điện tử. Nhưng tôi lại thích có những cảm xúc phức tạp hơn từ những trang sách giấy. Đọc sách điện tử tôi cảm giác giống như mình bị lột đi phân nửa cảm xúc vậy. Và tôi thì hoàn toàn bất mãn với điều đó. Tôi yêu cảm giác được giành cả một buổi đi dọc các giá sách trong một hiệu sách yên tĩnh mênh mang những sách là sách.

Cảm giác được lựa những cuốn sách giấy chẳng phải từ điều gì khác xen vào, đôi khi chỉ vì một cái bìa quá đẹp. Đôi khi chẳng là vì những cuốn sách mà vì những kẻ cũng đang mải mê cái thú vui như mình. Được nhìn thấy cả những đứa trẻ thậm chí còn ngồi bệt dưới sàn để cố đọc vài trang truyện, có những đứa lại đang nài nỉ ỉ ôi bố mẹ mua thêm cho vài ba cuốn truyện tranh. Nếu bạn chỉ là một người thích sự đơn giản của những trang sách điện tử, bạn chắc chắn được hưởng ít cảm xúc hơn tôi rồi. Mà tôi thấy điều đó thật quá lắm! Nếu là bạn, tôi chẳng căn tâm!

Cái thú của việc đọc sách giấy

Trong ký ức mơ hồ nào đó của mình, có một người đã khuyên tôi rằng, nếu có may mắn được đặt chân đến một vùng đất mới, đừng chỉ chụp những bức ảnh, hãy ghi chép lại. Bởi vì cảnh vật có thể bất biến, nhưng cảm xúc của chúng ta sẽ trở nên khác đi mỗi lần ngắm nhìn chúng.

Đối với tôi những câu chuyện, những tri thức trong một tác phẩm cũng vậy, nó có phần nhiều giống như một bức hình được chụp lại. Cùng chỉ là một câu chuyện thôi, cùng là một cách hành văn đó, cùng là một ngòi bút tác giả đó, cùng chỉ là bạn đọc những dòng chữ đó. Nhưng con người ngày hôm nay của bạn và con người của bạn vào ngày mai hoặc nhiều ngày mai nữa với những trải nghiệm, những niềm vui hay biến cố nhiều thêm thì sẽ có những cảm nhận rất khác nhau về đúng câu chuyện mà ngày hôm nay bạn đã đọc.

Tôi là một kẻ rất thích ghi chú vào những thứ tôi đã đọc và tất nhiên rồi, tôi chỉ có thể làm điều đó trên những trang sách giấy. Tôi thích ghi lại cảm nhận của mình. Tôi cảm thấy rất thú vị với cảm giác một khoảng thời gian dài sau đó, tôi vô tình lục lại những cuốn sách trước đây mình đã đọc, tôi sẽ biết, với câu chuyện này ở thời điểm đó tôi đã nghĩ điều gì?

Cái thú của việc đọc sách giấy

Những điều trước đây tôi chưa đủ trải nghiệm để thấu thì giờ tôi cảm nhận điều đó được rõ ràng hơn. Việc đó khiến mỗi cuốn sách tôi đã đọc, đã ghi chú vào giống như một cuốn nhật ký của tôi vậy. Tôi có thể nhìn lại chúng và biết được rằng mình đã đi được bao xa, mình đã trưởng thành như thế nào! Và nếu bạn cầm một cuốn sách tôi đã đọc, bạn cũng có thể hiểu được đôi phần con người tôi thông qua những quan điểm tôi đã bày tỏ, qua những cảm xúc tôi đã trải qua.

Nếu đọc được một cuốn sách hay, tôi nhất định sẽ muốn tặng cho một người nào đó tôi yêu mến, tôi sẽ rất thích được viết vài điều vào đó. Hoặc nếu chẳng may tôi có chút e ngại, không phải những điều sách viết sẽ bày tỏ hộ tôi sao? Một phần cảm xúc của tôi theo những trang giấy đó gửi cho người tôi quan tâm. Bạn có thể tặng một cuốn sách E-book cho một người khác không? Bạn có thể ghi thêm vào đó những lời ý nghĩa không? Hẳn là không?

Nếu đọc một cuốn truyện có yếu tố trinh thám, giải đố thì một kẻ có đầu óc không được nhạy bén như tôi thực sự hài lòng với việc được lần giở lại những trang giấy, ghi chú vào đó những điều tôi đang cảm thấy hoài nghi … giống như một thám tử thực sự đang lần lại manh mối vậy. Và tôi e rằng việc đó có chút bất tiện và chẳng thú vị chút nào với những trang sách điện tử cả.

Cái thú của việc đọc sách giấy

Tôi chẳng biết bạn có nghĩ là tôi đang phiến diện quá không? Nhưng bạn đã bao giờ thấy ai đó ngồi ở một góc tĩnh lặng của quán cà phê để đọc sách chưa? Giữa bao nhiêu những con người cúi mặt chăm chú vào chiếc điện thoại trên tay. Chỉ duy người đó cắm cúi vào những trang sách trên mặt bàn. Đôi lúc cười, đôi lúc lại chấm nhẹ trên má một giọt nước mắt … Tôi chẳng thấu được cảm giác của bạn. Còn tôi, tôi luôn bị cuốn ánh nhìn vào một người như vậy. Họ có cái gì đó thu hút riêng lắm, giữa những người xung quanh đều giống nhau.

Mà hẳn chẳng phải mình tôi bị cuốn hút bởi một người như thế. Còn nhớ, ngày chụp ảnh kỷ yếu tốt nghiệp Đại học. Hôm đó Văn Miếu có mưa bay bay giống như mưa ngâu mà lại có đôi chút dày hạt hơn, ai cũng tìm một chỗ để nấp vào, vậy mà giữa cái chốn ồn ào đó có một anh chàng người phương Tây, điềm tĩnh đứng dưới mưa đọc một cuốn sách. Áng chừng anh ấy đang đọc đến đoạn hay lắm, chẳng dừng nổi để nhận ra tóc và vai áo đã dần thấm mưa. Chị phó máy cứ nháy liên tục mà hình như quên mất chúng tôi mới là người thuê chị. Sau này tôi nghe nói, anh chàng đó đã trở thành một “mẫu ảnh miễn phí, full thời gian” cho chị.

Đó chỉ là một kỷ niệm vui vui về những trang sách giấy của tôi thôi. Nhưng biết đâu chừng nó lại trở thành động lực cho bạn năng ngồi cà phê hay đứng dưới mưa để làm bạn với một cuốn sách thì sao nhỉ? Cũng đáng để thử lắm chứ! Và đừng quên ghi chép lại vào cuốn sách bạn đã đọc những cảm nghĩ và suy tư của mình nhé! “Hành trình” mà bạn vừa được trải nghiệm sẽ ý nghĩa hơn nhiều đấy!

Bài Review được đóng góp bởi Cộng tác viên Hà Thúy Ngà

Leave a Reply

error: Content is protected !!